Trường Sa, mùa không sóng...

Ký sự của TRUNG VIỆT 08/05/2016 08:13

“Tháng 3, bà già đi biển”. “Biết rứa, răng khám sức khỏe làm chi?”. “Hà hà, tại vì năm ngoái có đứa ra đó bị rối loạn tiền đình nặng, cởi áo quần chạy lung tung”. “Khám ở đâu không được, răng bắt tôi phải vô Sài Gòn?”. “Mày quê đâu?”. “Quảng Nam”. “Thôi rồi, lại gặp mấy thằng sống nhờ... cãi”. Trên đây là mẩu đối thoại giữa tôi và vị bác sĩ ở TP.Hồ Chí Minh khi tôi bị… gọi vô khám bệnh để đi Trường Sa. “Đuổi gà qua đám giỗ”, khám khiếc chi mà siêu âm bụng, phán: bình thường! Được rứa thì phước lớn, trong khi tôi uống rượu đã hơn 20 năm, ruột gan tanh banh rồi, sáng nào cũng ôm bụng chạy. Gặp nhau trên tàu, ông bác sĩ đó  trách “mày trốn ở đâu mà nhậu không thấy mặt”. Tôi cự: “Cha nội nói bụng bình thường, nên tôi không dám uống, sợ nó đã tanh banh rồi sẽ đi đứt luôn, ra Trường Sa có chuyện chi, thẻ ATM gửi ai?”. Vị bác sĩ cười to: “Tao lạy mày”.

Nhà giàn Tư Chính DK 1.14.Ảnh: T.VIỆT
Nhà giàn Tư Chính DK 1.14.Ảnh: T.VIỆT

1. Sóng êm. Hành trình gần 10 ngày, qua 5 đảo và 1 nhà giàn, đi như tàu lửa, thậm chí nhẹ nhàng hơn. Chỉ có nắng nóng khủng khiếp. Không lạ gì, những cây tra, phong ba, bàng vuông, nhiều cây chết, còn lính thì khỏi bàn, đã đen càng sạm. Có một đồng nghiệp, khi lên đảo Trường Sa Lớn, không chịu nổi nắng nóng đã xỉu. Nắng, nên nước ngọt quý hơn vàng, nhất là với anh em ở đảo Sinh Tồn Đông hay lính nhà giàn. Nhưng, cảm giác khốc liệt hơn khi tôi bước lên đảo chìm Len Đao. Không đất. Ngó quanh, trơ trọi mỗi người, còn lại là sóng. Tôi đếm được 8 chậu rau xanh, lên tầm chừng gang tay. Thiếu úy Lê Mạnh Hùng, sĩ quan thông tin ở đây nói, chừng một tháng trồng lại một lần. Nước ngọt thiếu nên anh em dè sẻn lắm, sử dụng không để rơi vãi lãng phí, nước tắm, vo gạo xong là dành tưới rau. Giữa cái nắng như xối lửa, mầm xanh cô đơn nhưng không cô độc. Bữa ghé nhà giàn Tư Chính DK 1.14, giữa trùng trùng sắt thép nóng đến rát tay, khách ồ lên khi thấy rau xanh lượn dọc hành lang theo khung thép, làm thép như mềm đi. Hình như bị đẩy vào tình thế mà sự sống có được là phải bám vào tự nhiên, thì lúc đó mới thấy cỏ cây chính là cứu tinh? Với lính Trường Sa, rau xanh đâu chỉ là thực phẩm. Vạt cải mầm, chút mồng tơi, là gợi nhớ quê, nhớ mẹ, thấy quê nhà thấp thoáng rồi đùn lên trên từng gân lá.

Không sóng, nên tàu mỗi khi cập đảo là khách lên xuống dễ dàng, đúng là đi… du lịch. Có ai đi du lịch mà khóc không? Ít, nhưng đi Trường Sa sẽ khóc. Tôi đã chứng kiến bao chị đồng nghiệp mắt đỏ hoe, khi bước lên đảo, cám cảnh nắng gắt và gian khó của lính, để phút chia tay, nghẹn không nói lên lời. Còn cánh đàn ông thì trầm tư. Ai đó nói đi để biết Tổ quốc mình đâu chỉ có những đường bay, đường quốc lộ Bắc - Nam, mà còn ở những cánh sóng lưng chừng trời. Chạm vào Trường Sa, đặt chân lên gành đá san hô trong cơn biến thiên của hàng triệu năm địa chất, giữa sóng nước xanh và ngoằn ngoặt gió, ý thức về thân phận và tư cách công dân của người Việt, hẳn sẽ chồm lên ở mỗi người. Từ Len Đao, qua kính quan sát, tôi đã nhìn thấy Gạc Ma mà Trung Quốc đang cưỡng chiếm, xây như thành phố, lúc đó nộ khí trong người bừng bừng, mới thấm hơn nỗi thiết tha, truy vấn đến tận cùng của bao tâm hồn Việt về quyết tâm đòi chủ quyền.

Bữa rời đảo Sinh Tồn Đông, có tàu ngư dân chuyển cho anh em Hải quân ít cá vừa đánh được, nhìn tàu nhấp nhô trong sóng như chiếc lá, lòng dằng dặc nhớ quê nhà, nhớ bao lần những ngư dân bị tàu Trung Quốc hại, nhưng họ kiên gan ra biển, tuyệt đối không lùi, bởi đó là áo cơm, là cương thổ quốc gia, là gia bảo ông bà để lại. Mùa sóng êm, ngư dân thuận tiện, càng thấy miếng cơm tìm từ biển lúc thăng lúc trầm, phận người đi biển giữa mênh mông thiên hại địch họa nhỏ biết bao, nhưng cái tình của dân với lính, thì lớn vô cùng. Tôi đã nghe một sĩ quan Hải quân 30 năm ở đảo kể, là lính quân y, bao phen anh và đồng đội cứu ngư dân, đến nỗi họ chuyền tai nhau cứ tấp vô nhà giàn DK 1 là có thuốc, về đất liền là họ điện thoại hỏi thăm, cảm ơn rối rít.

2. Mùa sóng êm, nên tàu thả neo để… sát cá. Bữa chạy về gần thềm lục địa hướng Vũng Tàu, cá nổi thành đoàn, vẫy sóng bạc lấp lóa, lũ này hình như đói lắm nên cứ thả câu xuống là bặp, giựt, cá mú to như bàn tay quẫy đành đạch trên sàn tàu. Nhưng, không đã bằng khi cánh nhà báo xuống ca nô phi ra lồng bè ở đảo Đá Tây. Giữa  mênh mông, một lồng bè nuôi cá rộng  9m2, sâu 5m mọc lên. Hai lớp lưới bảo vệ. Chủ yếu là cá chim trắng. Anh Minh, một ngư dân cho biết, đây là dự án của Bộ NN&PTNN, tại đây có 8 lồng bè với 1.000 con cá/lồng, mỗi năm thu hoạch chừng 4 tấn cá. Đừng nghĩ ở đảo là cá tươi nhiều. Bộ đội, việc chính là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là mùa biển động ăn cá hộp miết ớn tới óc, chỉ ngày giờ rảnh mới đi đánh cá, nên những dự án này góp phần cải thiện bữa ăn của bộ đội.

Lính Trường Sa.Ảnh: T.VIỆT
Lính Trường Sa.Ảnh: T.VIỆT

Bữa lên đảo Trường Sa Lớn, tôi và một đồng nghiệp bỏ đoàn, vô ăn trưa với lính. Không cần báo trước, đám lính trẻ ồ lên: “các anh tha hồ, cơm cá không thiếu, tụi em vừa đánh”. Cá nục như bắp tay, cá mú to bằng hai bàn tay, vừa  đánh lên, cứ thế mà… phang tới, bỏ bèn những ngày ăn cá đông lạnh và su hào. Tôi hỏi: “Có ớt không?”. Một anh lính cười to: “Bác cần xanh hay đỏ, gì cũng có”. Ăn cơm với lính, như về quê uống rượu với bạn thuở chăn trâu, sướng mê li, chỉ tiếc là không có rượu.

Sóng êm, nên giờ phút rảnh, lại sinh rắc rối u sầu. Ra biển, mới thấy phận người như bọt sóng. Lên đảo, thấy lính đảo thiếu thốn tình cảm đất liền, mới thấy chốn phố phường thật kinh khủng, cứ ra đường là nhìn nhau như địch thủ, mắt liếc như phóng phi tiêu, hội họp thì lừa nhau bằng sự tử tế. Tôi thú thật, đi cùng đoàn có ca sĩ, nghệ sĩ, rồi đội văn nghệ xung kích của thành phố, toàn mấy giọng ca mướt rượt nhưng không cách chi hòa nhập được, toàn nằm phòng đọc sách khi loa phóng thanh kêu mọi người giao lưu văn nghệ. Nhưng bữa tàu ngang qua bãi cạn Quế Đường, một chương trình nằm ngoài kế hoạch nảy sinh, khiến tôi xốn xang. Vì không có thời gian để ghé nhà giàn gần đó, nên đoàn quyết định tổ chức văn nghệ với lính nhà giàn qua… bộ đàm. Lính hát. Ca sĩ hát. Lần đầu tiên tôi chứng kiến những lời cảm ơn nặng mùi biển mà trong suốt, tha thiết đến quặn lòng của những người quanh năm sống giữa sóng gió. Buổi văn nghệ không tiền khoáng hậu, bởi chỉ có mùa này, sóng im, lời qua tiếng lại không chập chờn. Tôi rời khỏi cabin khi mọi người còn hát, nhìn vô định phía chân trời, nhớ bài “Sóng về đâu” của Trịnh Công Sơn. Bài hát đó ngập tràn tinh thần mật tông, còn ở đây, lời hát tựa vào sóng mà sống, mà đến, mà tựa nhau để thấy ấm áp. “Đừng nuôi trong máu trái tim thù”. Tôi nhặt được câu đó từ bài hát trên, để thấy tha thiết của con chim cô đơn trên biển là những người lính, họ đã vượt và họ cần hơn nữa những nỗi niềm sẻ chia, mỗi một lời hát, một lời chân thật trên sóng từ  những người ở đất liền, và để từ đó để thấy, hãy đối đãi với sóng, với tự nhiên trong thế cân bằng, bởi người quá nhỏ nhoi, cũng từ đó, quý hơn nữa những người lính - cột mốc sống trên biển, họ đã xả thân, quên đi niềm riêng để mình tự do hít thở, buông thả cảm xúc giữa bao ngột ngạt áo cơm.

3. Không sóng, nên đi lang thang trên các đảo, ngắm những cây xanh kiên cường chống chọi, nhiều cây to nửa người ôm, tạt vào những hộ ngư dân sống ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, thấy lưới phơi, trẻ con nô đùa, vợ ngồi vá lưới, chồng chặt củi, bình yên như bất kỳ làng quê biển nào, chỉ khác là không có xe máy gầm rú. Nhiều anh chồng nói, làm ăn cũng dễ anh, chiều ra thả lưới thôi, cá ăn không hết thì cho bộ đội, đổi lại bộ đội hay cho thịt hộp. Ở đất liền, nhìn sóng vỗ mạn tàu mỗi khi đứng trên bến nào đó, nghĩ xa khơi cũng nhịp nhàng tha thiết cũng chập chờn lên xuống như thơ tự do, nhưng ra đây, trong cái yên lặng của mùa không gió, mà sóng táp bờ kè, như phút ngủ yên của thủy quái, nghĩ mai mình về, biết bao giờ mới trở lại,  nghĩ những cột sóng như tòa nhà mùa động, mà kinh. Phải ý chí thép, phải kiên gan mới trụ nổi. Cho nên, bỗng dưng không ưng cái từ “trải nghiệm”, bởi nó nhợt nhạt quá, chỉ biết biển thật sự là biển, khi ngụp lặn giữa sóng lớn. Tim thắt lên khi tàu hú tiễn biệt, bởi như tình yêu ấy, chỉ thật sự là thế, như ly rượu phải uống, dẫu đã say mèm.

Ký sự của TRUNG VIỆT

Ký sự của TRUNG VIỆT