Tu bổ di tích cấp tỉnh: Hiệu quả nhờ lối mở
Nhờ cơ chế thông thoáng và sự chung tay của cộng đồng xã hội, các di tích cấp tỉnh ở Quảng Nam đang được bảo tồn và phát huy giá trị.
Huy động nguồn lực
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Quảng Nam có hàng chục di tích lịch sử cấp quốc gia và hàng trăm di tích cấp tỉnh. Nếu các di tích cấp quốc gia trước đây còn nhận đầu tư kinh phí của Nhà nước trong quá trình tu bổ, tôn tạo thì các di tích cấp tỉnh nằm ngoài sự hỗ trợ này. Suốt từ năm 1975 đến trước 2010, do quá trình trùng tu, bảo tồn chưa được chú trọng do thiếu kinh phí nên hàng loạt di tích cấp tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào năm 2009, khi các mảng văn hóa, thể thao và du lịch được gộp vào chung một sở, công tác tôn tạo các di tích đã có một bước đột phá với Đề án 3905 về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Di tích mộ đô đốc Kiều Phụng (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) mới được tu bổ trong năm nay. Ảnh: Q.TUẤN |
Từ đề án này, thực trạng “cha chung không ai khóc” đã được hạn chế triệt để, việc tu bổ các di tích không còn chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách mà còn được huy động từ các nguồn đối ứng của ngân sách địa phương và một yếu tố quan trọng khác là kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Thực tế cho thấy, trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), trong khi số vốn đầu tư tu bổ các di tích cấp tỉnh từ ngân sách tỉnh khoảng 10 tỷ đồng thì kinh phí từ các nguồn còn lại lên đến hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, do đời sống tín ngưỡng của người dân, các di tích như miếu, đình, chùa… huy động được nguồn kinh phí đóng góp khá lớn của xã hội, có dự án chiếm đến 20 - 30% tổng mức đầu tư tu bổ các di tích.
Trước đây, từ chỗ các địa phương trong tỉnh thờ ơ với công tác trùng tu các di tích bởi nguồn ngân sách hạn hẹp và phải ưu tiên chi cho các lĩnh vực an sinh, xã hội thì giờ đây chính quyền các huyện, thành phố lại đang rốt ráo thực hiện. Những địa phương phía bắc Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… được đánh giá rất cao trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để kết hợp các nguồn kinh phí tu bổ di tích.
Trình tự và linh động
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 314 di tích cấp tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, có tổng cộng 56 di tích cấp tỉnh sẽ được tu bổ và dựng 68 bia. |
Sau khi chương trình hỗ trợ kinh phí để bảo tồn các di tích cấp quốc gia của Nhà nước chấm dứt, Quảng Nam đã linh động tìm những hướng đi bằng Nghị quyết 161 của HĐND tỉnh và Đề án 3486 để tiếp tục việc tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Dù “gánh” luôn trách nhiệm tu bổ các di tích quốc gia nhưng số tiền tu bổ các di tích cấp tỉnh sẽ không bị ảnh hưởng, theo đó mỗi di tích kiến trúc nghệ thuật sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng, di tích lịch sử hỗ trợ 400 triệu đồng, di tích lăng hỗ trợ 300 triệu đồng và dựng bia sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam chia sẻ: “Ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, vấn đề trùng tu các di tích, đặc biệt là di tích cấp tỉnh thường bị bỏ ngỏ bởi kinh phí phải ưu tiên cho các lĩnh vực trọng yếu hơn. Còn ở Quảng Nam, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng không có một di tích cấp tỉnh nào xuống cấp mà không có tiền để tu sửa”.
Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ tiến hành tu bổ 56 di tích trong 5 năm tới, trong đó các di tích quan trọng về tín ngưỡng hoặc có giá trị về du lịch sẽ được ưu tiên thực hiện sớm như Yến nghệ tổ miếu, lăng bà Thu Bồn, địa điểm Văn từ phủ Điện Bàn… Ngoài ra, với một số di tích đã xuống cấp quá trầm trọng vẫn sẽ được linh hoạt cho tu bổ sớm nếu được UBND huyện đề xuất. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, theo kế hoạch, địa phương có 1 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh được trùng tu, trong đó mộ Nguyễn Đắc Tộc (sẽ trùng tu vào năm 2017) và mộ cụ Lê Đại Lang (năm 2019) nhưng do hai di tích này xuống cấp nặng nên UBND huyện đã cấp bách đề xuất được thực hiện sớm trong năm 2016. Kinh phí sẽ được ứng trước từ ngân sách huyện, sau đó đến đúng thời điểm trùng tu như dự kiến sẽ được hoàn trả. Quá trình tu bổ, phục dựng sẽ được giám sát chặt chẽ để bảo đảm giữ được những chi tiết chân xác so với ban đầu.
Dù vậy, trong quá trình thực hiện tu bổ di tích, cơ quan chuyên môn cũng vấp phải một số khó khăn, đặc biệt là thiếu nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu ngoại nhập nhiều lúc không tương thích với kiến trúc của di tích, một số khác mua lại từ nguồn gỗ thanh lý của kiểm lâm nhưng không đáng kể nên nhiều trường hợp phải dùng các loại gỗ trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, với những thành quả ban đầu đạt được, việc bảo tồn các di tích cấp tỉnh ở Quảng Nam đã có một bước đột phá, tạo được dấu ấn lớn và đáng để học hỏi trong bối cảnh nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn đang loay hoay gỡ khó với vấn đề này.
QUỐC TUẤN