Nhiều nơi kiệt nước

CHÍ ANH - THÁI BÌNH 11/05/2016 09:57

Nắng hạn trong những ngày qua khiến nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt và ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân.

Thầy giáo của trường học liên xã La Êê - Chơ Chun khiêng nước sạch về dùng. Ảnh: T.B
Thầy giáo của trường học liên xã La Êê - Chơ Chun khiêng nước sạch về dùng. Ảnh: T.B

Thiếu nước sinh hoạt

Hơn một tháng nay, cán bộ văn phòng HĐND & UBND và phòng tiếp dân của xã Tam Lộc (Phú Ninh) phải chia nhau đi làm sớm hơn quy định khoảng 15 phút. Không phải do công việc nhiều bất thường mà là do giếng nước khoan trong khuôn viên UBND xã đã khô nước. Để có nước uống phục vụ cán bộ UBND xã và nhân dân đến liên hệ công tác, các cán bộ văn phòng phải đi sớm, sang xếp hàng ở giếng nước của trạm y tế xã xin nước về dùng. Ông Lê Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết, do địa hình xã Tam Lộc khá cao, cận kề chân núi, trong khi hệ thống kênh mương thủy lợi mới cấp nước được cho khoảng 65% diện tích đất toàn xã nên tình trạng khô hạn, cạn kiệt cả nguồn nước mặt lẫn nước ngầm xảy ra thường xuyên. Trước đây, hiện tượng khô kiệt thường bắt đầu từ tháng 7, riêng năm nay hiện tượng này xảy ra sớm hơn và cũng có dấu hiệu khốc liệt hơn.

Hiện tại, trong số 10 thôn của xã Tam Lộc thì đã có 4 thôn là Đại Đồng, Eo Gió, Cẩm Long và Tây Lộc bị khô kiệt nước sinh hoạt cũng như nước cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ bỏ hoang đất sản xuất trong một thời gian dài, đời sống, sinh hoạt của khoảng 1.000 hộ dân ở 4 thôn này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, hàng chục giếng nước của người dân đã khô cạn hoàn toàn, rất nhiều gia đình phải đi xin nước cách đó 400 - 500m hoặc xa hơn, tùy khu vực. Ông Nguyễn Lẹ - Bí thư Chi bộ thôn Tây Lộc cho biết, đến nay đã có gần một nửa trong số 197 hộ dân của thôn đang thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt là ở tổ 2, nằm sát chân núi Hóc Ly, hầu hết giếng đào đã trơ đáy, chỉ còn lại một số giếng khoan nhưng lượng nước chỉ đủ để bơm hút trong chừng 20 - 30 phút. Bốn công trình nước sạch do xã xây dựng ở các thôn này có độ sâu giếng khoan trên 70m nên hiện chưa bị cạn, song khả năng phục vụ của mỗi công trình cũng chỉ cho khoảng 25 - 30 hộ. Thành ra, số hộ dân đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vẫn lớn. Ngoài việc phải đi xa để lấy và sử dụng tiết kiệm nước, một số hộ dân ở các thôn bị hạn nặng này đã chung tiền lại để khoan giếng. Ông Trương Thanh Thọ (thôn Cẩm Long) cho biết, do phải khoan sâu trên 40m mới có nước nên mỗi giếng khoan ở đây có giá trên dưới 30 triệu đồng. Khoan giếng xong còn phải lắp máy bơm, cấp điện, xây bể chứa, làm đường ống đưa nước về nhà... nên lại phải bỏ ra thêm 5 - 7 triệu đồng nữa. Ông Thọ phân trần: “Nhiều người chung lại để làm giếng thì bỏ tiền ra ít nhưng nước không đủ dùng, ít người chung thì nước dùng thoải mái hơn một chút nhưng tiền góp không phải ai cũng đủ sức...”.

Nắng hạn kéo dài, hơn 3 tháng qua không có mưa cũng làm cho một số trường học bán trú trên địa bàn miền núi thiếu nước sinh hoạt. Học sinh các xã vùng cao đi học ngoài việc mang cặp thì phải đem theo cả can nhựa để cõng nước về nấu ăn, tắm giặt… Tại thôn Côn Zốt (xã biên giới Chơ Chun, huyện Nam Giang), ngoài giờ học, các thầy giáo tại điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Êê - Chơ Chun tranh thủ đi khiêng nước về trường nấu ăn. Cả thầy lẫn trò đều sắm riêng cho mình những can nhựa để lấy nước ở đầu bản về sinh hoạt cá nhân. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Tơ Ngôl Ưng - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Êê - Chơ Chun cho hay: “Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, huyện về lương thực nên cuộc sống của học sinh ở đây đỡ vất vả hơn trước. Tuy nhiên, về nước sinh hoạt thì đang rất thiếu thốn, các em cũng như thầy cô giáo đều dùng chung một máng nước với bà con trong thôn bản”.

Ruộng đồng khô hạn

Nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang. Hàng trăm héc ta lúa, hoa màu của đồng bào đối diện với nguy cơ mất mùa. Hiện tại, ngành nông nghiệp huyện Nam Giang đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại các xã nhằm có phương án chống hạn cũng như xây dựng kế hoạch cho các thôn, bản nạo vét kênh mương, vận động người dân sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang nói: “Phòng đã tiến hành rà soát những diện tích thiệt hại để báo cáo với huyện có kế hoạch hỗ trợ cho người dân. Đi đôi với công tác này, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các xã cung cấp đường ống cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa dẫn nước sinh hoạt và tưới tiêu ở những diện tích sản xuất hiện có của nhân dân”.

Trong khi đó, trên các cánh đồng dưa ở 4 thôn bị hạn nặng nhất ở Tam Lộc (Phú Ninh), bà con nông dân đang tranh thủ thu hoạch; một số ruộng dưa chưa chín hẳn cũng được thu hái để tránh bị hóp nước. Ông Nguyễn Văn Tấn (thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc) cho biết, các vụ dưa đông xuân trước đây khi hái xong đợt trái chính, gia đình ông còn tiếp tục thu hái được thêm một lứa dưa đèo nữa. Riêng năm nay hạn hán đến sớm quá nên thu hoạch lứa chính xong thì dưa cũng khô héo luôn. “Nếu trời có mưa, hạn muộn thì có thể tỉa đậu, tỉa bắp, trồng rau. Đằng này, vì khô hạn sớm và nặng quá nên thu hoạch dưa hấu xong thì bọn tôi bỏ đất hoang cho đến tháng 9, tháng 10 mới bắt đầu làm lại” - ông Tấn nói thêm. Theo ông Phạm Trưởng (tổ 4, thôn Cẩm Long, xã Tam Lộc), giá như Nhà nước hỗ trợ đầu tư đóng giếng khoan ngoài đồng thì đất đai ở đây không đến nỗi phải bỏ hoang suốt mấy tháng liền. “Đất bỏ không đó mà chẳng trồng gì được, đến cái rau cũng không có mà ăn, tiếc đứt ruột chú ơi...” - ông Trưởng nói.

CHÍ ANH - THÁI BÌNH

CHÍ ANH - THÁI BÌNH