Bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú
(QNO) - Trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều thực phẩm không bảo đảm an toàn trên thị trường, nhất là khi có thông tin cá nhiễm độc xảy ra ở các địa phương khác trong thời gian gần đây, nhiều phụ huynh ở Quảng Nam bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về mức độ an toàn đối với bữa ăn bán trú ở trường học.
Bữa ăn của học sinh bán trú Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Ảnh: C.N |
Trước thông tin cá biển nhiễm độc, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn đến thực đơn bán trú và đề nghị nhà trường không đưa cá vào thực đơn bữa ăn của học sinh. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT), đa số lãnh đạo các trường rất linh hoạt trong việc xây dựng thực đơn bán trú để đảm bảo chất dinh dưỡng thay thế khi trong thực đơn không có cá.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) cho biết, nhà trường cũng rất quan tâm đến thông tin cá bị nhiễm độc. Trong bữa ăn của học sinh, nhà trường đã chủ động thay thế hải sản bằng các thực phẩm khác, có nguồn gốc rõ ràng. Tương tự, cô Phạm Nguyễn Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen thông tin, nhà trường không đưa cá và các loại hải sản vào thực đơn hằng ngày của bữa ăn bán trú từ hai tuần qua, trước khi phụ huynh đề nghị thay đổi thực đơn.
Sở Y tế kiểm tra bếp ăn bán trú Trường Mẫu giáo Hương Sen. Ảnh: C.N |
Còn cô Lê Thị Thanh Hương - giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Minh (Đại Lộc) cho biết, trước sự quan tâm, lo lắng của phụ huynh về tình trạng cá biển bị nhiễm độc, nhà trường đã thay thế thực đơn cho học sinh; các thực phẩm được lấy từ những nguồn có xuất xứ rõ ràng nên phụ huynh khá yên tâm.
Phụ huynh cháu Quốc Huy (Trường Mẫu giáo Hương Sen) chia sẻ, tham quan bếp ăn bán trú của nhà trường, chị cảm thấy hài lòng và yên tâm vì bếp ăn được thiết kế theo quy trình một chiều nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh lây nhiễm chéo. Muỗng, chén cho các cháu cũng được sấy trước bữa ăn.
“Ngoài việc hợp đồng với các cơ sở cung ứng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, nhà trường cũng rất chú trọng đến nguồn nước sinh hoạt và nước uống. Qua kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng, cho thấy nguồn nước bảo đảm an toàn. Đoàn kiểm tra công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế cũng kiểm tra và đánh giá cao về công tác y tế, vệ sinh thực phẩm của nhà trường” - cô Phạm Nguyễn Hồng Nhung nói thêm.
Vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng cho bữa ăn bán trú luôn được ngành GD-ĐT Quảng Nam đặc biệt quan tâm, nhất là đối với bậc mầm non - bậc học có số lượng học sinh bán trú nhiều nhất.
Trường Mẫu giáo Hương Sen tổ chức hội thi cấp dưỡng giỏi. Ảnh: C.N |
Thời gian qua, Quảng Nam chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào đối với học sinh bán trú. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT), cho đến lúc này có thể khẳng định, bếp ăn bán trú tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh bảo đảm tuyệt đối an toàn. “Bữa ăn bán trú rất quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục có công văn chỉ đạo các trường học tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác bán trú trong nhà trường” - bà Mỹ Liên nói. Hằng năm, Sở GD-ĐT còn tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng giáo dục, trong đó có nội dung kiểm tra bếp ăn bán trú ở trường học.
Ông Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ cho biết, đội ngũ làm công tác cấp dưỡng trong các trường học ở Tam Kỳ đều đảm bảo sức khỏe theo quy định của ngành y tế, có giấy chứng nhận khám sức khỏe định kỳ. Những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm đều được tập huấn, trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và trang bị đầy đủ phương tiện lao động.
CHÂU NỮ