Cội nguồn văn hóa
Những nỗ lực bảo tồn và phát triển bản sắc đã giúp định danh cho Tây Giang như là mảnh đất cội nguồn của văn hóa Cơ Tu. Trong xu thế phát triển, giá trị truyền thống đặc trưng ấy được kỳ vọng sẽ là sản phẩm độc đáo giúp địa phương sớm có tên trong bản đồ du lịch vùng.
Gìn giữ bản sắc
Ít có địa phương nào mà văn hóa truyền thống được bảo tồn chặt chẽ như ở Tây Giang. Với hơn 90% dân số là đồng bào Cơ Tu, các bản làng ở vùng cao hầu như vẫn giữ được nguyên trạng những giá trị văn hóa của dân tộc như phong tục, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc… Ngoài ra, đội ngũ đông đảo nghệ nhân, già làng ở từng bản làng đều rất am hiểu và tiên phong trong việc giữ gìn bản sắc. Ông Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, không gian sống của cộng đồng người Cơ Tu ở đây khá đặc trưng với cách bố trí, sắp xếp dân cư theo mô hình làng truyền thống, trở thành “lá chắn” trước những tác động tiêu cực của giao thoa văn hóa hiện đại. “Trong không gian đó, lễ hội và các hoạt động văn hóa truyền thống luôn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng luôn được phát huy để bảo tồn những giá trị đặc thù của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển hiện tại của địa phương” - ông Toàn nói.
Bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống Cơ Tu cũng là cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tính cộng đồng đã cố kết chặt chẽ và hiện diện trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Với văn hóa làng tồn tại hàng nghìn năm trong lòng Trường Sơn, người Cơ Tu đã bảo tồn được không gian sống và gìn giữ nhiều nét đẹp trong đời sống sinh hoạt. Đây được xem là nội lực để những giá trị truyền thống ngày càng đậm đà bản sắc hơn trong xu thế phát triển chung. Đồng thời cũng là lợi thế, cơ hội đáp ứng cho các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở miền núi. Trước nhu cầu ngày càng mở rộng, chính quyền địa phương đã bước đầu cụ thể hóa một số sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và định hướng phát triển bền vững như: du lịch trải nghiệm, khám phá lễ hội, thưởng thức ẩm thực truyền thống… Tuy nhiên, thách thức của công tác bảo tồn chính là việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ để các em sẽ là đối tượng kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa. “Mỗi người con Cơ Tu trong bản làng đều có trách nhiệm gìn giữ phong tục, tập quán và các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Với lớp trẻ, các già làng đều giáo dục, tuyên truyền để các cháu cảm thấy tự hào với di sản mà cha ông đã để lại. Bởi thế hệ trẻ mới chính là những chủ thể thực sự của văn hóa làng” - già Clâu Blao, ở thôn Voòng (xã Tr’Hy), chia sẻ.
Ngay cả trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, những nét văn hóa truyền thống vẫn hiện diện thường xuyên như nói lý - hát lý, điêu khắc, múa hát cồng chiêng… với sự tham gia đông đảo của người trẻ. Đây cũng chính là tín hiệu vui cho nỗ lực lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống ở vùng cao Tây Giang.
Du lịch theo chiều sâu văn hóa
Thế mạnh văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng bao gồm không gian văn hóa làng Cơ Tu và rừng cây di sản, đã sớm được Tây Giang hoạch định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là đầu tư cho du lịch, đưa hướng đi này như một mũi nhọn kinh tế, nâng cao đời sống người dân bản địa. Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong chiều sâu văn hóa, địa phương đã mạnh dạn loại bỏ nhiều hủ tục không phù hợp, khai thác tối đa tiềm năng từ văn hóa tộc người Cơ Tu nhưng vẫn đảm bảo giữ được những giá trị gốc. Theo ông Pơloong Plênh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang, bên cạnh lồng ghép từ những chương trình mục tiêu để đầu tư phục hồi làng nghề, khôi phục không gian gươl, moong truyền thống, địa phương cũng chú trọng đến việc hình thành quy hoạch để đáp ứng hạ tầng cho du lịch. “Các tour du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, khám phá làng Cơ Tu, du lịch sinh thái rừng pơmu đang là xu thế thu hút khá đông khách du lịch. Đón đầu cơ hội đó, địa phương mong muốn sẽ tính toán để vừa phát triển kinh tế mũi nhọn, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác du lịch, nhưng không phá vỡ cấu trúc truyền thống vốn có” - ông Plênh nhấn mạnh.
Hiện tại, giá trị văn hóa làng Cơ Tu và rừng cây sinh thái, rừng cây di sản đang là những yếu tố được địa phương chú trọng. Cùng với việc điệu múa tâng tung, da dá, dệt thổ cẩm và điệu nói lý - hát lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; rừng pơmu trở thành rừng cây di sản là cơ hội để Tây Giang khởi động những bước đi đầu tiên trong định hướng phát triển du lịch của mình. Năm du lịch Tây Giang với chủ đề “Tiếng gọi đại ngàn” được xem là dấu mốc của quyết tâm này, với kỳ vọng đánh thức những tiềm năng sẵn có. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khẳng định, du lịch không chỉ mang lại cơ hội thay đổi diện mạo của vùng cao, mà còn nâng tầm văn hóa Cơ Tu và cải thiện sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Sau thành công từ mô hình du lịch cộng đồng theo nhóm hộ ở Đỉnh Quế (thôn Voòng, xã Tr’Hy), hướng đi mới trong việc khai thác hiệu quả từ sản phẩm du lịch cộng đồng bước đầu được khẳng định. Ngoài ra, làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang đang được một doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, hứa hẹn là một điểm đến lý thú cho du lịch địa phương trong những ngày sắp tới. “Với sự đa dạng các loại hình du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái, khám phá trải dọc theo nhiều địa bàn, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được sự đầu tư, hình thành một trục du lịch đặc thù, hấp dẫn cho du khách mỗi lần ghé chân. Năm du lịch Tây Giang cũng là khát vọng của chính quyền và nhân dân, phấn đấu đưa Tây Giang trở thành một điểm đến lý tưởng trong bản đồ du lịch miền Trung” - ông Blúi nói.
ĐĂNG NGUYÊN - PHƯƠNG GIANG