Để bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân

HOÀNG THƠ 17/05/2016 08:00

  • BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đến rất gần. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức đã tập trung triển khai thực hiện các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử một cách chu đáo, chặt chẽ, đúng quy trình và quy định pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định cho sự thành công của cuộc bầu cử. Tuy vậy, để cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân, cũng cần nhìn nhận để khắc phục một số vấn đề lâu nay vẫn tồn tại.

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Quy định của pháp luật nhằm tôn trọng quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp hiến định. Không những thế, pháp luật còn quy định cụ thể, khi bắt đầu việc bỏ phiếu, Tổ Bầu cử mời những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước. Mời người có công với cách mạng và cử tri là người cao tuổi nhất bỏ phiếu trước, quy định này hàm chứa ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “kính lão đắc thọ” của dân tộc ta. Quyền của công dân được tôn trọng như vậy, nhưng thực tế qua các lần bầu cử trước đây, chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn trường hợp bầu thay. Có hộ nhiều cử tri, nhưng không phải ai cũng tự đi bầu cử mà nhờ một người đại diện của gia đình đi bầu thay cho cả nhà. Điều nữa, ngày bầu cử lần này rơi vào thời điểm nông dân xuống đồng sạ lúa hè thu, vì vậy nếu tuyên truyền không tốt rất dễ xảy ra tình trạng bầu thay. Nhờ người khác bầu thay nghĩa là cử tri đã tự đánh mất quyền cơ bản của mình. Mặt khác, pháp luật cũng quy định, bầu cử không chỉ là quyền mà cũng là nghĩa vụ của công dân. Vậy, cử tri muốn sử dụng quyền của mình thì phải gắn liền với nghĩa vụ công dân. Chính vì thế, mỗi cử tri phải biết tôn trọng quyền và nghĩa vụ của chính mình. Các tổ chức phụ trách bầu cử nên tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện tốt nhất cho công dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử.

Ngày bầu cử là ngày hội lớn của toàn dân, và cử tri đi bầu cử là người trực tiếp tham dự, làm nên ngày hội lớn của mình. Những người đi dự ngày hội lớn bao giờ cũng ăn mặc gọn gàng, lịch sự và tâm trạng hồ hởi, phấn khởi. Nhưng thực tế cũng đã từng xảy ra, có cử tri nhận thức một cách không đúng đắn, khi đến phòng bỏ phiếu ăn mặc không gọn gàng, thậm chí người viết bài này đã chứng kiến có cử tri đến phòng bỏ phiếu mà mặc quần đùi, áo may ô. Do đó, mỗi cử tri khi đi bầu cử, giữ gìn tác phong cũng chính là giữ gìn sự tôn nghiêm, tôn trọng chính bản thân. Mặt khác, các tổ chức phụ trách bầu cử phải tăng cường tuyên truyền gây nhận thức đúng đắn cho người dân và thực hiện nghiêm quy định tại phòng bỏ phiếu.

Ngày bầu cử sắp tới diễn ra vào Chủ nhật. Đây là thời gian của mùa hè nắng nóng, thường xảy ra dông sét, tố lốc. Còn nhớ ở cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 diễn ra ngày 20.5.2011, tại các khu vực bầu cử thôn Xuyên Đông 1, Xuyên Đông 2, Xuyên Tây 2 ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, vào khoảng 15 giờ bỗng xảy ra trận lốc xoáy dữ dội cuốn bay mái tôn nhà văn hóa. Rất may tại thời điểm đó Tổ Bầu cử đã đóng thùng, niêm phong phiếu bầu và các biểu mẫu nên không bị lốc xoáy gây thiệt hại. Vậy nên, trong công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới, các tổ chức phụ trách bầu cử phải dự lường đến yếu tố thời tiết để có phương án bảo vệ và dự phòng, tránh để xảy ra hư hỏng pa nô, khẩu hiệu, cổng chào, phiếu bầu, danh sách ứng cử viên, danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu… làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

HOÀNG THƠ

HOÀNG THƠ