Sáng mãi một ngọn cờ
Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, cốt cán của Đảng. Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng ông đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang, để lại cho Đảng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn.
Học sinh tham quan Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. (Ảnh sưu tầm) |
Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24.4.1906, trong gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, Hà Huy Tập là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Thân sinh là cụ Hà Huy Tường, từng đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà trở về nhà dạy học và bốc thuốc; mẹ là cụ Nguyễn Thị Lộc. Từ nhỏ, ông đã được cha dạy dỗ bằng nền tảng Nho học.
Năm 13 tuổi (1919), Hà Huy Tập đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc tại trường tỉnh, được cấp học bổng và được đặc cách học thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp hạng ưu, ông được bổ nhiệm vào dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Nha Trang, Khánh Hòa. Tháng 8.1926, Hà Huy Tập chuyển về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An. Thời gian này ông tích cực hoạt động trong Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam), tuyên truyền tư tưởng chống chuyên chế, chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp lao động. Tháng 3.1927, Hà Huy Tập vào dạy học tại một trường tiểu học ở Gia Định, sau đó đến Bà Rịa làm công nhân, lập ra một chi bộ, một hội đọc sách báo và tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho công nhân.
“Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động” - câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập khẳng định trong phiên tòa thực dân Pháp xét xử ông vẫn còn vang mãi đến tận ngày nay. “Gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn; trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi” - nội dung bức thư cuối cùng cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gửi cho gia đình. |
Cuối tháng 12.1928, Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí khác được cử đến Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt Cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ tháng 7.1929, ông được cử đi học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô cũ). Đến tháng 3.1932 ông tốt nghiệp và ở lại Liên Xô hoạt động. Khoảng tháng 6.1933, ông bí mật về Trung Quốc hoạt động, bắt liên lạc với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, do Lê Hồng Phong làm Thư ký; ông làm ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, làm Tổng biên tập Tạp chí Bôn-sê-vích. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ huy là khôi phục lại các tổ chức đảng trong nước bị phá vỡ sau cao trào 1930 - 1931 và triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.
Từ ngày 27 đến 31.3.1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) diễn ra Đại hội lần thứ I của Đảng, do Hà Huy Tập chủ trì và đọc Báo cáo Chính trị. Đại hội đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở hải ngoại. Tháng 7.1936, tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương đã phân công ông về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Ngày 12.10.1936, Hà Huy Tập triệu tập hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành lâm thời. Tại hội nghị này, Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, lúc đó ông 30 tuổi. Từ Hội nghị lần thứ ba (khóa I) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 3.1938, Hà Huy Tập thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương.
Ngày 1.5.1938, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, trong khi thị sát cuộc đấu tranh của nhân dân do Đảng ta tổ chức ở Sài Gòn, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt và đưa về giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Chính quyền thực dân kết tội ông trộm cắp giấy tờ và mang căn cước của người khác, phạt 8 tháng tù và 5 năm quản thúc. Hết hạn tù, ông bị đưa về quản thúc tại Hà Tĩnh. Ngày 30.3.1940, ông bị bắt và bị buộc tội “chịu trách nhiệm tinh thần” về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Tòa án thực dân tuyên Hà Huy Tập án tử hình, cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... Ngày 28.8.1941, đồng chí Hà Huy Tập bị địch xử bắn tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định, lúc báy giờ ông mới 35 tuổi.
Với 35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, Tổng Bí thư của Đảng Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo và rất quan tâm đến tổng kết các kinh nghiệm lịch sử để chỉ đạo cho các vấn đề hiện tại.
Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc là rất quan trọng, vô cùng to lớn. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
(Tham khảo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
TRUNG TUYÊN