Qua mảnh đất kiên trung

ĐOÀN ĐẠO 26/04/2016 09:08

Dọc theo chiều dài lịch sử kháng chiến chống Mỹ, đất và người Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh, Núi Thành) đã trải qua biết bao hy sinh để bảo vệ cơ quan đầu não là Huyện ủy Nam Tam Kỳ và nhiều cơ quan cách mạng khác được an toàn.
Đầu tháng 4.1963, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định chia tách huyện Tam Kỳ thành 3 đơn vị hành chính gồm Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Sau đó, Đảng bộ huyện Nam Tam Kỳ được thành lập và dựa vào vùng núi rừng Trà Zút (xã Tam Trà hiện nay) để chỉ đạo kháng chiến. Đến năm 1965, cơ quan Huyện ủy chuyển xuống Kỳ Thạnh đóng chân. Suốt mười năm, từ 1965 đến 1975, địch luôn tập trung các loại pháo kích, tổ chức nhiều trận càn vào Kỳ Thạnh hòng tìm diệt cho được cơ quan đầu não của cách mạng địa phương.

Ông Trương Đình Hòe (SN 1948, ở thôn Phước Thạnh, Tam Thạnh) nhớ lại: “Hồi đó địch cày xới ác liệt lắm! Chúng đóng ở thôn 1 Kỳ Thạnh hơn 30 xe tăng, thiết giáp, chiếm các điểm cao đặt trọng pháo bắn phá, dùng các loại máy bay quần đảo để tìm diệt cách mạng. Những năm 1967 - 1968, cả xã Kỳ Thạnh chỉ có khoảng 200 người dân và du kích bám trụ. Vì biết cơ quan đầu não của ta ở vùng này, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn thực hiện đốt sạch, quét sạch, xúc dân đem xuống khu dồn dưới Chu Lai. Cứ thấy lúa, khoai là chúng nhổ sạch. Phát hiện ra người dân nào là chúng “xúc” đem đi”.

Di tích cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ - “địa chỉ đỏ” giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương.  Ảnh: Đ.ĐẠO
Di tích cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ - “địa chỉ đỏ” giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương. Ảnh: Đ.ĐẠO

Theo ông Hòe, để bảo vệ cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ và nhiều cơ quan khác, du kích xã Kỳ Thạnh rất “lỳ gan” với địch dù khi thành lập chỉ có 2 trung đội khoảng 60 người và 3 người mới có một cây súng trường cũ kỹ, vài quả lựu đạn. Từ gài mìn, bắn tỉa tiêu hao sinh lực cho đến phục kích đánh chặn khi địch đi càn…, du kích địa phương đã khiến địch khiếp sợ. “Khoảng 5 giờ sáng 22.5.1971, quân địch bất ngờ dùng máy bay tàu rọ ập lên nhà ông Phạm Hòa ở thôn Trung Hòa bắt dân. Đến 15 giờ cùng ngày chúng bất ngờ quần trở lại ập xuống khu vực có hầm trú ẩn của ta. Du kích xã đánh trả quyết liệt và bắn rơi một chiếc máy bay của chúng rồi rút vào núi. Địch hung hăng dùng máy bay để truy kích nhưng tôi và anh Ngô Quang Thương đã bắn hạ thêm 2 chiếc nữa” - ông Trương Công Hòe kể. Đêm đó, địch dùng phi pháo ở nhiều cứ điểm cày nát vùng Trung Hòa và sáng hôm sau đưa 2 tiểu đoàn lính lên tìm diệt du kích. “Nhưng chúng không thạo địa hình bằng mình nên bất lợi và bị động. Sau khi đưa bà con lên núi an toàn, 2 tổ du kích ở lại quần thảo với chúng cả ngày. Kết quả là diệt được 25 tên địch, thu được cả 200 quả lựu đạn, 7 cây súng” - ông Hòe nói về sự mưu trí và dũng cảm của du kích Kỳ Thạnh.

Kiên trung và dũng cảm không chỉ có du kích mà còn có người dân đất này nữa. Những ai không bị địch bắt đi là cùng bám trụ với cách mạng. Họ sẻ chia từng hạt muối, hạt gạo có được. Và những người con khi lớn lên đều tham gia cách mạng. Nhỏ thì làm giao liên, lớn làm du kích, theo bộ đội… Dù nhiều người bị địch bắn giết dã man, lôi xác xuống quận lỵ để rêu rao chiến thắng diệt được Việt cộng nhưng người dân không vì đó mà nhụt chí. Họ vẫn một lòng bám đất, bám làng nuôi giấu, bảo vệ cách mạng. Gia đình bà Hồ Thị Mai (67 tuổi, thôn Phước Thạnh) là điển hình tiêu biểu có công với cách mạng. Nhà của cha mẹ bà là cơ sở cách mạng an toàn suốt những năm chống Mỹ. Cả 4 anh chị em của bà đều cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, cùng cha mẹ ở lại Kỳ Thạnh chiến đấu với quân thù. Để rồi khi chiến tranh đi qua, chỉ còn mình bà Mai sống sót. Ông Trương Đình Hòe ngậm ngùi: “Năm 1968 quân và dân ta hy sinh nhiều lắm, xã Kỳ Thạnh chỉ còn vài chục người. Chỉ riêng người địa phương không tính của các đơn vị vũ trang thì đất Kỳ Thạnh có hơn 200 người ngã xuống trong chiến đấu. Đến năm 1975, tôi còn làm chủ tịch xã, đếm đi đếm lại cả xã gồm du kích và người dân chỉ còn đúng 29 người”. Chính sự kiên trung, bất khuất của quân dân xã Kỳ Thạnh mà suốt từ những năm 1965 đến 1975 cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ cùng các cơ quan cách mạng khác đóng chân trên địa bàn xã hoạt động xuyên suốt trong sự an toàn, bí mật.

Chiến tranh đi qua đã 41 năm, xã Kỳ Thạnh giờ đổi tên thành Tam Thạnh. Mảnh đất này, đã có những ngôi nhà cao tầng mọc lên dọc con đường lộ thảm nhựa xuyên qua xã. Nhân dân đã biết dựa vào rừng núi để phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại. Ông Nguyễn Thanh Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thạnh cho biết: “Thời gian qua, huyện cũng đã tập trung đầu tư nên Tam Thạnh có nhiều bước phát triển nhanh. Đến nay, Tam Thạnh đã bê tông được 8km đường liên xã, các công trình thủy lợi đảm bảo cung ứng nước tưới cho bà con sản xuất nông nghiệp; trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa thôn được xây dựng, sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.100 hộ dân với hơn 4.200 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 khoảng 17 triệu đồng”. Tuy nhiên, ông Tâm vẫn mong được Nhà nước quan tâm nhiều hơn cho xã miền núi Tam Thạnh. Trước mắt, theo ông, khu di tích cơ quan Huyện ủy Nam Tam Kỳ đã được xây dựng tại thôn Trung Hòa, nhưng đường vào di tích dài khoảng 800m còn là đường đất cần được đầu tư xây dựng. “Tam Thạnh cần huyện, tỉnh đầu tư nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung vào đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất” - ông Tâm chia sẻ.

ĐOÀN ĐẠO

ĐOÀN ĐẠO