V-League và "cầu thủ thứ 12"
V-League đang ngày càng tạo sức hút đáng kể khi mùa giải năm nay kéo được khán giả đến sân theo dõi các trận đấu vào mỗi chiều cuối tuần.
Sân Tam Kỳ được lắp ghế tất cả khán đài nhưng rất tiếc các trận vừa qua của QNK Quảng Nam lại không thành công nên không thu hút được nhiều khán giả.Ảnh: T.VY |
Mùa giải 2015, lúc còn Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường, Hoàng Anh Gia Lai đã tạo ra một hiện tượng lý thú hiếm thấy của làng bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên, vé xem các trận đấu tại V-League bán sớm trước vài ngày nhưng vẫn xảy ra cơn sốt vé. Đội bóng của bầu Đức đi đến đâu khán giả chật kín sân đến đó, thậm chí một số nơi phải đóng cửa sớm để không bị vỡ sân. Năm nay, dù không còn sức hút mạnh mẽ khi bộ ba cầu thủ xuất sắc của họ sang nước ngoài thi đấu nhưng với lối chơi ban bật ngắn đậm chất kỹ thuật, đội bóng phố núi vẫn còn khá đông người hâm mộ.
Trong số các sân cỏ trên cả nước thì sân Cẩm Phả, Vinh, Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu về số lượng khán giả. Con số trên dưới 10.000 người đến sân được duy trì suốt từ đầu giải đến nay cho thấy các đội bóng Than Quảng Ninh, Sông Lam Nghệ An hay FLC Thanh Hóa đã thành công trong việc thuyết phục người hâm mộ. Đặc biệt, với thành tích xuất sắc 7 trận toàn thắng của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng trong giai đoạn đầu mùa giải đang khiến cho sân Lạch Tray trở thành hiện tượng của V-League 2016. Từ lâu, Lạch Tray được xem là “chảo lửa” không chỉ ở “đặc sản” pháo sáng mà còn ở số lượng khán giả và sự cuồng nhiệt của người dân đất Cảng. Ở trận đấu Hải Phòng tiếp Becamex Bình Dương cuối tuần qua, Lạch Tray đã đi vào lịch sử V-League khi có đến 28.000 khán giả. Đây là một con số “nằm mơ” đối với nhiều sân V-League.
Theo thống kê của Ban tổ chức giải V-League, số lượng khán giả trong 8 lượt trận vừa qua tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, càng ngày lượng người xem đến sân càng tăng không phải vì hiện tượng như Hoàng Anh Gia Lai mùa trước mà nhờ tình yêu bóng đá đích thực. Lối chơi đầy nhiệt huyết, tinh thần thi đấu hết mình của các đội bóng đã kéo khán giả bỏ tiền mua vé vào sân. Rõ ràng đó là một tin vui cho những nhà làm bóng đá và các câu lạc bộ bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là phục vụ người xem. bóng đá mà không có khán giả thì sẽ “chết”.
Để đáp lại tình cảm của người hâm mộ, năm nay, nhiều sân như Cần Thơ, Tam Kỳ đã được đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm ghế nhằm phục vụ khán giả tốt hơn. Nhờ đó, không còn cảnh ngồi bệt xuống nền bê tông nóng hầm hập như các mùa giải trước, khán giả nơi khán đài B, C, D sân Tam Kỳ đã trở thành “thượng đế” khi có ghế ngồi kể từ khi V-League 2016 mở màn. Điều này phần nào nói lên sự quan tâm của các câu lạc bộ trong việc coi trọng vai trò của “cầu thủ thứ 12”, như câu băng rôn được treo trang trọng trên sân Thanh Hóa “Khán giả là tài sản lớn nhất của câu lạc bộ”.
Tân binh Hà Nội khi vừa chuyển “hộ khẩu” vào TP.Hồ Chí Minh đã ngay lập tức lấy lòng người hâm mộ bóng đá Sài Gòn không chỉ ở việc đổi tên thành Sài Gòn FC mà còn tạo dựng hình ảnh thân thuộc qua nhiều hình thức. Ngay như đội bóng đang thi đấu kém cỏi là Đồng Tháp mùa này cũng biết cách tạo nên sự huyên náo bên ngoài sân cỏ, gắn bó công chúng mật thiết hơn với đội bóng. Vì vậy, sân Cao Lãnh vẫn thu hút khá đông khán giả bất chấp kết quả hiện tại của họ không được tốt. Có thể thấy, các câu lạc bộ ý thức hơn và khai thác một cách hiệu quả hơn “cầu thủ thứ 12” nhằm góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về đội bóng.
TƯỜNG VY