Nên sinh thường hay sinh mổ?

CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT 18/05/2016 09:25

Hiện nay, nhiều phụ nữ mang thai băn khoăn không biết nên sinh thường hay sinh mổ để đem lại sức khỏe tốt nhất cho mẹ và trẻ. Đáng chú ý, xu hướng mổ lấy thai theo yêu cầu ngày càng gia tăng bởi nhiều người tin rằng phương pháp này an toàn hơn. Cũng có trường hợp sản phụ chưa đến ngày sinh nhưng do... mê tín, nhiều người chọn ngày, giờ tốt để cho trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nha - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Quảng Nam cho biết, mỗi phương pháp sinh đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Tùy trường hợp cụ thể mà thai phụ và người nhà cần cân nhắc để chọn sinh con theo phương pháp tự nhiên (sinh thường) hay sinh mổ để không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Trước tiên phải đảm bảo trẻ sinh ra đời có sức khỏe tốt, sau này thêm nhiều yếu tốt thuận lợi khác, trẻ mới phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. Trẻ sinh đủ ngày đủ tháng sẽ đảm bảo chức năng sinh lý, khả năng thích nghi dần với môi trường mới tốt hơn. Ngược lại, trẻ sinh sớm sẽ hạn chế về chức năng sinh lý, bất lợi cho cơ thể của trẻ... Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Phụ trách Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, mổ chủ động (sinh mổ) đem lại lợi ích cho bác sĩ nhiều hơn là bệnh nhân trừ một số trường hợp có chỉ định đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu về vấn đề này, nên luôn đề nghị sinh mổ khiến những người làm việc trong ngành sản khoa hết sức quan ngại. Có trường hợp, dù chưa chuyển dạ nhưng sản phụ vẫn đề nghị mổ. Trong khi đó, tử cung chưa có cơn go chuyển dạ, y bác sĩ phải nỗ lực để em bé bật ra khỏi thành bụng. Bác sĩ Kiều Trinh bộc bạch: “Những trường hợp này khi nghe tiếng khóc của trẻ là ê kíp trực mừng hú hồn. Nhưng rồi sau sinh, trẻ lại chậm hấp thu dịch phế nang, thường khò khè, đôi khi lại tím tái, ngưng thở. Vậy là phải chuyển trẻ qua khoa sơ sinh”. Ngoài ra, các tai biến trong lúc mổ có thể xảy ra như tổn thương bàng quang, tổn thương động mạch tử cung, tai biến sau khi mổ thường gặp là đờ tử cung thứ phát; khối máu tụ thường ở 2 bên dây chằng rộng... Bác sĩ Kiều Trinh khuyến cáo: “Rủi ro trong khi sinh là điều có thể xảy ra với bất cứ người nào, do vậy cẩn thận vẫn hơn”.

Sinh con an toàn luôn là mong ước của mọi gia đình và y bác sĩ sản khoa. ảnh: CHÂU NỮ
Sinh con an toàn luôn là mong ước của mọi gia đình và y bác sĩ sản khoa. Ảnh: CHÂU NỮ

“Những đứa trẻ được sinh bằng con đường tự nhiên sẽ được tiếp xúc các vi khuẩn có lợi từ mẹ, làm tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn; ít bị sang chấn và được gần mẹ nên bú sớm hơn, bú khỏe hơn” - bác sĩ Nha nói.  Vì vậy, tốt nhất để thai đủ tháng đủ ngày, trẻ hoàn thiện về thể chất, về sinh lý để đảm bảo thích nghi với môi trường bên ngoài, phản xạ tự nhiên ban đầu như phản xạ tay chân, phản xạ bú mạnh hơn, hoàn thiện để thực hiện tốt các hoạt động sinh lý của trẻ. Về phía mẹ, thời gian nằm tại bệnh viện sau mổ ngắn hơn, không bị đau nhiều sau sinh, phục hồi sức khỏe sớm hơn... “Cái gì tự nhiên thì sẽ tốt cho cả mẹ và con”  - cả bác sĩ Nha lẫn bác sĩ Kiều Trinh đúc kết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ khi có vấn đề khó khăn về đường đẻ dưới. Theo thống kê, có khoảng 15% sản phụ rơi vào trường hợp này.

CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT

CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT