Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

BẢO NGUYÊN 16/05/2016 11:38

Trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về “chính phủ điện tử”, UBND tỉnh đặt mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm hơn 90% số thông tin trao đổi, gửi và nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh dưới dạng điện tử và 100% số thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử tỉnh. Phấn đấu đến năm 2017, có 100% số sở, ban ngành, địa phương cấp huyện ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành nhằm gửi văn bản giữa các cơ quan; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh và xây dựng mạng WAN kết nối liên thông tới 100% số sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đến năm 2020 cung cấp khoảng 300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến tổ chức, công dân; 100% số cơ quan, cá nhân, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể cấp tỉnh, huyện được cấp chữ ký số và ứng dụng chữ ký số vào các phần mềm; 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và xã sử dụng phần mềm “một cửa điện tử”.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với phát triển chính phủ điện tử; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT, viễn thông kết nối liên thông các hệ thống thông tin; triển khai ứng dụng CNTT thiết thực, có hiệu quả cao; phát triển nguồn nhân lực CNTT; triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ trước quý II.2016; Sở Thông tin - truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh và triển khai các giải pháp  thực hiện; lập kế hoạch hành động cụ thể về xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Sở Nội vụ triển khai công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, xây dựng chính quyền và cải cách hành chính đồng bộ với quá trình xây dựng và triển khai kiến thức chính quyền điện tử của tỉnh; Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố định kỳ rà soát thủ tục hành chính của tỉnh. Các Sở Kế hoạch - đầu tư, Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí thực hiện mô hình “chính phủ điện tử” và kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch.

BẢO NGUYÊN

BẢO NGUYÊN