Sáp nhập các trung tâm y tế thành bệnh viện: Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực

NGUYỄN DƯƠNG 18/05/2016 09:29

Theo thông tư liên tịch số 51 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc sáp nhập một số trung tâm y tế (TTYT), Sở Y tế đã có kế hoạch để thành lập bệnh viện (BV) sản - nhi, BV mắt hay BV da liễu… Về cơ bản, mọi điều kiện để thành lập đã có sẵn nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Thuận tiện cho người bệnh

Điều thuận lợi đầu tiên khi tiến hành thành lập, sáp nhập những TTYT thành quy mô của một BV sẽ giúp người bệnh có thể tiến hành khám chữa bệnh ở một nơi, rút ngắn được thời gian, công đoạn khi chỉ tiến hành ở trong một khu vực. “Như nếu thành lập BV sản - nhi thì người mẹ và trẻ em được chăm sóc tốt hơn. Khi mẹ bị bệnh đã có các bác sĩ khoa sản lo, trẻ bị yếu thì đã có bác sĩ chuyên ngành nhi chữa trị chỉ ở trong một khu vực của BV. Hoặc nếu thành lập BV mắt, tập trung các khoa phòng ở trên địa bàn về đây thì độ chuyên sâu về chữa trị cũng được nâng cao, người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn…”- ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết. Theo bác sĩ Dương Tấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Mắt Quảng Nam, việc tiến tới thành lập BV mắt trên cơ sở của trung tâm sẽ tạo thuận lợi giúp người bệnh nhận được sự chăm sóc tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. “Chỉ tính riêng năm 2015 đến nay, trung tâm đã có hơn 3.000 ca khám chữa bệnh về mắt, trong đó có 1.000 ca được phẫu thuật. Qua đó chứng tỏ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn. Nếu tiến tới thành lập BV thì điều đó rất thuận lợi cho người bệnh được điều trị với phương tiện, kỹ thuật tốt hơn” - bác sĩ Hùng nói.

Việc sáp nhập các TTYT thành một BV hứa hẹn phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ảnh: NG.DƯƠNG
Việc sáp nhập các TTYT thành một BV hứa hẹn phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ảnh: NG.DƯƠNG

Theo khảo sát của chúng tôi, đa số người bệnh đều mong muốn được điều trị tại một BV tập trung có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, tiết kiệm được thời gian chữa trị. Cụ Phan Văn Bảy, 78 tuổi, trú tại huyện Núi Thành cho biết, vì tuổi cao, sức yếu và do di chứng của mảnh đạn còn nằm ở trong đầu nên phải thường xuyên thăm khám, lấy thuốc tại các phòng khám trên địa bàn. “Nếu thành lập BV mắt, có chỗ cho tôi lưu trú dài ngày thì những lúc bị bệnh cần ở lại rất thuận tiện”- cụ Bảy nói. Chị Dương Thị Luận, trú tại Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước thì cho rằng, với những điều kiện được chăm sóc tại Khoa sản thuộc BV Đa khoa Quảng Nam hiện nay vốn đã tốt, nhưng nếu nâng lên quy mô của một BV chuyên môn và tập trung hơn thì sản phụ sẽ được chăm sóc tốt hơn nữa.

Đầu tư về con người

Tại cuộc họp bàn về những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chỉ đạo: việc thành lập mới, sáp nhập hay đổi tên đơn vị... phải căn cứ tình hình thực tế của địa phương và chức năng cụ thể của từng đơn vị cũng như yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Giao Sở Y tế phối hợp Sở Nội vụ xây dựng phương án tổ chức các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Thông tư 51 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua các TTYT trên địa bàn thực chất đã hoạt động với 2 chức năng là khám chữa bệnh và y tế dự phòng. Đối với những huyện, thành phố có BV trực thuộc tuyến tỉnh (hạng 2) thì những TTYT được phép lập phòng khám không lưu trú (hoặc lưu trú với số lượng ít để giảm tải cho các BV). Đây thực chất là bước đi phù hợp với thông tư liên tịch mà Bộ Y tế vừa ban hành. “Căn bản là ngay từ ban đầu đã nhận ra được xu thế chung nên tiến hành từ trước theo mô hình này, giờ chỉ cần ráp lại. Vấn đề ở đây chính là yếu tố con người để triển khai thực hiện. Cho dù chưa sáp nhập thì hiện nay nhu cầu về nhân lực chuyên ngành như khoa sản, nhi, mắt vẫn đang thiếu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành các chính sách thu hút để bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo cho việc khám chữa bệnh được đúng quy mô, nhất là các ngành chuyên sâu về mắt, sản nhi hay da liễu…” - ông Hai cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, phụ trách khoa sản BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, việc sáp nhập khoa sản - nhi thành một BV là một xu hướng chung, nếu tách ra từng nhóm nhỏ khó hỗ trợ nhau. Nếu khi sinh ra bé bị dị tật hay cần cấp cứu, hồi sức cho bé mà có lực lượng chuyên về bệnh nhi ở đó sẽ rất thuận lợi. “Theo tôi đánh giá, để hoàn thành mục tiêu trên phải đáp ứng về mặt chuyên môn, mà hiện nay lực lượng khám chữa bệnh còn mỏng. Nếu tiến tới thành lập BV sản - nhi cần phải đảm bảo được một đội ngũ chuyên gia hồi sức, cấp cứu cho sản phụ thật tốt. Vì khi sinh ra, người mẹ thường hay gặp biến chứng nhiều. Nếu khi sinh, người mẹ bị tim mạch mà ở BV sản - nhi không có  bác sĩ chuyên thì buộc phải chuyển mẹ về lại dưới BV này để điều trị sẽ rất khó khăn” - bác sĩ Trinh cho biết.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hai, việc sáp nhập, thành lập các BV chuyên sâu như sản - nhi, mắt hay da liễu là xu hướng tất yếu nhưng không phải vì thế mà vội vàng gấp gáp để rồi phát sinh những sai sót. “Đây là tiến trình lâu dài nên cần hết sức cẩn trọng, tùy từng trường hợp để xem xét nên hay không sáp nhập. Việc đầu tiên và quan trọng nhất bây giờ là phải đảm bảo được nguồn nhân lực đủ để đáp ứng yêu cầu của một BV, đảm bảo phục vụ người bệnh tốt hơn”- ông Hai nói.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG