Thung lũng Kà Lừm

ĐÌNH HIỆP 30/04/2016 11:30

Cách trung tâm huyện Tây Giang, Quảng Nam khoảng 200km về phía đông, cách trung tâm tỉnh Sê Kông 100km phía tây, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) như lòng chảo rộng lớn được bao bọc bởi các dãy núi cao, hùng vĩ.

Chúng tôi có dịp sang thăm Kà Lừm và đúng dịp đồng bào nơi đây chuẩn bị đón Tết Bunpimay (lễ hội năm mới). Con đường đất đỏ bazan chạy quanh co men theo sườn núi dựng đứng. Cái nắng tháng 4 như đổ lửa và cả những đợt gió nồm khô khốc, từng lớp bụi bám dày thành xe. Chỉ có những chiếc xe bán tải, 2 cầu mới có thể đi được đường này vì nó “khỏe” và che chắn bụi tốt, nếu đi xe U oát chắc không ai nhận ra ai. Sau 3 tiếng đồng hồ chúng tôi có mặt tại trung tâm huyện.

Thung lũng Kà Lừm nhìn từ trên cao.
Thung lũng Kà Lừm nhìn từ trên cao.

Kà Lừm là một trong 47 huyện nghèo nhất nước Lào, dân số hơn 17 nghìn người với 4 dân tộc anh em (Lào Lùm, Cơ Tu, Kriêng và Tà Ôi). Người dân ở dây hiền hòa mến khách. Đa số họ làm nghề nương rẫy, chưa quen với trồng lúa nước, số ít thì buôn bán. Trước đó, nơi đây là khu đất hoang vu, thưa thớt vài hộ dân. Nhưng từ khi có chủ trương di dân, đưa dân từ sống rải rác ở 51 bản về sinh sống tập trung thì nơi đây trở nên sầm uất. Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng một cách bài bản với khuôn mẫu chung. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng mới, có cả bãi đáp cho máy bay trực thăng.
Ông Boun Lay Bút La Vông, Bí thư Huyện ủy, Huyện trưởng huyện Kà Lừm cho biết: “Trước kia trung tâm huyện lỵ cũ nằm gần sông Mê Kông, khoảng 70km. Theo chủ trương của Chính phủ Lào, đã xây dựng mới trung tâm này nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng tây Sê Kông và đưa người dân về sinh sống vì đa số người dân ở đây sống du canh du cư phát nương làm rẫy, nên khó quản lý, đói nghèo triền miên. Trung tâm mới này do các doanh nghiệp Lào và cả Việt Nam đầu tư xây dựng trên diện tích gần 100ha. Mỗi hộ dân về được cấp nhà, hỗ trợ lương thực. Nhà ở đây xây dựng theo mẫu nhà sàn truyền thống, dưới bê tông, trên gỗ, mái lợp tôn. Nơi đây có trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, trung tâm y tế và khu chợ tập trung”.

Tết Bunpimay cầu năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng.
Tết Bunpimay cầu năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng.

Đa số buôn bán là người Lào Lùm, một số ít thương nhân là người Việt đến từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sang. Người Việt đến đây chủ yếu mở quán ăn, quán cà phê.  Mặt hàng buôn bán ở chợ là hàng nông sản đặc trưng của núi rừng như măng rừng, ớt, thịt rừng khô, các loại rau  và các hàng hóa được sản xuất từ Thái Lan và Việt Nam. Người Lào dùng tiền kíp, ngoài ra họ còn dùng đô la Mỹ, tiền Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một quán phở cho biết đa số quán ăn đều do người Việt quản lý, vì món ăn Việt ngon và đa dạng nên nhiều người thích như phở, bún, cơm... Người Lào thường quen ăn xôi với món lạp truyền thống nên quán của họ cũng không phong phú món ăn lắm.

Năm 2015, Huyện Tây Giang đã vận động được hơn 1,5 tỷ đồng Quỹ nghĩa tình bên giới để giúp huyện Kà Lừm xây dựng trường học, san ủi mặt bằng định cư. Hàng năm huyện Tây Giang trích một phần gạo hỗ trợ thiên tai của tỉnh để hỗ trợ cho bạn. Các Đồn biên phòng A Xan, Ga Ri, A Nông hỗ trợ 35 triệu đồng cho nhân dân các bản giáp ranh trong dịp lễ tết, hay cứu đói giáp hạt, làm 2 ngôi “nhà hữu nghị” (mỗi nhà trị giá 60 triệu đồng) cho gia đình chính sách (Lào). Phòng Giáo dục và đào tạo huyện hỗ trợ 5 nghìn cuốn vở, 7.030 hộp bút trị giá hơn 30 triệu đồng cho học sinh các bản giáp ranh. Trung tâm Y tế huyện khám chữa bệnh nội trú và hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại cho 695 lượt bệnh nhân (Lào) với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng...

Không giống như Việt Nam, người Lào đón năm mới muộn hơn, Tết Bunpimay của họ tổ chức từ ngày 12 đến 16.4. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc của ngày hội vui thực thụ. Trong dịp tết họ tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay và té nước thể hiện lòng mến khách đối với bạn bè của người Lào. Chị Mom Kẹo Sam Si cho biết “buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn đó là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người. Trong vòng ba ngày người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lý do gì”.

Một nét đặt trưng của Tết Bunpimay là tục Hốt Nậm (tục té nước). Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu để “tắm” cho du khách và cho nhau. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Tết cổ truyền Bunpimay của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng nhánh cây nhúng nước và cả những “ca” nước dội lên khắp người.

Đặc biệt trong không khí vui vẻ này không thể thiếu được điệu múa lăm vông... Với người Lào lăm vông như nước để uống, cơm để ăn. Lên 5 tuổi họ đã bắt đầu biết múa. “Lăm” là múa, “vông” là hình tròn, múa di chuyển theo hình tròn. Lời ca trong lăm vông được phổ từ những bài hát dân gian Lào như Tăng Vi, Khắp Thùng, Lăm xa ra van... Qua bao thăng trầm của thời gian, lăm vông vẫn giữ nguyên màu sắc dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân Lào.

Rời Kà Lừm trong cái nắng và gió lào khô khốc, mọi người không quên chúc nhau “Sâm bo đi pimay” (Chúc mừng năm mới!).

ĐÌNH HIỆP

ĐÌNH HIỆP