Ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng

NGUYỄN DƯƠNG 29/04/2016 08:58

Việc sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng khiến người tiêu dùng dễ bị các chứng ngộ độc thực phẩm. Để rõ hơn về điều này, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam).

PV: Thưa bác sĩ, thực phẩm bẩn sẽ gây tác hại như thế nào đối với người sử dụng?

Tác hại dễ thấy là có thể bị ngộ độc. Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm bởi nó có khả năng gây tử vong cao nếu không được xử lý kịp thời. Nhẹ thì cũng khiến cho người bệnh suy nhược cơ thể trong một thời gian khá dài. Những chất độc còn tồn dư trong máu sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hoặc gây suy thận cấp. Nếu không được xử lý kịp thời thì có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Các biến chứng của ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm với những người phụ nữ đang mang thai. Bên cạnh đó, một số chủng E.coli trong ngộ độc thực phẩm có thể gây ra một biến chứng nghiêm trọng gọi là hội chứng u rê tán huyết. Hội chứng này thường gây tổn thương nội mạc của các mạch máu nhỏ trong thận, đôi khi dẫn đến suy thận. Những người lớn tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ phát triển biến chứng này.

PV: Gần đây, các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh có gia tăng?

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, trong năm 2015 bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 8 ca ngộ độc thực phẩm. Riêng 3 tháng đầu năm 2016 đã có 4 ca ngộ độc thực phẩm. Bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong, tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, cần cẩn trọng hơn với những hiểm họa từ thực phẩm bẩn bởi nó có những độc tố có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh chỉ xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là sử dụng bánh mỳ tại xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn) làm 68 người bị ngộ độc. Rất may không xảy ra tử vong.

Thực chất mà nói thì tăng đột biến là không có, nhưng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp hơn. Điều này cũng do nhiều yếu tố nhưng tập trung nhiều nhất ở 4 nguyên nhân: chất lượng, bảo quản, chế biến và sử dụng sản phẩm.

Hiện nay, vì lợi ích kinh tế, nhiều người sử dụng các hóa chất độc hại để bảo quản sản phẩm khiến người sử dụng có thể bị ngộ độc thực phẩm do gặp phải chất độc. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thực phẩm vì nhiều lý do, chủ yếu là do người dân sử dụng những thực phẩm không đảm bảo an toàn.

PV: Cần phải làm gì khi gặp các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm?

Người dân hiện nay vẫn rất chủ quan với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, thường thì họ tự xử lý, chỉ đến khi các triệu chứng gia tăng nặng thì mới chịu nhờ đến sự can thiệp của y tế.

Ngộ độc thực phẩm nếu nhanh thì chỉ khoảng 5 - 10 phút sau khi ăn, chậm thì vài tiếng sau, nhưng giống nhau ở chỗ người bệnh sẽ bị tiêu chảy, chóng mặt và sốt nhanh và rất cao. Khi thấy những triệu chứng này, người dân cần chủ động gây nôn để đưa những thức ăn có độc tố ra ngoài, đồng thời uống nhiều nước có các chất khoáng để bù nước và những chất đã bị mất. Sau khi tự xử lý, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để có sự can thiệp kịp thời.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG