Sức hút từ khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam
Hãng tin Reuters (Anh) vừa có bài viết về sức hút đầu tư từ tài năng, trí thức trẻ Việt Nam, đặc biệt trong mô hình khởi nghiệp công nghệ cao.
Hoạt động khởi nghiệp (start-up) đang bùng nổ tại Việt Nam, nơi có nguồn lao động trí thức trẻ rất nhiệt tình và say mê với mô hình này. Cách đây 3 năm, một mô hình khởi nghiệp kiểu mới rất thành công của Nguyễn Hà Đông với chú chim Flappy Bird bay lượn, một trò chơi đầy sáng tạo với trí tưởng tượng cao đã gây xôn xao cộng đồng mạng và cả truyền thông quốc tế. Cuối năm 2015, Tổng Giám đốc điều hành Google (Mỹ) nổi tiếng toàn cầu Sundar Pichai đến Việt Nam. Đặc biệt, Pichai có cuộc trao đổi ngắn với Hà Đông tại Hà Nội mà ông chia sẻ trên mạng xã hội Twitter sau chuyến đi rằng, đó là một nơi tuyệt vời có thể sản sinh ra thế hệ lập trình viên tài năng tiếp theo. Một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam là lực lượng lao động rẻ và là thành viên của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng nhiều thỏa thuận thương mại tự do khác.
Sinh viên Việt Nam trong lớp học ngoại ngữ, phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp. (Ảnh: techinasia.com). |
Từ đầu năm 2016, nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến với khởi nghiệp Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư. Vào tháng 3 vừa qua, 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ từng có kinh nghiệm đầu tư tại thung lũng silicon công bố quyết định sẽ lập riêng một quỹ trị giá 10 triệu USD cho khoảng 100 - 150 dự án khởi nghiệp Việt Nam. 500 Startups do Dave McClure - doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng ở vịnh San Francisco sáng lập. 500 Startups tại Việt Nam do Trần Quốc Bình - người đồng sáng lập công ty phân tích ảnh hưởng trên truyền thông và mạng xã hội Klout và Eddie Thai - cựu Giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam quản lý. Cả hai đều là người gốc Việt, có thời gian dài sinh sống và làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ.
Theo Reuters, mỗi năm có khoảng 1.000 công ty khởi nghiệp được thành lập tại Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực thương mại điện tử với doanh thu tăng 35%, khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015. Trong đó, đầu tư nước ngoài sẽ tham gia giúp cộng đồng khởi nghiệp được phát triển mạnh mẽ hơn. Cũng trong tháng 3 vừa qua, Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs rót 28 triệu USD vào Công ty cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo cho Việt Nam. Vào năm 2013, Goldman Sachs đầu tư 5,75 triệu USD cho MoMo. Được biết, dịch vụ tiếp thị tự động Beeketing của Trương Mạnh Quân (26 tuổi) - doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công khi gọi được vốn đầu tư từ Singapore, Mỹ, lần này cũng sở hữu một trong những khoản tiền đầu tư dù không lớn của 500 Startups. Reuters ước tính doanh thu năm nay của Beeketing đạt 2 triệu USD, chủ yếu từ các khách hàng ở Mỹ. Mạnh Quân cho biết tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển công ty trong 5 năm, sau đó sẽ bán và có thể trở thành một nhà đầu tư xuất vốn cho chính mình.
Trong khi đó, các công ty hàng đầu thế giới như Tập đoàn điện tử LG của Hàn Quốc, Tập đoàn Panasonic và Toshiba (Nhật Bản) đang mở rộng các dự án nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là trung tâm sản xuất của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại khu vực Đông Nam Á, với số tiền đầu tư lên đến 11,3 tỷ USD. Neil Fraser, kỹ sư phần mềm của Google cho rằng, Việt Nam có lợi thế khi sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính rất đông và kỹ năng cao. Thị trường của khoảng 90 triệu dân với tuổi trung bình 30 cũng là kênh đầu tư tiềm năng cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp. 2016 được xem là năm bùng nổ quỹ dành cho khởi nghiệp với nhiều hy vọng mới cho tri thức trẻ Việt Nam.
QUỐC HƯNG