Khuyến thiện - chuyện cũ và mới
Tìm hiểu ý nghĩa từ những di vật xưa để đẩy mạnh chủ trương khuyến thiện, tạo nền tảng xây dựng Hội An là thành phố văn hóa.
Gìn giữ giá trị xưa
Đến thăm ngôi nhà số 117 đường Trần Phú, cùng vẻ cổ kính của một di tích trong quần thể kiến trúc của Đô thị cổ Hội An, dễ nhận thấy một tấm biển chữ Hán sơn son thếp vàng treo trang trọng giữa nhà. Nội dung 4 chữ đọc là “Tiết hạnh khả phong”, vua ban tháng 5 năm Khải Định thứ 4. Tấm biển có nghĩa là người có tiết hạnh đáng được phong thưởng, dưới biển còn có dòng chữ Hán nhỏ với nội dung: “Ban cho Tạ Thị Yến, quê ở xã Minh Hương, tổng Phú Triêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam”, là người có tiết hạnh nên ban thưởng cho tấm biển này để sử dụng. “Cả trăm năm rồi, chiến tranh, lũ lụt nhưng lúc nào gia đình cũng gìn giữ tấm biển để cháu con trông vào. Gia đình chúng tôi rất tự hào về ông bà của mình” - cháu cố của cụ bà Tạ Thị Yến bày tỏ.
Tấm biển “Tiết hạnh khả phong”. Ảnh: Q.H |
Tại phố cổ Hội An, có thể tìm thấy ít nhất 5 bức biển có nội dung tương tự như trên đang được gìn giữ và bài trí trang trọng như báu vật của gia đình, tộc họ. Đó là những tấm biển cổ xưa, được các đời vua triều Nguyễn ban tặng nhằm biểu dương những người con có hiếu, những người yêu việc nghĩa. Nhà số 43 đường Trần Phú có tấm biển “Hiếu nghĩa khả phong” cũng sơn son thếp vàng được vua ban cho ông Trịnh Lân vào đời Tự Đức (1847 - 1883) năm thứ 33 nhằm tôn vinh người yêu việc nghĩa. Tại ngôi nhà số 22 đường Nguyễn Thái Học cũng có tấm biển với nội dung tương tự.
Trực tiếp khảo sát, nghiên cứu những tấm biển khuyến thiện này, ông Ngô Đức Chí - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Việc lưu giữ các tấm biển khuyến thiện của triều đình phong kiến phong cho các dòng họ, các gia đình ở Hội An hiện nay là một di sản văn hóa giúp gìn giữ những hiện vật đồng thời cũng biểu trưng cho những giá trị văn hóa phi vật thể mà cha ông muốn truyền lại cho con cháu. Đó là việc nêu gương những tấm gương tốt trong gia đình, dòng họ và trong xã hội”.
Ngay từ năm 1802, trong các thánh dụ của mình, vua Gia Long đã có các chính sách khuyến khích nhân dân làm việc thiện. Đến năm Minh Mạng thứ 3, Thánh dụ của vua qua “Huấn Địch Thập Điều” ghi rõ: “Bề tôi trung thành với vua, con cái có hiếu với cha mẹ, ông bà, con gái biết giữ gìn tiết hạnh, con trai làm việc nghĩa, người dân trong nước phải nên khuyến khích. Từ xưa, nêu cao người có hiếu, biểu dương người liêm chính, là để rèn luyện phong tục của nhân dân, làm cho sáng tỏ giáo hóa...”. Năm 1834, Thánh dụ có đoạn: “Lâu nay, mong các người là cha mẹ, anh em, các người biết dạy dỗ con em, nam giới thì lấy lễ phép ngăn mình làm việc xấu, nữ giới thì dùng trinh tiết để giữ mình, cái tình giữa nam và nữ phải trong sáng, thì đó là phúc lớn của đất nước vậy”. Vì thế, tại Hội An, những người hiếu nghĩa, tiết hạnh đã được ban thưởng những tấm biển mang ý nghĩa biểu trưng như vậy.
Khuyến thiện
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT - Phó ban trực Ban chỉ đạo xây dựng Hội An - TP.Văn Hóa chia sẻ: “Nghiên cứu lại những giá trị cũ, phát hiện những tư liệu khuyến thiện, vấn đề hiếu nghĩa, đức độ trong xã hội xưa là một trong những nội dung mà sắp đến thành phố sẽ nhân rộng phù hợp với tình hình mới bằng nhiều hình thức. Ví dụ như “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” hay là “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”. Bây giờ ta củng cố mối quan hệ ấy bằng cả ý thức tự giác, các hiếu đễ từ thế hệ trẻ và tạo giềng mối xã hội, làm cho con cháu thể hiện được điều đó”.
Xây dựng Hội An - Thị xã văn hóa (nay là Thành phố văn hóa) đã 20 năm qua, các nội dung phát động tại Hội An đã từng bước đi vào từng cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế trong bối cảnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hiện chỉ đạt bề nổi và diện rộng, thiếu độ bền và chiều sâu; các mô hình văn hóa chưa đủ độ mạnh để tác động sâu sắc đến các lĩnh vực khác của đời sống. Cùng với đó, các biểu hiện không văn minh trong kinh doanh dịch vụ, trong giao tiếp ứng xử; tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, nếp sống và các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, làm cho quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội nảy sinh những tiêu cực. Tình trạng xâm hại các di tích, thắng cảnh, môi trường, các công trình công cộng vẫn còn xảy ra; vi phạm pháp luật tăng về số lượng các vụ việc, tính chất và mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn; các băng nhóm tội phạm, hư hỏng trong thanh thiếu niên chưa giảm…
“Chủ trương khuyến thiện của các vua triều Nguyễn cách đây gần 200 năm vẫn còn nhiều nội dung, giá trị phù hợp với các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa hiện nay. Vấn đề là phải chọn lựa nội dung phù hợp với thời đại và nội dung đó phải gắn liền với những việc làm cụ thể, gần gũi của từng cá nhân trong từng gia đình, dòng họ, cộng đồng tại Hội An” - ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
QUỐC HẢI