Những vòng quay không tuổi
Mỗi ngày bắt đầu với thành viên Câu lạc bộ (CLB) xe đạp Tam Kỳ là hành trình sau tay lái theo những cung đường lên rừng, xuống biển, hay rong ruổi qua các miền quê cùng với bình minh.
Bốn giờ sáng, khi đường phố Tam Kỳ vẫn còn lặng yên dưới ánh đèn đường, thì ở một góc Quảng trường 24.3, những chiếc xe đạp của các thành viên CLB đã xếp thành hàng dài chờ xuất phát. Câu chuyện đầu ngày sẽ là thảo luận để chọn cung đường cho từng nhóm, rồi tranh thủ lúc còn rỗi rãi bàn tán về xe đạp, các cuộc giao lưu, đề xướng một địa chỉ từ thiện… Mười phút cho các thành viên thống nhất chọn cung đường, đoàn xe bắt đầu xuất phát với những vệt đèn bé xíu nhấp nháy như đàn đom đóm khi trời chưa sáng rõ. Tùy độ “sung sức” của từng thành viên mà cuộc đi bắt đầu chia tốp, hoặc chia cung đường, dài ngắn, đèo dốc hay bằng phẳng, rồi lại gặp nhau góc quán cà phê quen thuộc trên đường Đỗ Thế Chấp mỗi buổi sáng đầu ngày. Ông Phạm Đình Phú - Chủ nhiệm CLB xe đạp TP.Tam Kỳ - cũng là một trong những thành viên đầu tiên của hội chia sẻ với chúng tôi, rằng ít nhất mỗi ngày cũng phải “dợt” sơ sơ hơn ba mươi cây số. Những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, hành trình cả đi và về có lúc xấp xỉ hai trăm cây, tính chính xác theo đồng hồ điện tử chuyên dụng gắn trên mỗi chiếc xe đạp. “Đạp xuống biển, tắm xong quay về thực ra vẫn còn thừa năng lượng. Nhưng để đảm bảo giờ làm việc, sinh hoạt nên đây là cung đường hay được chọn, còn lại anh em vẫn thích đi xa với các chặng đường ngược lên Tiên Phước hoặc đi theo đường ven biển về Hội An…” - ông Phú nói.
Hiện nay, CLB có gần 50 thành viên với mọi lứa tuổi - nhỏ nhất chỉ mới mười sáu, lớn nhất xấp xỉ bảy mươi - gặp gỡ và sẻ chia mỗi ngày cùng với những vòng quay của chiếc xe đạp. Và dĩ nhiên, cuộc chơi này cũng lắm công phu bởi sở hữu xe đạp không khó, nhưng sở hữu một chiếc xe bền bỉ cũng đòi hỏi lắm kỳ công. Anh Trần Bảy - Phó Chủ nhiệm CLB xe đạp Tam Kỳ - chia sẻ, một chiếc xe đạp đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu đi đường trường, đường đèo dốc của những người chuyên đạp xe có giá thành khá cao, thường từ khoảng hơn chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Một chiếc pê-đan chuyên dụng cũng đã có giá trên một triệu đồng hay như một đôi “giày can” (hay còn gọi là giày cá, giày road) có giá từ 1,8 đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải sắm thêm một số đồ dùng bảo hộ, lên đời thiết bị cho chiếc xe đạp của mình để đảm bảo an toàn và độ bền cho những hành trình. Xe đạp cũng phải chọn được kích cỡ phù hợp với thể trạng cơ thể, có những kết cấu, linh kiện đáp ứng yêu cầu sử dụng như đạp xe đường trường, đạp xe leo núi…
Chọn được một chiếc xe đạp, đủ sức khỏe và kinh nghiệm để cùng chinh phục những cung đường cũng là một thử thách không nhỏ cho người chơi. Khi đã bắt đầu thuần thục, người chơi xe đạp phải bắt đầu tập một kỹ thuật khá khó là đạp xe bằng giày can. Giày can (giày cá) được thiết kế đặc biệt để có thể gắn chặt vào pê - đan chuyên dụng của xe, khiến việc đạp xe dễ dàng và đỡ tốn sức hơn khi đi đường trường hoặc leo núi. Tuy nhiên, do được gắn chặt vào pê - đan nên khi có sự cố bất ngờ buộc phải dừng xe thì việc thao tác để gỡ giày can ra khỏi pê-đan là khá khó cho người chưa quen. “Hầu như ai chơi xe đạp cũng phải nếm trải tai nạn do dính can khi gặp sự cố bất ngờ. Có anh em ngã trầy xước tay chân, nhưng không hề gì vì đó cũng là một trải nghiệm thú vị cho mỗi người chơi xe đạp” - anh Nguyễn Minh Hưng, một thành viên trong CLB xe đạp Tam Kỳ chia sẻ.
THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ