Đào tạo phát triển bóng đá trẻ: Cần những giải pháp căn cơ
Quảng Nam có đội bóng đang thi đấu tại đấu trường cao nhất cả nước, song sự phát triển của bóng đá trẻ chưa tương xứng. Vì vậy, Sở VH-TT&DL đang cùng với Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam phối hợp tìm kiếm các giải pháp để đưa bóng đá trẻ đi lên.
Thoái trào
Một hình ảnh trái ngược của bóng đá đất Quảng thời gian qua: trong lúc đội QNK Quảng Nam giành quyền lên chơi ở V-League thì bóng đá trẻ không có dấu hiệu phát triển, trái lại còn đang ở thời kỳ thoái trào! Nói điều này bởi lẽ, kể từ sau lứa cầu thủ góp công lớn đưa bóng đá đất Quảng góp mặt ở đấu trường cao nhất cả nước như Văn Việt, Hồng Điệp, Thanh An, Văn Bửu, đã không có bất cứ cầu thủ nào được đôn lên từ tuyến trẻ trong suốt nhiều năm qua. Đã vậy, thời HLV Vũ Quang Bảo, “chất Quảng” của đội bóng vẫn còn khá đậm khi đưa ra sân nhiều cầu thủ Quảng Nam, đáng chú ý Văn Việt là trung vệ số 1, thậm chí có giai đoạn còn là đội trưởng. Đến thời HLV Hoàng Văn Phúc, “chất Quảng” mất dần và đến nay, trong đội hình QNK Quảng Nam không có bất cứ cầu thủ nào được đào tạo từ “lò” Quảng Nam. Có thể nói, câu chuyện bổ sung lực lượng từ tuyến trẻ của bóng đá Quảng Nam giờ đây đã trở thành … “cổ tích”.
Đã không đào tạo được cầu thủ trưởng thành nào đủ đẳng cấp để thi đấu cho đội V-League, ngay cả các đội tuyển trẻ cũng chẳng có được kết quả tốt tại những giải đấu trẻ toàn quốc. Gần như ở bất cứ giải đấu cấp độ đội trẻ nào nhiều năm qua, cái tên Quảng Nam chỉ xuất hiện ở vòng đấu loại rồi… biến mất! Tại giải U19 quốc gia năm 2016 diễn ra cách đây chưa lâu, đội Quảng Nam bất ngờ giành quyền góp mặt ở vòng chung kết sau khi vượt qua vòng bảng. Tuy nhiên, đây là lần hiếm hoi bóng đá đất Quảng để lại dấu ấn ở một giải đấu trẻ. Nói tóm lại, dù có thời gian khá dài nhưng “lò” đào tạo trẻ Quảng Nam chưa bao giờ khẳng định được mình và ngày càng có dấu hiệu đi xuống.
Đội U17 Quảng Nam tại giải U17 quốc gia. Ảnh: T.VY |
Sự yếu kém trong đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, điều mà rất nhiều người dễ thấy nhất là điều kiện tập luyện kém. Cách đây cả chục năm, các cầu thủ trẻ hàng ngày luyện tập trên đường piste thì đến nay vẫn vậy, chẳng có gì khác. Hiện tại, Câu lạc bộ QNK Quảng Nam chỉ có duy nhất sân Tam Kỳ. Đây là sân dùng để thi đấu giải V-League và ưu tiên cho đội QNK Quảng Nam tập luyện hàng ngày. Vì vậy, các đội trẻ phải tập ngoài đường piste, thi thoảng mới được cho vào sân để làm quen sân cỏ. Với bóng đá trẻ, rõ ràng việc không được tập luyện trên sân cỏ đúng tiêu chuẩn thì khó đòi hỏi các cầu thủ được đào tạo có chất lượng chuyên môn tốt, thậm chí còn làm thui chột năng khiếu.
Truyền thống và thương hiệu
Quảng Nam là vùng đất có truyền thống bóng đá, từ Cảng Đà Nẵng rồi đến Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng. Bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng từng có thời “làm mưa làm gió” tại đấu trường vô địch quốc gia, tạo lập thương hiệu với chức vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp 1993 - 1994. Lãnh đạo và người dân Quảng Nam cũng nổi tiếng là những người yêu mến và cổ vũ cuồng nhiệt. Lợi thế đó đã giúp cho bóng đá của 2 địa phương sau khi chia tách đến giờ này đều đang có đội bóng thi đấu tại giải đấu cao nhất cả nước là SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam. Dù vậy, công tác đào tạo bóng đá trẻ của Quảng Nam vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của bóng đá đỉnh cao. Sau khi chuyển giao cho doanh nghiệp Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam quản lý, nguồn lực đầu tư có thuận lợi hơn nhưng không vì thế mà đào tạo bóng đá trẻ được quan tâm hơn. Theo ông Nguyễn Húp - Giám đốc điều hành Câu lạc bộ QNK Quảng Nam, lực lượng trẻ hiện nay gồm 3 đội là U13, U15 và U21 với 70 vận động viên, tất cả đều là con em Quảng Nam. Các em đều được cấp trang phục, dụng cụ tập luyện, hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng. Tuy nhiên, nguồn lực vận động viên cung cấp cho hệ thống đào tạo trẻ chưa được rộng rãi khiến cho lực lượng bị hạn chế nhiều mặt.
Đội bóng xứ Quảng nhưng lại không có cầu thủ Quảng Nam nào trong đội hình dẫn đến giảm sức hút đối với người hâm mộ cũng như tính “chiến đấu” của cầu thủ. Trước thực trạng trên, việc hoạch định chính sách phát triển bóng đá trẻ là yêu cầu cần thiết đối với những nhà quản lý và Câu lạc bộ QNK Quảng Nam. Vì vậy, trong buổi làm việc với UBND tỉnh hồi cuối năm 2015, Sở VH-TT&DL đã đề xuất và đã được đồng ý chủ trương thành lập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam. Đây là tin vui cho bóng đá Quảng Nam và người hâm mộ, đồng thời là niềm hy vọng cho những tài năng bóng đá trẻ mong muốn phát triển năng khiếu của mình.
Hiện nay Câu lạc bộ QNK Quảng Nam đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2018 sẽ quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng bóng đá ở lứa tuổi thiếu niên (lứa tuổi U12) ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Từng bước tuyển chọn các vận động viên xuất sắc cho lớp năng khiếu của tỉnh (U15) đào tạo tập trung tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam. Kể từ năm 2018 trở đi sẽ có hệ thống đào tạo nâng cao ở các lứa tuổi từ U15 đến U20 tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam. Kinh phí đào tạo tại các trường học do ngành GD-ĐT và VH-TT&DL đảm nhận, còn tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam do Câu lạc bộ QNK Quảng Nam chi trả.
Bóng đá muốn phát triển mạnh, nhất thiết phải dựa trên nền tảng cơ bản và vững chắc từ công tác đào tạo trẻ. Muốn làm được điều này, rõ ràng cần có sự đổi mới cách làm theo hướng căn cơ, bền vững hơn. Chủ trương thành lập Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam là một trong những giải pháp đó và cần sớm triển khai thực hiện.
TƯỜNG VY