Lào đẩy mạnh phát triển du lịch
Với nhiều điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch, ngành công nghiệp không khói của Lào đã khai thác hiệu quả, đóng góp rất lớn vào kinh tế nước này.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2025 và tầm nhìn 2016 - 2030 vừa được thông qua, Chính phủ Lào nỗ lực tăng GDP bình quân đầu người lên 3.190USD vào năm 2020 từ con số 1.970USD của năm 2015. Đồng thời tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Lào đạt không dưới 7,5% mỗi năm. Trong đó, công nghiệp du lịch là một trong những ưu tiên phát triển của Lào để góp phần đạt được mục tiêu phát triển đề ra.
Hàng nghìn du khách tham gia lễ hội năm mới truyền thống của Lào vào giữa tháng 4 này. (Ảnh: Alamy) |
Như nhiều quốc gia trên thế giới có ngành du lịch phát triển, ngành công nghiệp không khói của Lào đang tạo ra nguồn thu được đánh giá khá bền vững như từ nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy các ngành nghề kinh doanh liên quan đến du lịch, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. Thống kê cho thấy, số lượng khách du lịch trên toàn thế giới vào năm 1990 đạt khoảng 455 triệu người, tạo ra nguồn thu 264 tỷ USD, sau đó tăng lên 805 triệu người với 640 tỷ USD và dự kiến đạt hơn 1,5 tỷ khách du lịch năm 2020, tạo ra 1.550 tỷ USD. Riêng tại Lào, đất nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) này chỉ thu hút hơn 14 nghìn lượt khách năm 1990. Nhưng chỉ ba năm sau đó, Lào đón hơn 100 nghìn lượt khách và tiếp tục tăng ấn tượng với hơn 4 triệu lượt vào năm 2014, tức đạt mục tiêu đề ra sớm hơn tới 6 năm. Tương tự, nguồn thu từ công nghiệp du lịch vào năm 1993 chỉ khoảng 6.280 triệu USD, tăng lên hơn 640 triệu USD vào năm 2014 và dự kiến đạt khoảng 1,3 tỷ USD vào năm 2025.
Trong nhiều năm qua, những chương trình quảng bá du lịch về con người và đất nước Lào được tiến hành liên tục, gây ấn tượng, trong đó nhấn mạnh đến bản sắc văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh, các công trình, kiến trúc lịch sử, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và khu vực nông thôn. Nổi bật nhất phải kể đến khu quần thể Angkor Wat được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1992. Nhiều tuyến bay được thiết lập, nhiều tuyến đường được xây dựng để kết nối với các quốc gia láng giềng, phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện hơn cho du khách đến Lào. Lào cũng miễn visa cho hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có người dân của tất cả thành viên ASEAN để khuyến khích nhu cầu du lịch. Những chiến lựơc, chính sách và tầm nhìn đa dạng nhưng đúng hướng đã giúp lượng du khách đến Lào vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực.
Nhằm tạo điều kiện cho du lịch Lào nắm bắt cơ hội trong bối cảnh lượng khách du lịch toàn cầu ngày càng tăng cao, nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời từ cuối năm 2015, Lào đang tập trung phát triển ngành trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến chương trình quảng bá đa dạng hơn. Thứ trưởng Bộ Thông tin - văn hóa và du lịch Lào, Chaleune Warinthrasak cho rằng, cả chính phủ, người dân, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân phải cùng nỗ lực, chung tay mới nhanh chóng đưa ngành công nghiệp du lịch phát triển hiệu quả nhất. Ngoài ra, Chính phủ Lào tham gia tích cực vào chiến dịch “Du lịch ASEAN@50” (Visit ASEAN@50) nhằm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội vào năm 2017. Chiến dịch đang được triển khai mạnh mẽ bằng việc trưng bày và giới thiệu hàng trăm sản phẩm, sự kiện, lễ hội và kinh nghiệm du lịch ASEAN, hướng tới du khách trong và ngoài khu vực đến với đất nước Lào.
NAM VIỆT