Đi tìm "năm sinh" huyện Tiên Phước

DIỄM LỆ 20/04/2016 10:02

Việc xác định chính xác năm khai sinh ra huyện Tiên Phước có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiêng liêng đối với nhân dân địa phương. Chính vì thế, lãnh đạo huyện Tiên Phước và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã cùng ngồi lại để xác định thời điểm huyện Tiên Phước ra đời.

Tọa đàm khoa học xác định thời gian ra đời của huyện Tiên Phước. Ảnh: D.L
Tọa đàm khoa học xác định thời gian ra đời của huyện Tiên Phước. Ảnh: D.L

Nhiều tài liệu, công trình lịch sử có những luận điểm khác nhau về mốc thời gian huyện Tiên Phước được khai sinh. Có tài liệu cho rằng Tiên Phước ra đời năm 1916, cũng có công trình nghiên cứu nhận định Tiên Phước thành lập năm 1920, rồi 1919 hay 1922… Ý kiến của cá nhân ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, đã “đánh” trúng nỗi niềm đau đáu của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Tiên Phước. Ông Sinh cho rằng, không có huyện nào trong tỉnh lại như Tiên Phước, năm ra đời của huyện có quá nhiều ý kiến, công trình khác nhau với những mốc thời gian khác nhau. Có thể rằng đây là khiếm khuyết của lịch sử, nhưng phải đi tìm cho ra câu trả lời để bù đắp vào khiếm khuyết ấy. Và đã là lịch sử, đã là khoa học thì phải nghiên cứu, thảo luận, và tìm ra những căn cứ thuyết phục nhất nhằm xác định năm sinh cho vùng đất trung du này. Ngay lập tức, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước bắt tay vào việc chuẩn bị một tọa đàm khoa học nhằm tìm ra chính xác năm thành lập huyện.

Sợ lỗi với quê hương

Từ thời điểm nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào triển khai đến ngày quyết định tổ chức tọa đàm chỉ vỏn vẹn có 10 ngày. Các nhà khoa học ở Huế nhận được lời mời tham gia tọa đàm đã cất công tìm kiếm, sưu tra tư liệu. Các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh cũng không nằm ngoài cuộc. Bất cứ một tư liệu nào liên quan đến thời gian thành lập huyện Tiên Phước đều được khai thác một cách cật lực. PGS-TS. Trương Công Huỳnh Kỳ (Trường Đại học Sư phạm Huế) chia sẻ, từ khi nhận được lời mời đến khi vào Tiên Phước tham gia tọa đàm ông chỉ có vỏn vẹn 7 ngày để hoàn chỉnh nghiên cứu. Dù đã có những tư liệu được nghiên cứu trước đó, nhưng lâu nay ông vẫn còn phân vân chưa dám xác định. Khi có cuộc tọa đàm, ông đã lao vào tìm lại những công trình lịch sử của các tác giả đến những tài liệu lịch sử bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt, chỉ với tâm niệm làm sao tìm được câu trả lời chính xác nhất.

Lãnh đạo đương nhiệm của huyện Tiên Phước lo rằng, nếu “lỡ” sau này mới xác định đúng năm 1916 là mốc thời gian khai sinh ra huyện e rằng đã trôi qua mất một sự kiện trọng đại (100 năm thành lập huyện), sẽ mang nợ với quê hương, có lỗi với nhân dân. Vì thế mà tọa đàm diễn ra trong bối cảnh gấp gáp, nhưng lại chứa đựng kỳ vọng, cũng như mang tinh thần trách nhiệm hết sức cao của những người tham gia. Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - Phạm Văn Đốc nói rằng, việc đi tìm câu trả lời chính xác cho năm Tiên Phước ra đời là điều vô cùng quan trọng, thôi thúc bao thế hệ lãnh đạo, nhà nghiên cứu về Tiên Phước tìm lời giải. Ông Đốc chia sẻ: “Mỗi khi có một nhà khoa học nhắn tin hay điện thoại bảo với tôi là đã tìm ra năm thành lập huyện Tiên Phước, tim tôi như muốn vỡ tung vì sung sướng. Bởi đây là vấn đề rất hệ trọng đối với huyện. Tham gia tọa đàm lần này, mỗi nhà khoa học có cách tiếp cận tài liệu, luận chứng khác nhau, nhưng cùng chung tâm huyết dành cho Tiên Phước. Chúng tôi ghi nhớ công lao đó của các nhà khoa học!”.

Xác định mốc thời gian

Tham gia buổi tọa đàm, nói về cách tiếp cận vấn đề, ThS. Nguyễn Quang Trung Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Khoa học Huế cho biết, ông tìm hiểu về thời điểm thành lập huyện Tiên Phước qua các văn bản như dụ, sắc lệnh, nghị định, quyết định… Vì thế, ông đã cất công lục tìm những tài liệu của triều đình Huế và chính phủ Đông Dương có ghi chép về huyện Tiên Phước. Qua tìm hiểu của ông Tiến, trong công trình sử biên niên đáng tin cậy của Quốc sử quán triều Nguyễn là “Đại Nam thực lục”, ở phần Chính biên Đệ thất kỷ, được dịch và xuất bản năm 2012, đoạn tháng 11 năm Bính Thìn (tương ứng vào thời điểm cuối năm 1916), ở mục 0105 trang 115 ghi rằng: “Bắt đầu đặt huyện Tiên Phước (thuộc tỉnh Quảng Nam). Trích các tổng thượng du ở hai phủ Thăng Bình, Tam Kỳ đặt riêng làm một huyện, vì địa thế phủ Tam Kỳ kéo dài, quản trị không tiện nên làm như thế”. Ông Tiến còn dựa vào bộ tài liệu phát hành chính thức của Pháp lúc ấy là Niên giám Đông Dương thì thấy cuối năm 1916 chưa thống kê có huyện Tiên Phước ở Quảng Nam, nhưng sang năm 1917 thì đã có tên huyện Tiên Phước. Vì thế ông Tiến khẳng định năm 1916 thì triều Khải Định đã có dụ cho thành lập huyện Tiên Phước, nhưng là văn bản kiến nghị chứ chưa phải là quyết định vì quyết định thuộc quyền của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Nhưng đến nay ông vẫn chưa tìm được quyết định này, nên nếu lấy dụ của nhà vua làm chính thì Tiên Phước có tên từ năm 1916.

PGS-TS. Nguyễn Văn Đăng (giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế) chia sẻ, qua nghiên cứu cuốn “Hoàng Việt giáp tý niên biểu” của tác giả Nguyễn Bá Trác in bản chữ Hán năm 1925, trong bản dịch in năm 1963 có đề cập: “Tháng 11 Bính Thìn (1916)… cho phép thiết lập thêm huyện Tiên Phúc (tức Tiên Phước) ở Quảng Nam”. Ông Đăng tin tưởng vào tài liệu này, bởi tác giả Nguyễn Bá Trác là người đương thời, sinh sống và làm việc trong chính phủ Nam triều và có nhiều công trình nghiên cứu nên những ghi chép của ông khá đầy đủ và đáng tin cậy.

Một số nhà nghiên cứu khoa học lịch sử khác có mặt tại buổi tọa đàm cũng đã cùng nhau bàn thảo, và khẳng định rằng, dù quyết định của Phủ Toàn quyền Đông Dương ra đời ở thời điểm nào, thì cái tên Tiên Phước chính thức xuất hiện vào năm 1916, dựa trên chỉ dụ của vua Khải Định. Việc xác định địa giới hành chính hay thiết lập bộ máy công quyền có thể kéo dài đến sau này, nhưng năm 1916 chính là thời điểm Tiên Phước ra đời. Vì vậy, kết luận tại buổi tọa đàm, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước cùng các nhà khoa học thống nhất rằng năm 1916 chính là năm sinh của huyện Tiên Phước, và năm 2016 này vừa tròn kỷ niệm 100 năm thành lập huyện.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ