Những người bạn ở Triêm Tây

Ghi chép của LÊ XUÂN THỌ 30/04/2016 12:02

Họ phần lớn đều trẻ, tràn đầy nhiệt huyết với sứ mệnh tự mang lấy: trang bị cho người dân Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) kiến thức để có cuộc sống bền vững và thân thiện với thiên nhiên.

1. Tôi trở lại Triêm Tây vào một sáng Chủ nhật. Làng vẫn yên ả như xưa và người vẫn trìu mến như vậy. Những tuyến đường chính đã được đổ bê tông sạch sẽ. Hai bên đường, từng hàng rào xanh rất đẹp mắt. Trong một ngôi nhà mái ngói đỏ, thi thoảng có tiếng trẻ con ồ lên vì thích thú, hoặc thắc mắc điều gì đấy, rồi trở lại im lặng để lắng nghe giọng đọc văn mượt mà của một cô gái Hà Nội. Cô đang đọc cho lũ trẻ nghe “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Cô là Vũ Mỹ Hạnh - thủ lĩnh của nhóm Green Youth Collective (gọi tắt là GYC), năm nay 29 tuổi và đã từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Hạnh đọc sách cho lũ trẻ ở Triêm Tây nghe.  Ảnh: LÊ XUÂN THỌ
Hạnh đọc sách cho lũ trẻ ở Triêm Tây nghe. Ảnh: LÊ XUÂN THỌ

Hạnh đọc chậm và đầy ngữ điệu mê hoặc. Lũ trẻ thì chăm chú lắng nghe và đôi khi, chúng hỏi Hạnh những điều mình hoài nghi. Đó chính là điều Hạnh muốn, chính xác hơn là điều GYC đang nỗ lực trang bị cho lũ trẻ ở đây, càng nhiều kiến thức càng tốt, tất nhiên là sẽ áp dụng được trong thực tế cuộc sống. Sau khi giải thích cặn kẽ, Hạnh tiếp tục đọc và lũ trẻ tiếp tục nghe. Sau này, Hạnh cho biết nhóm đang xây dựng tủ sách cho trẻ Triêm Tây và hôm ấy là triển khai đầu tiên. Tôi nhớ buổi nói chuyện chiều hôm trước, rằng Hạnh bảo GYC không chỉ mang đến cho người dân Triêm Tây kiến thức làm vườn “sạch”, mà còn có cả văn hóa, sức khỏe, tâm lý vợ chồng… Tất cả đều nhằm giúp người dân Triêm Tây đủ kỹ năng ứng phó với cuộc sống một cách thân thiện và bền vững.

Tôi ngoái nhìn, kệ sách còn quá giản đơn, tầm vài chục cuốn, nhưng tương đối rộng ở nhiều lĩnh vực của tâm lý trẻ em. Hạnh bảo, bắt đầu nào mà chả khó khăn như thế, nhưng phải làm thôi. Cũng giống như Triêm Tây cách đây khoảng một năm, khác nhiều so với bây giờ. Hạnh nói đúng, Triêm Tây bây giờ… nhìn đã hơn trước nhiều; và người dân ở đây bắt đầu hưởng lợi từ sự nhiệt huyết của GYC: Họ biết làm vườn không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; những củi dệt chiếu truyền thống bắt đầu thu hút khách du lịch…

Bphu (bìa phải) cùng Vi nói chuyện về một loại cây hỗ trợ tốt để trồng rau hữu cơ.  Ảnh: LÊ XUÂN THỌ
Bphu (bìa phải) cùng Vi nói chuyện về một loại cây hỗ trợ tốt để trồng rau hữu cơ. Ảnh: LÊ XUÂN THỌ

2.Sáng hôm ấy, trong khi Hạnh đọc sách cho lũ trẻ nghe, thì Tukasz (28 tuổi, quốc tịch Ba Lan) cùng cộng sự của mình mất hút trong vạt cây xanh ở rìa Triêm Tây; còn Bphu (42 tuổi, quốc tịch Thái Lan) thì cần mẫn trong khu vườn cộng đồng; trong khi đấy, Trần Long Vi (23 tuổi, quê Cần Thơ) dẫn tôi đi khắp ngõ ngách Triêm Tây để giới thiệu về những gì GYC làm. Vi là một trong những người trẻ nhất của GYC tại Triêm Tây hiện tại, khi em chỉ mới đến đây hơn 3 tháng. Vi nói rằng khi còn ngồi ở giảng đường đại học, em đã có hướng nghĩ về cộng đồng. Đó là lý do Vi có mặt tại Triêm Tây.

Chúng tôi gặp Tukasz tại một khoảnh đất bên rìa Triêm Tây, khi anh đang cùng các cộng sự đi nhặt lá về để ủ phân, công việc có vẻ khẩn trương và vì thế, cuộc nói chuyện trở nên gọn gàng. Trong khu vườn cộng đồng, Bphu đang kiểm tra lại mọi thứ trước khi bắt đầu công việc. Chị có tên chính xác là Piangruthai Kiatchonnavi, vốn là một giáo viên dạy tiếng Anh và trước khi đến Việt Nam, Bphu đã từng đi qua các nước như Malaysia, Lào, Campuchia… Chị nói say sưa về công việc của mình, ánh mắt đầy tươi sáng. Triết lý làm vườn của chị, là thuận theo tự nhiên, như trước đây người nông dân vẫn làm. Đó là không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, mà dùng phân hữu cơ.

Để có phân hữu cơ, chị phải đi khắp nơi ở Triêm Tây để nhặt lá khô, rồi ủ cùng phân chuồng. Tôi quan sát, khu vườn trồng rất nhiều loại rau, củ, quả khác nhau. “Điều đó thật cần thiết, vì chúng sẽ hỗ trợ cho nhau về giữ ẩm, cung cấp chất dinh dưỡng cũng như tiêu diệt sâu bọ” - Bphu giải thích. Rồi chị đến bên một chậu nước tương đối vừa, với tay vớt một ít bèo mà chị mang từ Thái Lan sang. Chị giới thiệu loại bèo này rất tốt để làm vườn khi chỉ cần vớt lên và ném chúng vào gốc cây làm phân được. Chưa hết, loại bèo này còn là thức ăn cho gia cầm như gà, vịt và ở Thái Lan cũng như một số nước khác, nó còn là thức ăn của con người. Số bèo này, chị đang trồng thử nghiệm trước khi nhân ra với quy mô lớn hơn.

Bphu khẳng định, nhiệm vụ của chị là dạy cho người dân Triêm Tây cách làm vườn bền vững, tất cả không dùng đến thuốc hay phân bón hóa học. Trên tư tưởng chủ đạo ấy, trong khoảnh vườn có diện tích 1.000m2, Bphu đào nhiều hồ chứa nước, rồi múc nước từ các hồ nhỏ này để tưới rau, thay vì bơm trực tiếp từ giếng lên. Làm cách này, giúp rau tránh bị hư hại bởi lực tưới trực tiếp từ máy bơm; việc phân bố nhiều hồ nước nhỏ khắp vườn, giúp điều hòa nhiệt độ, duy trì độ ẩm ổn định cần thiết cho cây.

3.Tạm biệt Bphu, tôi và Vi tiếp tục lang thang trên những nẻo đường xanh rợp màu lá. Vi tâm sự với tôi về kế hoạch của mình, trước mắt là trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, sau đó sẽ mang những điều mình học được đến nhiều nơi khác. Vi nói đầy hăng say, và thi thoảng, “lơ” mất lời chào của người dân, rồi giật mình ríu rít. Gia nhập GYC, sống ở Triêm Tây, Vi trở nên chín chắn hơn và vốn tiếng Anh phát triển vượt bậc. Tại Triêm Tây, GYC luôn duy trì thường xuyên khoảng 6 thành viên chủ lực, và mỗi đợt vài tháng, nhóm tuyển thêm thành viên. Tất cả nhanh chóng hòa đồng, được cư dân địa phương thương yêu, xem như hàng xóm.

Tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị Biên, khi bà xếp lại khung cửi, sau khi dệt chiếu cho khách du lịch xem, rồi cười giòn tan, khi nghe tôi hỏi về GYC. Bà không làm vườn, nên không hiểu nhiều công việc của Tukasz hay Bphu. Song bà quả quyết rằng, những người trẻ ở đây như người bạn thân thiết của Triêm Tây. Rồi ký ức đưa bà về những thành viên “thời vụ” trước đây của GYC, dù tạm xa nhau, nhưng những ánh mắt, nụ cười còn đọng lại đâu đấy trên lóng tre kẽo kẹt. Và để… kiểm chứng tình cảm đặc biệt này, tôi thăm nhà ông Dương Phán. Qua hàng rào xanh đầy quyến rũ, ông cười khà khà, vỗ đùi hào sảng đặc chất Quảng: “Mấy đứa đó tội, tôi thương kinh lắm. Chẳng biết chúng làm gì, mà lũ trẻ theo miết, mà ngoan lắm…”.

Bất chợt, trong đầu tôi có ý niệm xếp lại, hoặc đơn thuần là xâu chuỗi lại những hình ảnh mình đến Triêm Tây trước đây. Khi ấy, tôi lắng nghe ông Nguyễn Yên - Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Triêm Tây say sưa nói về những kế hoạch sắp sửa, tựa hồ đợi cái chuyển mình đầy tích cực, kéo theo bao hy vọng của người dân nơi đây. Cái công-cuộc-chuyển-mình ấy, đầy dấu ấn của GYC, mà tôi gọi là những người bạn ở Triêm Tây. Bây giờ, vườn cộng đồng của hợp tác xã do GYC hướng dẫn, đã lên xanh và cũng được vài bận thu hoạch, chuẩn bị mở rộng ra. Cánh đồng bên cạnh, bỗng rơi lại tiếng cười đùa. Tôi ngước nhìn, những cánh diều dần vượt tầm lũy tre, bay cao vút trên bầu trời. Ở dưới, trên đồng cỏ xanh rì, những người trẻ, những bạn ở Triêm Tây, chung tay gửi gắm bao ước mơ, khát vọng…

Ghi chép của LÊ XUÂN THỌ

Ghi chép của LÊ XUÂN THỌ