La Vân - Phú Xuân, nghĩa đất tình người
Không chỉ là nơi có địa đạo Phú An - Phú Xuân thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (di tích lịch sử cấp quốc gia), làng La Vân - Phú Xuân xưa còn gắn liền với những nhân vật nổi tiếng của đất Quảng và cả nước.
Di ảnh cụ Nguyễn Tường Vân tại Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (Hội An). |
Theo Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, làng Phú Xuân thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên; đến tháng 9.1946 thuộc huyện Đại Lộc. Làng Phú Xuân xưa gồm phần đất của các thôn: Xuân Đông, Xuân Nam (xã Đại Thắng) và Xuân Tây (xã Đại Tân) hiện nay.
“Địa linh ân tứ, Phú Xuân hương”
Các bô lão địa phương kể lại, nguyên tên gọi của làng Phú Xuân là La Vân. Kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chiêm Chế Mân và Huyền Trân công chúa (nhà Trần), những lưu dân Việt vùng Thanh - Nghệ có mặt ở vùng đất mới để khai canh, lập làng. Tiền nhân đã ghép hai chữ: La - tên dòng sông đẹp của xứ Nghệ thân thương và Vân - mây thành ra tên làng. La Vân - áng mây, đưa nỗi nhớ thương khôn nguôi của kẻ tha hương về cố xứ…
Tương truyền, cái tên Phú Xuân ra đời vào những năm 20 của thế kỷ XIX, gắn với một vị đại thần triều Nguyễn - cụ Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822). Ông là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Văn sinh sống ở xã Phước Điền, phủ Hà Trung, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, di cư vào ngụ đất Gia Định thời Chúa Nguyễn, sau dời ra làng Cẩm Phô, huyện Diên Khánh (Diên Phước), phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Cẩm Phô, thành phố Hội An). Năm Bính Thìn (1796), cụ thi đỗ nhị trường, rồi được bổ chức Lễ sinh, sau đó thăng chức Thị thư, làm việc bên cạnh Nguyễn Ánh. Nhờ lập được nhiều công to, Nguyễn Tường Vân được Nguyễn Ánh yêu mến và trọng vọng. Chuyện rằng, một lần khi hành quân ở Quảng Nam, Nguyễn Ánh chỉ ngọn núi hỏi: “Ngọn núi này tên là gì?”. Ông tâu: “Núi ấy gọi là núi Phước Tường”. Nguyễn Ánh bảo: “Nguyễn Phước là họ của ta. Vậy ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường”. Từ đó, họ Nguyễn Văn của cụ đã được đổi thành Nguyễn Tường. Ông từng được cử làm Phó sứ cùng với Chánh sứ Trịnh Hoài Đức sang Trung Hoa đề nghị nhà Thanh phong vương cho Nguyễn Ánh. Sau đó, lần lượt giữ các chức vụ: Cai bạ Quảng Nam, Ký lục tỉnh Bình Thuận, Hiệp trấn Nghệ An, Hữu Tham tri Bộ Hộ, Đề điệu trường thi Sơn Nam hạ, Hộ tào Bắc Thành. Khi vua Gia Long mất, cụ được triệu về kinh nhưng Tổng trấn Lê Chất tâu xin cụ ở lại giữ chức Phó Tổng trấn trông coi việc ở Bắc thành. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), cụ được triệu hồi về kinh, thăng chức Binh Bộ Thượng thư (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay), tước Nhuận Trạch hầu. Giữ chức chưa được bao lâu thì cụ qua đời tháng 10 năm ấy. Trước khi mất, Nguyễn Tường Vân có tờ biểu tâu lên vua, trình bày những điều gan ruột về việc nội trị, ngoại giao. Vua xem biểu không khỏi than tiếc: “Vân đủ cả tài chính sự, văn học, lo việc nước theo phép công, gặp việc nghĩ gắng sức, chưa ai có thể kịp được, tiếc rằng chí chưa thỏa mà thân đã chết, lòng trung ái ấy tỏ rõ ở tờ biểu để lại: Trẫm xem biểu không ngờ nước mắt chứa chan”.
Thi hài cụ Nguyễn Tường Vân được đưa từ kinh đô Huế về an táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Vì sao làng La Vân được chọn làm nơi yên nghỉ của vị Thượng thư Bộ Binh mà không phải là làng Cẩm Phô (Hội An) - nơi “phát tường địa” của họ Nguyễn Tường? Chưa có câu trả lời thỏa đáng nhưng điều chắc chắn rằng La Vân phải là nơi cát địa. Tiết Thanh Minh này, chúng tôi có dịp đến viếng lăng mộ cụ Nguyễn. Khu lăng mộ rêu phong nằm lặng lẽ trên Gò Lăng của thôn Xuân Tây, xã Đại Tân trông vẫn còn khá bề thế. Bùi ngùi đọc tấm bảng gắn trên bờ tường phía trước lăng: “Hoàng Việt quốc táng/ Lăng Ông/ Bắc thành Phó Tổng trấn - Binh Bộ Thượng thư/ Nhuận Trạch hầu/ Xây dựng: 1820 - 1821/ Trùng tu: 1995”, không khỏi trào dâng niềm thương cảm. “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…”. Như vậy, triều đình đã trực tiếp tổ chức an táng một vị đại thần có công với nước tại nơi đây theo nghi lễ trọng thể của hoàng triều. Và, nếu thông tin ghi trên bảng ấy là chính xác thì lăng mộ đã được xây dựng trước khi Thượng thư Bộ Binh tạ thế!?
Theo các vị cao niên, do tên làng trùng với tên của người quá cố nên La Vân được triều đình ân đổi thành Phú Xuân. Điều này thể hiện ở hai câu đối lưu truyền qua nhiều thế hệ:
Nhân kiệt khai cơ, La Vân xã
Địa linh ân tứ, Phú Xuân hương.
Tạm dịch nghĩa:
Bởi lòng hào kiệt của con người đã khai khẩn đất đai lập nên xã La Vân;
Nhờ cuộc đất linh hiển mà được vua ban ơn đổi tên thành làng Phú Xuân.
Vĩ thanh
La Vân - Phú Xuân có phải “địa linh” không thì chưa rõ nhưng có một thực tế là sau 16 năm kể từ ngày cụ Nguyễn “về” với làng, người con trai trưởng Nguyễn Tường Vĩnh đỗ Phó bảng (khoa Mậu Tuất - 1838). 4 năm sau, người con thứ (cùng cha khác mẹ) Nguyễn Tường Phổ đỗ Tiến sĩ Tam giáp (khoa Nhâm Dần - 1842), từng làm Tri phủ Hoằng An, Tri phủ Tân An, Quyền Đốc học Quảng Nam, Tri phủ Cẩm Giàng, Đốc học Hải Dương. Sinh thời, Nguyễn Tường Phổ là người nổi tiếng thơ văn, được sĩ phu trọng vọng. Trong cuốn Quốc triều đăng khoa lục, Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục đánh giá: “Đó là người có khí tiết, không a dua, không thiết gì sự thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ, chén rượu làm vui. Người bấy giờ ví ông với Đào Tiềm”. Điều khá lý thú, cụ Nguyễn Tường Phổ chính là nội tổ của ba anh em nhà văn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam - những người sáng lập, trụ cột của Tự Lực văn đoàn, một tổ chức văn chương nổi tiếng trên văn đàn nước Việt những năm 30 của thế kỷ trước. Phải chăng cùng với phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), làng Phú Xuân (Quảng Nam) đã góp phần “phát tích” những nhà văn lừng danh mang họ Nguyễn Tường này, đúng như lời cụ Nguyễn Tiên Điền: “Văn chương nết đất”!
La Vân - Phú Xuân, mảnh đất được bồi tụ bởi phù sa của dòng sông lớn Thu Bồn cũng là nơi chôn nhau, cắt rốn của một nhà thơ có tên tuổi trên thi đàn nước nhà trong thế kỷ XX - Trinh Đường.
Sau nhiều biến cố, những năm cuối đời, Trinh Đường chuyển đến sinh sống ở làng Cổ Nhuế, ngoại thành Hà Nội. Trước cửa nhà có 3 chữ “La Vân Hiên”, nghĩa là ông coi cái nhà của mình như là một mái hiên của làng La Vân yêu dấu mà ông từng nhớ thương quặn lòng: “Tập kết ba mươi năm/ Tóc xanh giờ đã bạc/ Suốt đời đi giành nước/ Trở thành người không quê/ Một đi không được về…”. Cuối cùng, sau gần nửa thế kỷ xa cách, nhà thơ Trinh Đường cũng đã được “về” yên giấc nghìn thu tại chính mảnh đất quê mình, “Châu về Hợp Phố”. Đất mẹ La Vân - Phú Xuân mở lòng ra với ông như 179 năm trước từng “đón” vị Thượng thư Bộ Binh họ Nguyễn Tường vậy!
VÂN TRÌNH