Câu chuyện buồn ngọt ngào

PHƯƠNG NAM 15/05/2016 16:14

(QNO) - Họ tìm gặp nhau cách nửa vòng trái đất, nhưng kết quả giám định ADN cho biết họ không phải là mẹ con ruột. Tuy nhiên, câu chuyện buồn đã trở nên ngọt ngào khi cả hai dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp...

Dù kết quả giám định ADN không như mong muốn nhưng họ đã dành cho nhau tình cảm tốt đẹp (ảnh: Lê Cao Tâm).
Dù kết quả giám định ADN không như mong muốn nhưng họ đã dành cho nhau tình cảm tốt đẹp: Ảnh: LÊ CAO TÂM

Bao năm nay, cụ Phạm Thị Mười (SN 1931, thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) vẫn luôn tìm kiếm người con gái thứ ba tên Lê Thị Có (SN 1955). Năm 1961, do chiến tranh, cụ Mười gửi Có cho cô nhi viện thuộc nhà thờ Trà Kiệu (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) nuôi dưỡng và tập vật lý trị liệu, bởi trước đó Có bị bệnh dẫn đến liệt đôi chân.

Khoảng 2 năm sau đó, do chiến sự ác liệt nên cụ Mười phải đi di tản. Năm 1975, đất nước thống nhất, cụ Mười quay về quê nhà và đến cô nhi viện để đón Có thì toàn bộ số trẻ trong nhà thờ đã được đưa đi đâu không ai rõ. Kể từ đó, cụ Mười đêm ngày nhớ mong con gái và dò la tin tức để tìm con. Cứ nghe ở đâu có trẻ mồ côi xuất thân từ nhà thờ là cụ Mười lại tìm đến. Cụ đã nhiều lần quay lại Trà Kiệu, đi các huyện của tỉnh hoặc ra tận Huế để tìm cô con gái nhỏ nhưng đều vô vọng.

Cụ Mười luôn mong mỏi gặp lại con gái ruột của mình (ảnh Phương Nam).
Cụ Mười luôn mong mỏi gặp lại con gái ruột của mình. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Trong khi đó, tại một vùng thảo nguyên thuộc Canada, có một gia đình có 8 người con nuôi. Trong số đó một người con gái gốc Việt Nam tên là Phạm Thị Tuyết. Hơn 40 năm qua, mặc dù được gia đình mẹ nuôi đối xử rất tốt, chị Tuyết vẫn đau đáu muốn tìm lại mẹ đẻ của mình ở Việt Nam. Theo lời chị Tuyết, ngày 4.4.1975, trong chiến dịch không vận trẻ em do chính quyền Mỹ thực hiện trước khi rút quân đội khỏi miền Nam Việt Nam, một máy bay quân sự đã đưa chị từ Việt Nam sang Canada. Chị được một gia đình người Canada nhận làm con nuôi từ đó. 

Lúc sang Canada, chị Tuyết khoảng 7 - 8 tuổi và đôi chân bị bại liệt, không đi lại được. Không chấp nhận số phận bò lết ở nhà, Tuyết quyết tâm tập đi rồi xin mẹ nuôi đến trường. Mặc dù trường ở xa, Tuyết vẫn tự lực trên đôi chân khuyết tật của chính mình. Thấy Tuyết quyết tâm sống tự lập, cha mẹ nuôi đưa Tuyết đến bệnh viện. Sau 2 lần phẫu thuật và gắn dụng cụ hỗ trợ, Tuyết đã có thể đi lại vững chãi hơn.

Chị Tuyết tâm sự, những năm sống ở xứ người, chị luôn phải đối mặt với những ánh mắt kỳ thị. Bởi chị là con nuôi, không phải dân bản xứ, lại bị tật nguyền. Thậm chí có thầy giáo còn đem Tuyết ra làm trò đùa cho lớp học. Quyết không để mọi người coi thường, Tuyết luôn nỗ lực vươn lên, tự mình làm tất cả mọi việc. Nhờ chăm chỉ học hành, Tuyết đã tốt nghiệp trường cao đẳng chuyên dạy cho trẻ khuyết tật rồi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành luật. Hiện Tuyết đang làm việc cho một văn phòng luật sư tại Canada. Không những vậy, Tuyết còn là vận động viên và huấn luyện viên hàng đầu môn bơi lội dành cho người khuyết tật tại Canada.

Chị Tuyết chia sẻ: “Khi tôi lớn, mẹ nuôi cho tôi biết tôi là người Việt Nam. Mẹ vẫn thường mua áo dài truyền thống Việt Nam cho tôi mặc. Tôi cảm ơn bố mẹ nuôi đã khích lệ tôi tự vươn lên, để tôi không phải sống phụ thuộc vào người khác”.

Chị Tuyết trong một chuyến về Quảng Nam thăm cụ Mười. Ảnh nhân vật cung cấp
Bức hình chị Tuyết chụp tại Đà Nẵng trong một chuyến về Quảng Nam thăm cụ Mười. Ảnh nhân vật cung cấp

Cuối năm 2015, thông qua mạng xã hội, Tuyết biết gia đình cụ Phạm Thị Mười cũng đang tìm con gái thất lạc trong chiến tranh. Chi tiết người con thất lạc có đôi chân bị liệt khiến cả cụ Mười và chị Tuyết hy vọng họ là máu mủ của nhau. Đầu tháng 4.2016, chị Tuyết từ Canada về Việt Nam và đến thôn Nhị Dinh 3 thăm cụ Mười. Sau đó, họ lấy mẫu ADN gửi giám định.

Trong thư gửi cho chúng tôi, chị Tuyết tâm sự: “Chuyến trở về Việt Nam tìm mẹ ruột là một kỷ niệm buồn nhưng lại rất đỗi ngọt ngào mà tôi không thể nào quên. Ngay từ khi gặp mặt cho đến khi tôi quay trở lại Canada, cụ Mười đã dành cho tôi tình yêu thương của một người mẹ dành cho con gái. Nếu không tồn tại công nghệ giám định ADN, có lẽ chúng tôi đã nhận nhau là mẹ con rồi”.

Chị Tuyết còn kể, không chỉ riêng cụ Mười mà cả đại gia đình ấy, ai cũng dành tình cảm đặc biệt với chị và sẵn sàng đón nhận chị như một người thân trong gia đình. Người mẹ già hiền hậu ấy còn bảo chị hãy về sống chung, bà sẽ dành tặng tài sản và yêu thương chị suốt cuộc đời còn lại.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM