Công bố các "điểm đen" ô nhiễm
Tại hội nghị công bố kết quả quan trắc môi trường năm 2015 vào chiều 26.4, ngành tài nguyên - môi trường cho biết, đã có nhiều nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường ở các “điểm đen”, nhưng ở các dòng sông, con suối, khu công nghiệp... vẫn báo động ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép.
Những dòng sông nhiễm độc
Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các nhà máy thủy điện ngoài làm biến dạng địa hình, còn ngăn dòng làm cạn kiệt dòng chảy từ các nhánh sông lớn nhỏ. Kèm theo đó, ở thượng nguồn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, lén lút sử dụng hóa chất thủy ngân, cyanua đã biến nhiều dòng sông đục ngầu do nhiễm chất độc. Sông Bồng Miêu đoạn chảy qua xã Tam Lãnh (Phú Ninh) nhiều năm nay quanh năm đục ngầu không phải do lượng phù sa từ thượng nguồn đổ xuống mà từ hệ lụy tận thu vàng. Từ năm 2014, nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm dầu mỡ, cyanua vượt ít nhất hơn 5 lần cho phép, ô nhiễm coliform vượt 1,8 lần. Kết quả quan trắc năm 2015 cho thấy dòng sông này bị ô nhiễm dầu mỡ, chì (Pb), chất rắn lơ lửng còn cao hơn trước đây. Đặc biệt, nguồn nước bị nhiễm bẩn một cách bất thường bởi lượng Pb (100% mẫu xét nghiệm đều vượt giới hạn cho phép, giá trị hàm lượng có thời điểm cao gấp 3,6 lần so với năm 2014). Cách đó không xa, sông Trường đoạn qua xã Sông Trà (Hiệp Đức), nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng và Pb. Điều đáng lo, mức độ ô nhiễm Pb tại sông Trường năm 2015 vượt hơn 13 lần mức độ bình thường, nghĩa là cao nhất trong các sông thuộc hệ thống Vu Gia - Thu Bồn; năm 2014 chỉ vượt 1,8 lần. Dòng sông Tranh hợp lưu với sông Nước Oa tại xã Trà Đốc (Bắc Trà My) cũng bị nhiễm chất rắn lơ lửng.
Nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn bị ô nhiễm do tình trạng khai thác khoáng sản. Ảnh: T.H |
Tình trạng ô nhiễm chất sắt chủ yếu xảy ra tại sông Thanh, sông Bến Giằng, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Đại Lộc), sông Thu Bồn tại huyện Nông Sơn, điểm Giao Thủy và sông Bà Rén. Đỉnh điểm của ô nhiễm tập trung vào các tháng mùa kiệt từ tháng 5 - 8 và hai tháng 10 và 11. Hàm lượng chì ở sông Bồng Miêu và sông Trường đều vượt giới hạn quy định. Qua quan trắc, các mẫu đều vượt ngưỡng từ 2,4 đến 8 lần. Sông Vĩnh Điện phía trên và dưới cống thải của Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tiếp tục tái diễn nhiễm bẩn dầu mỡ, coliform. Theo Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, môi trường dưới đất, đặc biệt chất hữu cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ số COD (nhu cầu oxy hóa học - lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, thị trấn Núi Thành, xã Tam Quang và xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đều không đảm bảo. Đáng lưu ý, ô nhiễm COD tại khối 3 thị trấn Núi Thành vượt giới hạn từ 4,8 đến 15,7mg/l. Quan trắc 8/8 điểm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều có hàm lượng amoni vượt giới hạn. Trong đó cao nhất tập trung ở các điểm Khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai và Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.
Cần tăng thêm các điểm quan trắc
Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Hội An cho biết, mỗi năm thành phố bỏ ra 1 tỷ đồng để quan trắc môi trường vào mùa mưa và mùa khô. Năm 2015, địa phương quan trắc 71 điểm, chủ yếu ở các khu vực nhạy cảm về môi trường. Tuy nhiên theo ông Hiền, so với thực tế thì các điểm quan trắc vẫn còn khá khiêm tốn, nên các giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường vẫn chưa quyết liệt, đồng bộ. Tại vùng biển, hiện nay các cơ quan chức năng, chính quyền vẫn còn lúng túng khi quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hiệu quả cũng như quản lý nuôi tôm trên cát ven biển. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, tài nguyên nước ngày càng bị khai thác, sử dụng lãng phí và chất lượng đi xuống. Việc tích nước của các hồ thủy điện vào mùa khô, xả lũ vào mùa mưa kết hợp tàn phá rừng là nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô, gây ra các nguy cơ lũ quét, ngập úng ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt người dân.
Ngoài các “điểm đen” ô nhiễm, một số nơi chất lượng môi trường được cải thiện tích cực. Chuyển biến rõ nhất là sông Bung đoạn qua địa phận huyện Nam Giang không bị ô nhiễm. Sông Tam Kỳ không bị ảnh hưởng bởi kim loại nặng, các chất nitrat và phosphate. Phần lớn các mẫu quan trắc ở sông Trường Giang có độ pH ổn định, không bị ảnh hưởng chất rắn lơ lửng; hàm lượng cyanua và các kim loại nặng đều ở mức thấp hoặc không phát hiện. Đến thời điểm này, qua quan trắc không phát hiện thấy dư lượng chất bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm trong nguồn nước. Hầu hết thông số hóa lý, vi sinh, chất hữu cơ, dầu mỡ và kim loại tại các khu vực cảng biển, cửa sông đều có giá trị, nồng độ nằm trong ngưỡng cho phép. Nước biển ven bờ đạt chất lượng theo quy chuẩn. Theo các huyện Núi Thành, thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, mặc dù môi trường được cải thiện đáng kể, tần suất quan trắc tăng nhưng vẫn còn hạn chế trong xây dựng các trạm quan trắc tự động cho một số khu vực trọng điểm, vùng nhạy cảm có khả năng bị ô nhiễm môi trường cao. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh cho rằng, số liệu quan trắc được xem là đầu vào cho công tác bảo vệ môi trường, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội nên phải sử dụng, chia sẻ kịp thời thông tin số liệu quan trắc cho các ban ngành, địa phương. Từ đó đề xuất những giải pháp bảo vệ môi trường bền vững.
TRẦN HỮU