Mong được thấy mặt 2 con
|
(QNO) - Mong muốn lớn nhất trong lần về quê này là được nhìn mặt 2 đứa con trai mà bà Phạm Thị Bậu xa cách từ khi chúng còn đang khát sữa. Nhưng, người mẹ chỉ được thấy chúng qua những bức ảnh kỷ niệm…
Ngoài 2 con trai với người chồng ngoại, trước đó bà Bậu cũng có 2 người con trai mà lúc bà mất tích, đứa lớn mới 2 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi.
Nước mắt ngày đoàn viên
Hay tin bà Bậu vừa trở về, gia đình anh Trương Văn Hòa (trú xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) vội vã đến nhà để gặp lại người thân. Anh Hòa chia sẻ, chuyện ngỡ như trong mơ vì ngần ấy năm, sự chờ đợi, mòn mỏi về tin tức bà Bậu gần như rơi vào tuyệt vọng. “Hồi đó đi buôn, chị Bậu có đeo một số trang sức trên người. Do đó gia đình cứ nghĩ bị kẻ xấu cướp giật rồi giết giấu xác phi tang” - anh Hòa nói.
Hàng xóm tới thăm hỏi bà Bậu. Ảnh: VĂN HÀO |
Còn bà Bậu cho biết, khi đó trên tay có đeo một đồng hồ hiệu Seiko và một nhẫn vàng 5 phân. Cùng với đó là số tiền khoảng hơn 500 nghìn đồng từ việc đi buôn và đều đưa hết cho chủ trọ bên Trung Quốc nhưng vẫn không được cho về.
Gia đình bà Bậu hiện có 4 anh chị em và một người mẹ già 86 tuổi. Dù thời ấy cuộc sống rất khó khăn nhưng mọi người thay nhau đi tìm kiếm, dò la tin tức. Cụ bà Lê Thị Ngữ, Mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ bà Bậu) cho biết, trong năm 1994, cụ nhiều lần bắt xe ra Huế hỏi thông tin về con gái mình thông qua các mối buôn nhưng đều không có kết quả.
“Tôi đi khắp, ngược xuôi các chợ từ Huế, Đà Nẵng rồi về chợ Được (Bình Triều, Thăng Bình) nhưng ai cũng bảo không biết. Nhớ con, khóc suốt mấy tháng ròng. Hôm Bậu nó về, vừa bước tới ngõ là tôi nhận ra ngay, dù thời gian, tuổi tác khiến con tôi không còn được như xưa. Gặp nhau, hai mẹ con ôm chầm nhau khóc” - cụ Ngữ sụt sùi.
Nhiều người đến nhà thăm hỏi đều nhận xét, bà Bậu có nước da trắng và mập hơn thời trước nhiều. Người nhận ra bà Bậu đầu tiên là cô em họ buôn bán trước chợ Tân An (Hiệp Đức) khi thấy vợ chồng bà Bậu vừa bước xuống xe buýt.
Bà Phạm Thị Tý (56 tuổi, hàng xóm bà Bậu) cho biết, thời điểm bà Bậu mất tích, có một xe chở khách bị lật ở đèo Hải Vân khiến khoảng 5 người chết. Gia đình cứ ngỡ bà Bậu là một trong những nạn nhân xấu số trên, nhưng đến hiện trường nhận dạng thì không phải. Dù sau đó không có tin tức gì nhưng gia đình vẫn hy vọng một ngày nào đó, bà Bậu trở về.
Ước được nhìn mặt con
Bà Bậu lập gia đình vào năm 1990, theo quê chồng vào sống ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, thời điểm này cuộc sống là nổi ám ảnh với bà. Người chồng thường xuyên rượu chè, đi trộm cắp và đánh đập vợ. Sau khi hạ sinh người con thứ hai không được bao lâu, bà Bậu một nách 2 con rời quê chồng về lại Hiệp Đức sinh sống với mẹ già. Sau này hai vợ chồng cắt đứt liên lạc.
Từ Canada, 2 đứa con bà Bậu thường gửi thư về cho gia đình. Ảnh: VĂN HÀO |
Khi bà mất tích ở Huế, đứa lớn mới 2 tuổi (SN 1992), đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi (SN 1993).
Cụ Ngữ kể, khi thấy đứa cháu ngoại khát sữa, phải nhờ bú sữa người dì (người em gái kế bà Bậu). Tuy nhiên người dì này cũng có cuộc sống khó khăn, đang nuôi con nhỏ nên không đủ sữa. “Thiếu thốn người mẹ khi còn quá nhỏ, 2 thằng bé còi cọc, chậm phát triển. Nhiều người tới xin đem về nuôi, nhưng rồi thương cháu quá, tôi đến bồng về lại” - cụ Ngữ nói.
Được một thời gian ngắn, gia đình cụ Ngữ không đủ sức kham nổi. Sau đó đem 2 đứa cháu ngoại ra Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Đà Nẵng nhờ cậy. Có một cặp vợ chồng Canada đến xin làm thủ tục nhận 2 đứa trẻ làm con nuôi và đưa về bên Canada sinh sống. “Lúc đó lần khần lắm, không đành để họ mang mấy đứa đi. Nhưng được mọi người động viên nên yên tâm” - cụ Ngữ kể lại giây phút khó khăn.
Hai đứa con đầu của bà Bậu giờ đã trưởng thành. Ảnh: VĂN HÀO |
Chưa dứt lời, cụ lọ mọ vô trong buồng lục lọi cuốn album ảnh của 2 đứa cháu. Dù đã cao tuổi nhưng cụ nhớ vanh vách tên tuổi từng đứa, chỉ tay vô ảnh và nói thằng Đông, thằng Bình. Cụ vui mừng cho biết 2 đứa cháu ngoại có được cuộc sống sung túc, học hành tới chốn bên Canada. Đã vài ba lần, gia đình vợ chồng người Canada dẫn 2 người cháu về thăm lại quê hương Hiệp Đức. Và mỗi lần như vậy, những người con bà Bậu không thôi nhắc về mẹ mình.
“Hồi mới qua bên đó, ngày nào cũng nhớ sắp nhỏ, đêm nằm khóc miết. Chừ về nhìn ảnh thấy các con trưởng thành, khỏe mạnh, sống tốt nên tôi cũng được an ủi. Nếu gặp lại, chắc các con không nhận ra mẹ mình, 22 năm rồi…” - bà Bậu chậm rãi lật từng trang album ảnh, rồi lấy tay quệt lên đôi mắt. |
Còn bà Bậu, khi lập gia đình bên Trung Quốc, bà cũng trình bày đã có 2 người con bên Việt Nam và gia đình nhà chồng không có ý kiến gì. Đợt về quê này, bà Bậu có ý định liên hệ để qua Canada thăm 2 đứa con mình nhưng vì nhiều lý do nên không thực hiện được, và hẹn vào một dịp gần nhất.
Sóng gió xô đẩy, cuộc đời bà Phạm Thị Bậu chuyển sang một bước ngoặt mới. Bà tự nhận mình là người may mắn với cuộc sống ở xứ người. Về thăm lại chốn xưa, những hồi ức một thời kham khổ lại dấy lên trong người đàn bà từng trải và không thôi nhớ về những đứa con phải chia ly khi đang lúc cần mẹ nhất. Nước mắt bà cứ thế chảy dài, như vô tận…
VĂN HÀO - PHAN VINH - HÀ AN