Giảm thiểu nỗi lo bom mìn
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng nỗi lo bom mìn với những người dân sống trong khu vực nguy hiểm ở Quảng Nam vẫn còn đó. Hàng ngày, nhân viên làm việc cho Tổ chức Rà phá bom mìn Đan Mạch (DDG) thường tiếp nhận những thông tin về vật liệu nổ và xử lý những khu vực nguy hiểm ngay trong vùng người dân sinh sống.
Đội kỹ thuật của DDG triển khai kế hoạch trước khi làm nhiệm vụ. |
DDG khởi động hoạt động tại Quảng Nam vào tháng 1.2013 với dự án Giáo dục nguy cơ bom mìn ở huyện Duy Xuyên, với mục đích giảm thiểu nguy cơ thương vong do mìn và vật liệu chưa nổ gây ra. Tiếp nối thành công của dự án Giáo dục nguy cơ bom mìn và thấy rõ nhu cầu rà phá bom mìn rất lớn tại huyện Duy Xuyên, DDG đã triển khai dự án rà phá bom mìn tại đây từ tháng 9.2014. Sau đó, thị xã Điện Bàn cũng đã được DDG lựa chọn để triển khai hoạt động rà phá bom mìn do nơi đây từng diễn ra nhiều trận giao tranh cùng vô số cuộc ném bom của hải quân và không quân Mỹ. Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, Điện Bàn từng gánh chịu hơn 10 nghìn cuộc dội bom và hơn 14 nghìn tấn vật liệu nổ; hơn 34 nghìn quả bom đa dụng với tổng trọng lượng lên tới hơn 10 nghìn tấn đã được ném xuống địa bàn này. Gần một năm qua, người dân Duy Xuyên và Điện Bàn đã khá quen thuộc với hình ảnh nhân viên DDG vào tận từng ngõ xóm để thu thập thông tin, rà tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ. Hoạt động này diễn ra hàng ngày bởi 3 đội kỹ thuật của DDG. Kể từ khi chính thức triển khai hoạt động rà phá bom mìn từ tháng 6.2015 đến tháng 2.2016, DDG đã tìm và hủy nổ được 791 vật liệu chưa nổ, chủ yếu là đạn cối, bom bi, lựu đạn và đạn pháo.
Nhân viên kỹ thuật của DDG rà tìm vật liệu nguy hiểm. |
Mới đây, theo chân đội xử lý bom mìn, chúng tôi về thôn Văn Ly, xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) nơi đội được phân công rà tìm và xử lý vật liệu chưa nổ trong khu vườn của ông Thiều Quang Sơn. Theo thông tin do trưởng thôn Văn Ly cung cấp, khu vườn sau nhà ông Sơn trước đây là đồn địch trong thời chống Mỹ do đó khá nhiều vật liệu chưa nổ bị bỏ lại. Trong khi làm vườn ông Sơn phát hiện nhiều quả đạn cối nên gom vào một chỗ và bỏ hoang phần lớn diện tích, không dám canh tác. Ông Sơn cho biết: “Dẫu biết trồng trọt trong khu vực có bom mìn là rất nguy hiểm nhưng vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên tôi đánh liều trồng vài gốc chuối để kiếm thêm thu nhập”. Nhờ những dụng cụ rà chuyên dụng và sự thông thạo về các loại bom mìn và vật liệu chưa nổ, 16 quả đạn cối 81 và một trái đạn 60mm đã được tìm thấy trong khu vườn của ông Sơn.
Một số vật liệu được DDG tìm thấy trong ngày. Ảnh: K.P |
Vào năm 2015, nhận được thông tin dưới ao nhà bà Văn Thị Bông (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) có vật liệu nguy hiểm, nhân viên DDG đã đến tìm và xử lý 128 loại vật liệu nổ nằm dưới ao. Cứ như thế, hết khu vực này đến khu vực khác ở Duy Xuyên và Điện Bàn, nhân viên rà phá bom mìn của DDG lại tiếp tục công việc thầm lặng dưới tiết trời nắng nóng. Người xúc cát, người rà tìm vật liệu nguy hiểm, người đào hố chuẩn bị cho công tác hủy nổ. Họ làm việc không mệt mỏi với hy vọng sẽ trả lại đất sạch cho người dân Quảng Nam trong một ngày gần nhất.
NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG