Lồng ghép văn hóa vùng miền vào giáo dục mầm non
Việc đưa văn hóa địa phương vào giảng dạy cho các em mẫu giáo được nhiều trường mầm non ở Thăng Bình ứng dụng hiệu quả từ những bộ đồ dùng dạy học do chính tay các cô giáo làm nên.
Dưới trời nắng gắt, từng lời giảng vang lên “Đây là cột mốc chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Ở đảo có trường học, có các chú bộ đội và các chú cảnh sát biển ngày đêm canh giữ. Và đây nữa các bác ngư dân của chúng ta đang ra sức đánh bắt cá tôm…”. Những thanh âm ấy dõng dạc và đều đặn trong các lớp học ở Trường Mẫu giáo Bình Nam. Hòa theo từng lời giảng ấy, ánh mắt non nớt của các em chăm chú dõi theo và miệng bập bẹ gọi tên từng vật mà cô giáo nói đến. Không khí học tập sôi nổi như vậy từ hơn một tháng nay khi có mô hình dạy học mới đưa vào áp dụng. Mô hình là bản thu nhỏ của quần đảo Trường Sa. Doanh trại bộ đội, nhà dân, trường học, cột mốc chủ quyền, tàu thuyền của ngư dân, của quân đội… hay một số con vật sống dưới nước qua bàn tay khéo léo của các cô giáo trở nên sống động. Nguyên liệu chủ yếu là các phế liệu được tận dụng, từ vỏ của trái bóng các cô cắt phân nửa và sơn màu tạo thành thúng của ngư dân hay trực thăng được chế tác từ vỏ chai tương ớt làm thân, tấm la phông làm cánh và đuôi rồi sơn màu.
Một góc triển lãm tại hội thi Triển lãm đồ dùng dạy học - cấp học giáo dục mầm non 2016 huyện Thăng Bình. Ảnh: T.S |
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Trinh, giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Nam chia sẻ, Bình Nam là một trong 4 xã ven biển của huyện Thăng Bình. Hiện nay, toàn xã có 80 chiếc tàu có công suất từ 80CV trở lên. Tổng sản lượng đánh bắt mỗi năm đạt hơn 1.000 tấn. Và những ngư dân, chính là ba mẹ của các em, hàng ngày họ vẫn ra khơi theo những chuyến biển để đánh bắt kiếm thu nhập. Đồng thời làm một nhiệm vụ thiêng liêng, đó chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Điều đó khiến cho cô cùng các giáo viên trong trường sáng chế ra bộ đồ dùng dạy học mô phỏng biển đảo để các em hiểu hơn về công việc của ba mẹ mình và văn hóa truyền thống của địa phương.
Với mục đích giúp cho trẻ có những góc nhìn trực quan về kinh tế địa phương, các cô giáo Trường Mẫu giáo Bình Dương đã tạo hình các mặt hàng nông sản và các ngành nghề hiện có ở địa phương. Cũng từ các vật liệu quen thuộc như: vỏ ốc, xốp, chai nhựa, bìa giấy các cô đã tạo thành “khu vườn của bé” với đa dạng các sản phẩm. Từ đó, giúp phân biệt, gọi tên từng sản phẩm của người dân địa phương làm ra. Phụ huynh em Phan Thị Hằng tâm sự, con chị rất thích những đồ dùng các cô giáo làm, khi về nhà, nhìn thấy các vật phẩm trong bếp, cháu đã có thể gọi tên rành rọt và cũng tỉ tê rằng lớn lên sẽ làm một cô giáo thật xinh đẹp giống như hình ảnh triển lãm cháu thấy ở trường. Cô Đồng Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình Dương chia sẻ: “Các em mẫu giáo có thể chưa thể hiểu sâu sắc nhưng với những vật mô phỏng mà các em được tận mắt thấy, tận tay sờ, tận tai nghe các cô giáo thuyết minh đã bước đầu tạo được nhận thức và dần khắc sâu vào tâm trí của các em hình ảnh về cuộc sống xung quanh”.
Với các em học sinh mẫu giáo việc giáo dục chỉ trong bốn bức tường, các em chỉ có thể nghe mà ít khi được thấy tận mắt hay sờ tận tay. Vì thế, những tiết học sử dụng hình ảnh văn hóa vùng miền sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức, vừa nâng cao nhận thức cho các em.
THU SƯƠNG - GIANG BIÊN