Còn nhiều hạn chế, bất cập

LÊ PHƯỚC LAN NHI 25/04/2016 09:53

Do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn lực đầu tư thấp nên bậc học mầm non ở các địa phương miền núi của tỉnh còn những hạn chế, bất cập. Vì thế, không ít trẻ em lứa tuổi mầm non ở miền núi không được ra lớp.

Trường tạm, lớp ghép

Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) có điểm trường chính và 3 điểm trường thôn, với 181 cháu hầu hết là con em đồng bào Ca Dong. Trường mới tách từ trường tiểu học xã nên cơ sở vật chất, trang thiết bị tại điểm chính tương đối khang trang. Thế nhưng, các điểm trường thôn vẫn còn trường tạm, lớp ghép; có lớp ghép đến 3 độ tuổi. Cô giáo Trần Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca cho biết, các điểm trường thôn ở xa điểm chính, dân cư sống không tập trung, cơ sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị phục vụ dạy học, chăm sóc cho các cháu còn thiếu. “Giáo viên dù đã có nhiều cố gắng trong việc vận động đưa con em đồng bào ra lớp, nhưng trong điều kiện khó khăn phải duy trì các lớp ghép nên chất lượng dạy và chăm sóc các cháu chưa đảm bảo” - cô Phương chia sẻ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều trường mầm non miền núi còn hạn chế. Ảnh: L.P.L.N
Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều trường mầm non miền núi còn hạn chế. Ảnh: L.P.L.N

Điều kiện kinh tế - xã hội ở miền núi chậm phát triển, giao thông cách trở, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế, cơ sở vật chất tại các điểm trường thôn còn tạm bợ... là những tồn tại, hạn chế trong giáo dục mầm non ở Nam Trà My nói riêng, miền núi Quảng Nam nói chung. Ông Võ Đăng Thuận, Phó phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết: “Thời gian qua, tỉnh và huyện có cơ chế đầu tư để phát triển giáo dục mầm non nên điều kiện trường lớp và chất lượng giáo dục bậc học có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, là huyện vùng núi cao còn nhiều khó khăn, hầu hết là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng trường tạm, lớp ghép ở bậc mầm non còn phổ biến, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phổ cập giáo dục mầm non ở địa phương”.

Không riêng gì Nam Trà My, hầu hết điểm trường mầm non ở thôn bản tại 6 huyện vùng núi cao tỉnh đều còn tình trạng trường tạm, lớp ghép. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, do đặc thù của miền núi, trẻ em trong độ tuổi từng điểm thôn ít nên nhiều điểm trường thực hiện loại hình lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, chiếm 51% tổng số lớp học mầm non miền núi. Trong đó, có 185 lớp ghép 2 độ tuổi, 175 lớp ghép 3 độ tuổi. Cơ sở vật chất các lớp mẫu giáo ở thôn bản đều tạm bợ, nhiều xã tuy có trường mầm non nhưng phòng học không đảm bảo yêu cầu, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính, đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời... Vì thế, cơ hội đến trường của trẻ em vùng cao, vùng sâu ở một số nơi còn thấp, nhất là độ tuổi trẻ nhà trẻ mới chỉ có 3,9%, thấp hơn 5 lần so với tỷ lệ chung toàn tỉnh.

Cô trò đều gặp khó

Các huyện miền núi Quảng Nam có 84 trường mầm non, mẫu giáo, tăng 24 trường so với năm học 2009 - 2010; có 633/732 phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Tổng số trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt gần 86%, tăng 12,1% so với năm học 2007 - 2008. Riêng trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số 5 tuổi đến trường đạt 97,3%, tăng 20,7%. Các địa phương miền núi đã xóa thôn, bản trắng về giáo dục mầm non. Tổng số cán bộ, giáo viên giáo dục mầm non miền núi hiện có 1.194 người (833 biên chế), tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,7%, giáo viên trên chuẩn đạt 64,3%; giáo viên người dân tộc thiểu số từ 138 người năm học 2007 - 2008 đến nay đã tăng lên có 213 người. Đến cuối năm 2015, trên 9 huyện miền núi có 13 trường mầm non, mẫu giáo được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Theo Quyết định 239, ngày 9.2.2010 của Chính phủ thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và Quyết định 60, ngày 6.10.2011 của Chính phủ về hỗ trợ một số chính sách cho giáo dục mầm non ở miền núi giai đoạn 2011 - 2015, hỗ trợ mỗi học sinh với mức 120 nghìn đồng/tháng, nhưng học kỳ 1 năm 2015 - 2016 đã tạm dừng chi trả nên nhiều hộ đồng bào vùng cao lại càng khó khăn trong việc đưa con đến trường mẫu giáo. Cô giáo Đoàn Thị Kim Vương - giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca (Nam Trà My) chia sẻ: “Giáo viên phải đi bộ hàng tiếng để “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động các gia đình đưa con em trong độ tuổi ra lớp. Ở điểm trường chính có hơn 40 học sinh ở bán trú nhưng chỉ có 20 em được phụ huynh nộp tiền ăn, mỗi cháu ăn mỗi ngày 20 nghìn đồng/2 bữa, nên giáo viên nhà trường phải góp thêm tiền mua gạo và thức ăn về tự tay nấu cho các cháu. Nhà trường rất mong Trung ương và tỉnh hỗ trợ thêm tiền ăn hàng ngày cho các cháu, vì hầu hết gia đình tại địa phương đều là hộ nghèo”.

Dạy học ở vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng chế độ đãi ngộ thấp nên giáo viên mầm non chưa an tâm công tác. Số giáo viên mầm non hợp đồng ở các huyện miền núi Quảng Nam còn nhiều (hiện có 361 cô giáo, chiếm tỷ lệ 35,3%). Khó khăn vất vả là vậy nhưng giáo viên nuôi dạy ở các lớp ghép mầm non không được hưởng chế độ như giáo viên dạy các lớp ghép cấp tiểu học. Cô giáo Trần Thị Bốn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (Tây Giang) cho biết: “Cùng địa bàn và điều kiện công tác như nhau nhưng giáo viên dạy lớp ghép mầm non không được hưởng chế độ như đồng nghiệp dạy tiểu học là bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các cô. Chúng tôi rất mong tỉnh và huyện quan tâm giải quyết thực tế này cũng như xem xét tuyển dụng biên chế để các giáo viên vùng cao an tâm công tác”.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT kiến nghị: “Tỉnh và các địa phương cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non miền núi. Trong đó, ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ cán bộ, giáo viên ngành mầm non ở miền núi để họ an tâm công tác. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nên tiếp tục duy trì chế độ hỗ trợ trẻ em trong tuổi ra lớp”.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

LÊ PHƯỚC LAN NHI