Phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh
Rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An) có đầy đủ đặc trưng của kiểu rừng ngập mặn, là vùng đệm quan trọng của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm nhưng đang đối mặt với sự biến động lớn. Việc trồng, phục hồi rừng dừa nước trở nên cấp bách.
Rừng dừa nước được trồng mới dưới chân cầu Cửa Đại. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Biến động
Rừng dừa nước xã Cẩm Thanh là nơi hội thủy của 3 con sông lớn: Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng. Những năm 1980, vùng rừng dừa nước trải rộng tới hàng trăm héc ta, nhiều nhất là thôn 1 và 2 của xã Cẩm Thanh, song trải qua một thời kỳ dài, rừng dừa liên tục biến động, diện tích bị thu hẹp dần. Có thời điểm chỉ còn hơn 50ha (năm 2000), một diện tích lớn rừng dừa bị chặt phá theo hoạt động cư trú, sản xuất của con người. Năm 2009, xã Cẩm Thanh quy hoạch trồng mới vùng rừng dừa nước phục vụ phát triển du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ, song diện tích trồng mới cũng chỉ 10ha. Gần đây, trước yêu cầu của một số dự án dân sinh, như dự án cầu Cửa Đại, dự án khu xử lý nước thải tập trung tại xã Cẩm Thanh…, cùng với đó là việc người dân lấn nền nhà ra vùng dừa, tình trạng khai thác triệt để phục vụ sản xuất thủ công mỹ nghệ… khiến rừng dừa bị suy giảm nghiêm trọng số lượng lẫn chất lượng. Ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thanh cho biết, ngày trước, nếu không ươm trồng thì bản thân cây dừa nước khi cho trái già, tự rụng xuống nước cũng có thể mọc cây con, rừng dừa nước tự bổ sung cá thể tự nhiên. Nay, người dân không chú trọng trồng và bảo vệ, lại khai thác trái cạn kiệt khiến rừng dừa ít tái sinh cây con, nguồn giống bản địa khan hiếm. “Theo lệ, chỉ khai thác 2 đợt/năm/cây, nhưng có người khai thác đến 3 đợt, không giữ lại cây mẹ nuôi cây con, hoặc nếu khai thác lá thì phải giữ lại trên 7 - 8 lá/cây, nhưng có nơi chỉ để lại lá non khiến cây suy kiệt, thấp lùn, lá ngắn” - ông Hưng nói.
Ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho hay, vùng rừng dừa nước đóng vai trò là vùng đệm của khu sinh quyển Cù Lao Chàm, như một “máy lọc sinh học”. Đây cũng là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài động vật dưới nước lẫn trên cạn, các loài thủy sinh vùng ven biển, cửa sông; là nơi chắn gió, chắn bão của ngư dân và tàu thuyền theo các mương lạch vào. Chính tình trạng suy kiệt của vùng rừng dừa đã tác động xấu tới Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Do đó, phát triển vùng rừng dừa nước có ý nghĩa thiết thực cho hiện tại và mai sau. “Với vai trò và yêu cầu của một vùng đệm thì diện tích rừng dừa nước còn lại là quá ít so với tầm của khu sinh quyển. Cần phải duy trì diện tích rừng ở mức tối thiểu để thực hiện chức năng vùng đệm” - ông Thảo nói.
Phục hồi rừng dừa
Dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” (giai đoạn 2015 - 2017, Sở NN&PTNT làm chủ đầu, kinh phí 28 tỷ đồng) đang trong giai đoạn thực hiện. Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng hệ thống rừng ngập mặn ven biển TP.Hội An bền vững, hình thành vành đai rừng phòng hộ bảo vệ cho hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Dự án gồm 2 hợp phần, hợp phần thứ nhất là trồng và phục hồi rừng dừa với 26ha, 85ha khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh; xây dựng 3 bảng quy ước bảo vệ rừng, 10 biển báo quản lý bảo vệ rừng; tổ chức 2 lớp kỹ thuật trồng dừa nước và công tác khuyến lâm cho người dân. Hợp phần thứ 2 là khai thông dòng sông Đình, trả lại sự lưu thông dòng chảy, bảo đảm các điều kiện về thủy lực đáp ứng nhu cầu giao thông, nâng cấp đê bao hai bên bờ sông, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các dịch vụ du lịch sinh thái ven sông, phát triển kinh tế của TP.Hội An. Được biết, hợp phần trồng và phục hồi dừa nước do Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam phụ trách, đang trong quá trình hoàn thiện.
Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, dự án cố gắng hoàn thành trồng mới 26ha và phục hồi, dặm vá 84ha xong trong tháng 6.2016 này. Trong quá trình triển khai, khó khăn là nguồn giống khan hiếm; thời gian trồng kéo dài do nước triều biến động, phải đợi nước xuống mới trồng được. Khâu bảo vệ, chăm sóc còn chưa tốt do ý thức người dân địa phương còn hạn chế, trong quá trình đánh bắt thủy hải sản đã xâm hại tới vùng trồng dừa non. Tình trạng sóng biển, ca nô chạy cũng ảnh hưởng tới cây con mới trồng. “Song, nhìn chung không đáng lo lắm, vùng trồng mới có rào chắn, chỉ một thời gian nữa cây con bám rễ được sẽ phát triển tốt” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, hiện dự án tiếp tục thực hiện hợp phần thứ 2 là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng như: nạo vét 2.612m sông Đình, tận dụng đất nạo vét để đắp bù, nâng cấp đê hai bên bờ sông, xây 45 cống lấy nước vào nuôi tôm, 5 cống tiêu nước qua đê, 3 bến thuyền du lịch, 3 cầu thô sơ qua kênh tiêu. “Tháng 6.2016 sẽ khởi công hạng mục thứ 2 này. Hiện khâu bàn giao mặt bằng đã xong rồi, chỉ chờ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho 10 hộ, bồi thường cây cối cho khoảng 20 - 30 hộ, hỗ trợ sản xuất, con vật nuôi cho 10 hộ” - ông Thanh nói.
HOÀNG LIÊN