Những thảm họa môi trường lịch sử

NAM VIỆT 28/04/2016 10:38

Ngày 26.4 đánh dấu tròn 30 năm xảy ra thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất thế giới tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraine. Thành phố Pripyat giờ chỉ còn là một tàn tích.

Sự việc xảy ra khi lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl bất ngờ phát nổ. Trong nghiên cứu về thảm họa công bố năm 2016, tổ chức Greenpeace viết: Thảm họa Chernobyl đã gây ra thiệt hại không thể đảo ngược với môi trường và hậu quả đó sẽ còn dai dẳng trong hàng ngàn năm nữa. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người xảy ra việc một lượng lớn đồng vị phóng xạ có thời gian phân rã rất lâu bị thải ra môi trường chỉ trong một sự cố riêng lẻ như vậy”. Theo ước tính, lượng phóng xạ từ tai nạn này tương đương 400 quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa, đến nay thành phố Pripyat vẫn chưa thể có dân cư sinh sống như bình thường. Những vùng đất nằm cạnh Chernobyl vẫn sẽ còn bỏ trống trong ít nhất 3.000 năm nữa vì mức độ nhiễm độc phóng xạ rất cao. Đó thực sự là những bằng chứng rõ ràng cho thấy những nguy hiểm lâu dài của năng lượng hạt nhân trong trường hợp xảy ra sự cố. Thảm họa Chernobyl 1986 ở Ukraine là một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về các hậu quả thảm khốc tiềm ẩn của một sự cố hạt nhân. Lịch sử thế giới từng chứng kiến nhiều thảm họa môi trường xảy ra cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

Ngôi làng Krasnopole bị bỏ hoang nằm trong vùng cách ly 30km xung quanh Chernobyl.
Ngôi làng Krasnopole bị bỏ hoang nằm trong vùng cách ly 30km xung quanh Chernobyl.

Vào tháng 4.1935, người dân miền nam vùng Great Plains, bang Texas của Mỹ bàng hoàng gánh chịu hậu quả từ những cơn lốc bụi thảm khốc, sau nhiều năm hạn hán nghiêm trọng. Không những hệ sinh thái, nông nghiệp ở Great Plains bị tàn phá, động vật hoang dã, vật nuôi chết la liệt mà hàng trăm người dân cũng tử vong do hít phải khói bụi, nhất là bị tổn thương phổi. Tương tự, cơn bão khói bao trùm thủ đô Luân Đôn của Anh khi người dân dùng than đá để sưởi ấm mùa đông khắc nghiệt tháng 9.1952. Hậu quả đau lòng là khoảng 4.000 người tử vong và hơn 100 nghìn người ngã bệnh liên quan đến đường hô hấp ngay thời gian đó. Một nghiên cứu và thống kê gần đây cho thấy cơn bão khói gây nên cái chết cho 2.000 người tính đến những năm sau đó.

Vào năm 1956, cư dân thành phố vùng duyên hải Minamata của Nhật Bản bị chấn động mạnh bởi một căn bệnh lạ khủng khiếp nhất. Qua điều tra, các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện tập đoàn Chisso tại đây xả nước thải nhiễm thủy ngân ra biển Minamata từ nhiều năm trước, khiến tôm cá chết hàng loạt, người dân ăn cá bị nhiễm độc gây co giật, tê liệt, đau đớn, tử vong hay sinh ra thế hệ dị tật. Các bác sĩ thông báo hệ thần kinh trung ương của các bệnh nhân đều bị tổn thương. Căn bệnh này sau đó được gọi là bệnh Minamata, khiến 2.265 người mắc bệnh trong đó có 1.784 người chết. Nhưng mãi đến năm 1968, Chính phủ Nhật mới chính thức công nhận bệnh Minamata. Đồng thời Chisso ngừng đổ chất thủy ngân ra vịnh Minamata và phải bồi thường hàng triệu đô la cho các nạn nhân.

Thảm họa công nghiệp Bhopal xảy ra tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của tập đoàn  Union Carbide ở Bhopal, Ấn Độ vào ngày 3.12.1984 do rò rỉ khí độc, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ sau sự số, 42 tấn chất độc chứa trong bình khí nén để tại hầm ngầm đã chảy ra hết. Cho dù tập đoàn Union Carbide bồi thường gần 500 triệu USD cho các nạn nhân và 8 bị cáo liên quan tới thảm kịch trên bị kết án, nhưng tàn dư, ám ảnh của vụ việc như còn đeo bám cuộc sống của người dân Bhopal cho đến ngày nay.

NAM VIỆT

NAM VIỆT