Khói bụi lơ lửng

TRẦN NGUYỄN 17/05/2016 07:54

Khói bụi từ các nhà máy công nghiệp, làng nghề thủ công truyền thống vẫn tiếp tục bay vào các khu dân cư, hệ lụy là bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường không khí có chiều hướng tăng.

Sự hoạt động của hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất ở 6 khu công nghiệp và 51 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gây ra lượng khí thải lớn. Hai nguồn gây ô nhiễm chính từ hoạt động sản xuất công nghiệp là khí đốt nhiên liệu và  sự rò rỉ chất ô nhiễm từ quá trình sản xuất. Nhà máy sản xuất xi măng Thành Mỹ (Nam Giang), Nhà máy sản xuất kính nổi (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) và các nhà máy sản xuất gạch tuynel phát thải một lượng khí lớn trong đó chủ yếu là khí CO2. Đối với nhóm ngành chế biến thức ăn gia súc, thủy sản đông lạnh thì các chất ô nhiễm như H2S, NH3, CH4, CH2SH, mùi hôi tanh từ nguyên liệu. Làng nghề gốm Thanh Hà (TP.Hội An) và đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn) đang bị ô nhiễm khói bụi. Tại huyện Thăng Bình, có hơn 100 hộ tham gia sản xuất hương thủ công và đầu tư 6 máy xay nguyên liệu tập trung... cũng không thể kiểm soát được lượng bụi bay ra môi trường khu dân cư.

Chất thải ra môi trường không khí vượt giới hạn cho phép.  TRONG ẢNH: Công nhân lao động tại dây chuyền sản xuất ở mỏ than Nông Sơn.Ảnh: TRẦN NGUYỄN
Chất thải ra môi trường không khí vượt giới hạn cho phép. TRONG ẢNH: Công nhân lao động tại dây chuyền sản xuất ở mỏ than Nông Sơn.Ảnh: TRẦN NGUYỄN

Thời gian qua, khí thải từ các lò đốt nhiên liệu, lò hơi của các nhà máy công nghiệp qua các ống khói rồi thải ra môi trường ngày càng nhiều. Các Khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, hay Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thường xuyên ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Ô nhiễm môi trường không khí không gây hậu quả trước mắt mà âm thầm hủy diệt, ảnh hưởng sức khỏe con người. Vừa qua, tại các điểm quan trắc ở TP.Tam Kỳ và TP.Hội An, các Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn… vào các thời điểm khác nhau đều có hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Tại các đô thị, cống thoát nước thải cũng là nguyên nhân gây mùi cho môi trường không khí. Thông số gây mùi NH3 được quan trắc tại 4 điểm nút giao thông trong đô thị Tam Kỳ, Núi Thành, thị xã Điện Bàn... đã có dấu hiệu ô nhiễm, nồng độ tăng dần qua các năm và vượt quy chuẩn không nhiều. Ở nút giao thông trọng điểm ở ngã ba trà Mai Hạc (TP.Tam Kỳ), ngã ba Vĩnh Điện ngã tư Hà Lam... được xác định là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất đối với không khí. Trong đó đáng kể đến là bụi cuốn lên từ mặt đường, tiếng ồn và sự phát thải các khí CO, VOC, NO2... Với sự phát triển chóng mặt các phương tiện giao thông đường bộ khiến lượng thải các khí này tăng lên. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án đường giao thông trọng điểm như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Việc phát tán bụi từ các phương tiện chuyên chở vật liệu và phế phẩm xây dựng là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí đáng kể. Đặc biệt, việc quản lý sửa chữa hệ thống đường sá, hệ thống cấp thoát nước, hiện tượng đào và lấp đường thường xuyên gây mất vệ sinh, ô nhiễm bụi nghiêm trọng tại khu vực đô thị. Theo ngành chức năng, việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí gặp khó khăn do phương tiện, thiết bị kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế; thiếu các thiết bị máy móc đánh giá các chỉ số về mùi, khói bụi.

Kết quả quan trắc môi trường không khí năm 2015 cho thấy, khí ô nhiễm  NH3 tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc vào thời điểm tháng 5 và 11 vượt giới hạn cho phép. Bụi lơ lửng trên không trung ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai tháng 8 vượt 1,4 lần; Cụm công nghiệp Mỹ An, Đại Quang (Đại Lộc) tháng 5 vượt 1,5 lần.

Ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và tăng áp lực lên ngành y tế địa phương. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, giai đoạn 2011 - 2014, cả tỉnh có khoảng 14,8 nghìn ca mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí như viêm phổi, hen, lao cá thể, viêm phế quản; và khoảng 99 nghìn ca mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như sốt xuất huyết, tả, thương hàn, lỵ, tiêu chảy... Tổng chi phí khám và điều trị sốt xuất huyết giai đoạn này lên tới 3,35 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm tốn khoảng 838 triệu đồng. Ngoài ra thiệt hại kinh tế do nghỉ việc vì ốm đau đối với người lớn và chi phí nghỉ việc để chăm sóc trẻ em cũng như người lớn mắc bệnh cũng khá lớn.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN