Những người mê thổ cẩm

SONG ANH 29/04/2016 11:20

Không hẹn mà gặp, họ mang những tinh túy của dân tộc mình đi xa hơn cộng đồng cư trú quen thuộc. Thổ cẩm của người Chăm làng Mỹ Nghiệp, hay thổ cẩm truyền thống Cơ Tu làng Zara, đến với phố thị bởi những con người yêu say đắm bản sắc quê hương.

Nghệ nhân Chăm ở Làng Lụa

Ba người trong một gia đình, đều là những nghệ nhân có tiếng của làng nghề dệt truyền thống Mỹ Nghiệp (Ninh Phước, Ninh Thuận). Họ đến Làng Lụa Hội An bởi lời mời của ông Lê Thái Vũ, chủ nhân nơi này. Nhưng không chỉ đơn giản như vậy. “Ông Vũ nói, chúng tôi hãy xem đây như ngôi nhà của mình. Sinh hoạt và dệt thổ cẩm, như đang ở Mỹ Nghiệp”, ông Quảng Đàm – nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm, chia sẻ. Và những khung cửi dệt truyền thống được chở từ Mỹ Nghiệp về Hội An. Những tấm vải thổ cẩm không lẫn với bất cứ sản phẩm lụa nào khác. Một thế giới của sắc màu với sự tan hòa của đất trời, gió trăng…, thể hiện trong những hoa văn đầy kiêu sa. Gần như từng công đoạn cho ra đời một sản phẩm thổ cẩm truyền thống đều từ đôi bàn tay người thợ. Từ việc tạo hoa văn bằng những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt. Hay câu chuyện phải tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống... mới cho ra được một vuông thổ cẩm nhiều màu. Ông Quảng Đàm nói, thổ cẩm của người Chăm không giống với các sản phẩm thổ cẩm của nhiều dân tộc khác. Với 2 màu chủ đạo là đen và đỏ, các kiểu hoa văn đều được biến tấu từ những khối hình học cơ bản, và cách điệu thành những hình ảnh đặc trưng văn hóa của họ. “Hoa văn trên trang phục của người Chăm thể hiện tầng lớp địa vị của người mặc. Riêng với nghề dệt thổ cẩm thì theo kiểu mẹ truyền con nối và là một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (bà tổ quê hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm: phải thông thạo nghề dệt” - ông Quảng Đàm nói.

Nguyễn Thị Kim Lan tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ.  Ảnh: LLHA
Nguyễn Thị Kim Lan tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ. Ảnh: LLHA

Mang cả gia đình “di cư” ra xứ Quảng, nghệ nhân Quảng Đàm nói, phần vì lời “rủ rê” của người con trai đang làm việc tại Quảng Nam, nhưng phần lớn hơn, muốn thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình có nhiều người mê hơn. Mê và chọn nó làm một sản phẩm lưu niệm mang về sau mỗi chuyến đi. Mỗi tháng 2 lần, ông về Mỹ Nghiệp, chọn những sợi chỉ màu đã được bà con ở quê nhuộm thô, và mang về Làng Lụa Hội An. Cùng với vợ là nghệ nhân Đàng Thị Tình, và người em Đàng Thị Muốn, ba nghệ nhân Chăm đang nuôi ước mơ đưa sản phẩm thổ cẩm của Mỹ Nghiệp đi xa hơn địa phương nơi họ cư trú. Khách đến Làng Lụa khoảng chừng hơn 2 năm nay cứ bị cuốn vào khung cửi thủ công cùng những thanh âm lách cách đưa thoi đến từ gian nhà của những nghệ nhân Chăm này. Lặng lẽ cả ngày bên khung dệt, vừa làm ra những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, vừa để du khách biết từng công đoạn thủ công mà người Chăm phải làm khi cho ra một thành phẩm. Không diễn đạt dông dài những ý niệm về văn hóa của tộc người mình trên mỗi sản phẩm thổ cẩm, nhưng cách họ cặn kẽ chỉ với từng du khách về mỗi loại hoa văn, đủ biết tinh thần và nhiệt huyết họ dành cho vốn quý của dân tộc mình.

Đưa Zara sang nước ngoài

Mang lụa Ấn về xứ Quảng
Nayaz Dewani, một ông chủ người Ấn Độ vừa mang những vuông khăn từ dòng lụa Cashmere mở một cửa hàng tại Đà Nẵng. Và chính người đàn ông này đã tìm tới Làng Lụa Hội An đặt hàng về một gian trưng bày tại đây. Nayaz nói muốn gia nhập vào “cộng đồng” sản phẩm truyền thống của Việt Nam tại Hội An. Và người Ấn cũng đang muốn tiến sâu vào thị trường Đông Á, bằng những giá trị văn hóa đặc sắc của họ. Giá thành tương đối cao, còn Nayaz thì cho rằng, “không nên trả giá với những sản phẩm truyền thống”. Và dòng lụa Cashmere giữ được tiếng tăm đến tận bây giờ, không chỉ nhờ vào bản lĩnh văn hóa của người Ấn. Nayaz chia sẻ, cách kinh doanh với những sản phẩm thủ công của người Ấn rất đặc biệt, đó là họ sẽ gắn vào mỗi sản phẩm một truyền thuyết. “Khi bạn mua một thức hàng truyền thống, nghĩa là bạn đã sở hữu cả một kho tàng kỳ bí về chính nền văn hóa đó” - Nayaz nói. Dĩ nhiên, cách “buôn bán” như vậy đáng để người Việt học tập.

Nguyễn Thị Kim Lan, người phụ nữ Cơ Tu dũng cảm và đủ hiểu biết để nhận ra rằng, thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình cần phải được “xuống núi”. Và một cuộc đi ngoạn mục từ làng Zara (Ta Bhing, Nam Giang) ra đến Đà Nẵng, Tam Kỳ… đã được thực hiện hơn 10 năm trước. Khi ấy, người phụ nữ Cơ Tu này vừa lặn lội một mình tìm thị trường cho sản phẩm, tự học những cách thức tiếp thị và tìm cách vận động các chị em phụ nữ quay trở lại với khung dệt truyền thống, vốn dĩ đã bị “xếp xó”. Những động thái tích cực của người phụ nữ này phần nào đó đã có tác dụng. Năm 2003, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) tài trợ cho chính quyền huyện Nam Giang một khoản kinh phí để khôi phục lại làng nghề truyền thống. Và Zara của Nguyễn Thị Kim Lan đã được chọn bởi những nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm khởi đầu từ người đàn bà này.

Tại Lễ hội Tơ lụa châu Á tổ chức ở Làng Lụa Hội An hồi cuối tháng 3 này, gian hàng dệt thổ cẩm Cơ Tu của HTX Dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu – Zara thu hút rất đông người ngoại quốc đến chiêm ngưỡng và tham gia trao đổi. Nguyễn Thị Kim Lan nói: “Chúng tôi, những phụ nữ Cơ Tu tiếp tục nỗ lực vì một tương lai tốt hơn cho chính mình, cho con em mình và cho cộng đồng mình”. Khởi đầu từ ý nguyện khôi phục lại nghề dệt của đồng bào mình, và tiếp tục phát triển với nghề truyền thống, chị Lan cùng những người cộng sự của mình đã nhận được những phản hồi tích cực. Thổ cẩm Zara không bó buộc ở những vuông vải truyền thống, mà đã có thêm nhiều sản phẩm ứng dụng với mẫu mã không thua kém các mặt hàng thời trang truyền thống của nhiều dân tộc khác. Các loại túi xách, vật dụng trang trí trong nhà… đều được các chị biến tấu bằng thổ cẩm. Và những hoa văn cùng sắc màu Cơ Tu đã theo chị Lan đến nhiều gian hàng triển lãm, từ Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội và bây giờ, thổ cẩm Zara đã có mặt tại Nhật Bản, Mỹ, Úc. Và dĩ nhiên, giá tính bằng USD. Bây giờ, không còn chỉ là câu chuyện của bảo tồn và ổn định kinh tế, mà đã tự tin nói rằng, thổ cẩm Zara trở thành một mặt hàng xuất khẩu.

Và người đàn bà Cơ Tu đã làm nhiều hơn những phần việc mà một phụ nữ Cơ Tu bình thường làm được. Nhưng chị, vẫn giản dị ở sắc phục của đồng bào mình trong mỗi cuộc triển lãm, hàng ngày cùng hơn 50 chị em của làng tỉ mẩn bên khung dệt, mỗi tối thêm vài tiếng học ngoại ngữ, để biết “trả lời người nước ngoài về bản sắc của đồng bào mình ở mỗi sản phẩm truyền thống Zara”.

SONG ANH

SONG ANH