5 cách dùng điều hòa nhiệt độ tiết kiệm điện nhất
(QNO) - Chỉ cần thay đổi những thói quen sử dụng khi điều khiển điều hòa nhiệt độ, người dùng đã có thể tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng khi sử dụng điều hòa nhiệt độ trong mùa cao điểm nắng nóng.
Tăng/giảm nhiệt độ hợp lý
Không nên để nhiệt độ quá thấp. Ảnh: Internet |
Nhiều người có thói quen đặt nhiệt độ trong phòng thấp. Thói quen này vừa không tốt cho sức khỏe lại vừa lãng phí điện năng. Khi bạn đặt nhiệt độ quá thấp điều hòa sẽ phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ ở mức đã định. Ngoài ra cơ thể bạn cũng sẽ khó thay đổi kịp khi bạn ra vào phòng điều hòa đặt nhiệt độ quá thấp, dễ dẫn đến tình trạng “sốc nhiệt”.
Lời khuyên là chỉ nên sử dụng điều hòa tại mức nhiệt trung bình từ 25-27 độ. Đây là mức nhiệt phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Ngoài ra, tại mức nhiệt này cường độ làm việc của máy sẽ giảm nên sẽ tiết kiệm điện hơn.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý, sau bước khởi động máy, bạn không nên chọn nhiệt độ quá thấp cho điều hòa. Nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy càng phải đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn.
Đừng sử dụng nút Bật/Tắt liên tục
Không nên tắt máy điều hòa liên tục. Ảnh minh họa: Internet |
Nếu có thói quen ra khỏi phòng là lập tức tắt máy điều hòa để tiết kiệm điện hay bật máy thường để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát thì tắt điều hòa và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì lại bật máy một lúc thì bạn nên dừng lại.
Thực tế, đây là một sai lầm làm tốn điện thêm và còn nhanh hỏng máy. Khi bật máy trở lại, máy điều hòa phải tiêu tốn rất nhiều điện năng nhằm khởi động máy nén, động cơ quạt và để làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu. Vì khi đó nhiệt độ trong phòng đã nóng lên vài độ, đến mức cơ thể cảm nhận được.
Thao tác Bật/Tắt liên tục cũng khiến điều hòa giảm độ bền. Theo lời khuyên, hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.
Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt máy, hãy ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy) vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ một lượng điện năng. Ngoài ra, việc ngắt điện vào máy còn để phòng tránh các trường hợp chập điện, gây hư hỏng cho máy.
Hãy hẹn giờ tắt máy
Nút hẹn giờ trên điều khiển từ xa rất hữu dụng. Hãy sử dụng chế độ hẹn giờ của máy điều hòa để lựa chọn thời gian tắt, nhất là vào lúc khuya khi bạn đã ngủ. Như vậy, nó sẽ đảm bảo bạn vừa có giấc ngủ thật ngon, không bị lạnh về đêm, lại vừa tiết kiệm điện.
Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng chế độ ngủ đêm được bổ sung ở một số mẫu điều hòa mới hiện nay. Chế độ này hỗ trợ tăng dần nhiệt độ (thường mỗi giờ máy sẽ tăng 0.5 độ và tối đa là 2 độ C) để tránh cho người dùng tỉnh giấc về đêm do cảm thấy lạnh. Khi máy tăng nhiệt độ cũng đồng nghĩa với công suất hoạt động giảm và tiết kiệm điện hơn.
Thường xuyên sử dụng nút thay đổi hướng gió
Thường xuyên thay đổi hướng gió. Ảnh minh họa: Internet |
Các máy điều hòa nhiệt độ sẽ có những cách để điều chỉnh hướng gió sang trái hoặc phải, hướng lên trên hoặc xuống. Do ảnh hưởng độ quay của quạt và vị trí của các ống dẫn hơi lạnh bên trong, nên đa số máy điều hòa nhiệt độ đều có xu hướng thổi hơi lạnh nhiều hơn về một phía. Do vậy, bạn nên điều chỉnh hướng thổi lạnh vào khu vực cần thiết của phòng (giường tủ, bàn làm việc...) khiến phòng mát đều và nhanh hơn.
Đồng thời, thỉnh thoảng hãy sử dụng nút điều chỉnh hướng gió thổi sang trái hoặc phải, hướng lên trên hoặc xuống để có thể chỉnh nhiệt độ cả phòng ở mức tối ưu nhất.
Sử dụng nút tắt đúng lúc
Hãy sử dụng nút tắt điều hòa đúng lúc bởi bạn không nên bật điều hòa 24/24 kể cả trong những ngày nóng nhất. Thực tế, bật điều hòa liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn vì không khí không được lưu thông cũng như độ ẩm trong phòng bị giảm đi khá lớn.
Vì vậy, hãy tắt điều hòa và sử dụng quạt vào những thời gian không quá nóng trong ngày. Điều này vừa giúp làm không gian phòng thông thoáng hơn vừa giúp tiết kiệm điện năng đáng kể. Sử dụng điều hòa nhiệt độ kết hợp với quạt sẽ một cách khôn ngoan để tiết kiệm điện năng và đảm bảo sức khỏe khi sử dụng điều hòa vào mùa nóng.
Theo ictnews.vn