Chăm lo đời sống người khiếm thị

T.NHAN - N.DUY 21/04/2016 09:28

Nhiều năm qua, Hội Người mù xã Đại Cường (Đại Lộc) đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống...

Hỗ trợ sinh kế

Vốn bị mù bẩm sinh từ nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn, nguồn sống chủ yếu dựa vào khoản tiền trợ cấp hàng tháng, việc sở hữu một căn nhà kiên cố, với ông Lê Lý là niềm hạnh phúc lớn lao. “Lúc trước, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm bợ, nền hục hang, mái thủng lỗ chỗ. Cũng bởi quá khó khăn về kinh tế nên không có điều kiện để làm nhà mới, phải chấp nhận sống tạm bợ. Từ khi có 40 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ, vận động xã hội hóa từ Hội Người mù xã, tôi mới làm được ngôi nhà kiên cố này. Từ nay không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa to, gió lớn nữa” - ông Lý tâm sự. Không chỉ gia đình ông Lý, gia đình bà Trần Thị Tám, cô Thị Khôi ở xã Đại Cường cũng chung niềm vui khi được sống trong ngôi nhà tình nghĩa được xây kiên cố mà với họ đó cả là niềm mơ ước.

Trao quà cho hội viên khiếm thị. Ảnh: N.D
Trao quà cho hội viên khiếm thị. Ảnh: N.D

Không những thế, nhiều người khiếm thị ở Đại Cường còn được hỗ trợ sinh kế, đào tạo làm chổi đót, học nghề mát xa trị liệu, từng bước cải thiện đời sống. Đơn cử như trường hợp Đỗ Thế Nhựt (24 tuổi), Võ Thị Thiệt (28 tuổi)… Các anh chị bị mù bẩm sinh, được đưa đi đào tạo học nghề xoa bóp, bấm huyệt ở tỉnh và học chữ nổi ở Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Nhờ sáng dạ, Nhựt mau chóng làm quen với chữ nổi, lại thông thạo công nghệ thông tin nên được nhận vào làm việc ở một cơ sở bấm huyệt, xoa bóp tại TP.Tam Kỳ với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Còn chị Võ Thị Thiệt được nhận vào làm việc tại một cơ sở mát xa trị liệu của Trạm Y tế Ái Nghĩa, cuộc sống cũng được cải thiện so với trước. “Cuộc đời tôi sẽ bị bóng tối vây quanh, không lối thoát, nếu không có sự đồng hành của các cấp hội người mù. Giờ đây, tôi rất hạnh phúc khi có nghề nghiệp và tự nuôi sống bản thân mình, không còn phải phụ thuộc vào gia đình, người thân. Tôi cũng sẽ cố gắng làm việc và tiếp tục chia sẻ nỗi đau, sự thiệt thòi lớn của những người cùng cảnh ngộ như mình” - Nhựt nói. Ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Người mù xã Đại Cường chia sẻ: “Ngay lúc đầu, một câu hỏi lớn đặt ra đối với chúng tôi là làm sao có thể giúp hội viên có được việc làm. Người khiếm thị chưa thể vượt qua được sự mặc cảm, tự ti, rất khó hòa nhập cộng đồng. Vì thế, chúng tôi vận động họ tham gia các lớp đào tạo nghề làm chổi đót, nghề mát xa xoa bóp, bấm huyệt trị liệu… Tuy nguồn thu nhập đem lại cho họ chưa nhiều nhưng cũng góp phần ổn định cuộc sống cho hội viên”.

Chăm lo đời sống hội viên

“Hội Người mù xã Đại Cường là đơn vị thường xuyên giúp đỡ hội viên cải thiện đời sống, vượt qua mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng. Trong điều kiện hoạt động còn khó khăn, nhưng 10 năm qua, hội luôn là đơn vị dẫn đầu toàn huyện, xứng đáng để nhiều nơi học tập, noi theo”.
(Ông Trương Văn Lượng - Chủ tịch Hội Người mù huyện Đại Lộc)

Đến nay, 100% hội viên khiếm thị của Hội Người mù xã Đại Cường đã xóa được nhà tạm, ai cũng có một mái ấm khang trang. Riêng năm 2015, từ nhiều nguồn hỗ trợ, Hội Người mù xã đã hỗ trợ nâng cấp 2 nhà chống lũ với tổng giá trị 50 triệu đồng, giúp 2 hội viên nghèo kiên cố nhà ở. Đồng thời hội còn vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đóng góp, hỗ trợ để giúp đỡ các hội viên vượt qua khó khăn, tiếp sức cho người mù có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Những năm qua, hội đã vận động xây được 4 nhà tình nghĩa, tặng 38 sổ tiết kiệm trị giá 1,5 triệu đồng/sổ cho hội viên. Mỗi năm, hội còn vận động các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân trao tặng quà trực tiếp cho người khiếm thị từ 2 - 3 đợt mỗi năm. Riêng năm ngoái, các nhà hảo tâm tặng quà quy thành tiền 34,6 triệu đồng, trợ cấp trực tiếp 94 suất quà với tổng trị giá hơn 16 triệu đồng, tặng 4 sổ tiết kiệm cho 4 hội viên khó khăn với số tiền 6 triệu đồng. 100% hội viên đều được giải quyết chế độ trợ cấp theo chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Điều đáng ghi nhận nữa là, Hội Người mù xã Đại Cường còn chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên thông qua các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ tết. Nguồn quỹ hội dùng để thăm viếng hội viên đau ốm, tang ma luôn được duy trì, có năm lên đến gần 50 triệu đồng. Từ những trợ giúp thiết thực đó, Hội Người mù xã đã trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng người khiếm thị. Hội cũng thường xuyên tham mưu đề xuất với UBND xã thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người khiếm thị được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định cũng như Luật Người khuyết tật. Ông Nguyễn Thế Thắng cho biết: “Có thể nói, mức sống của người mù ở Đại Cường đã được nâng lên đáng kể, đảm bảo đời sống cho hội viên. An sinh xã hội được chăm lo tích cực nhờ sự vào cuộc đầy tâm huyết, tích cực của hội trong việc kêu gọi, vận động cộng đồng chung tay ủng hộ người khiếm thị”. Nhiều năm liền, Hội Người mù xã Đại Cường dẫn đầu phong trào thi đua chăm sóc, hỗ trợ người khiếm thị của huyện.

T.NHAN - N.DUY

T.NHAN - N.DUY