Phát hiện, xử lý khai thác vàng trái phép: Cần giải quyết tận gốc
Miền núi Quảng Nam trù phú về tài nguyên khoáng sản, nhất là các mỏ vàng. Nhưng đây cũng là “miền đất dữ” bởi liên tiếp xảy ra những cái chết đau thương do tai nạn lao động. Phía sau câu chuyện về vàng là sự buông lỏng công tác quản lý của địa phương, xem thường kỷ cương pháp luật...
Giấu thông tin
Hơn chục năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép ở các địa phương miền núi trong tỉnh diễn ra phức tạp. Tiền tỷ ngân sách nhà nước bỏ ra trong các chiến dịch truy quét, đẩy đuổi đối tượng khai thác bất hợp pháp ra khỏi rừng, song tình hình chưa mấy cải thiện. Có cảm giác rằng, lực lượng chức năng đã “đuối sức” trong cuộc tuyên chiến với “vàng tặc”. Sự vụ 4 người chết do ngạt khí trong hầm lò khai thác vàng ở thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) đã cho thấy một sự thật: thực tế đang diễn ra hoàn toàn không “đẹp” như báo cáo của chính quyền các địa phương. Đơn cử, dịp trước Tết Bính Thân 2016, UBND tỉnh yêu cầu các huyện kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép và báo cáo kết quả. Trong khi huyện Phước Sơn và Nam Trà My đã thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo, đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi địa bàn, phá hủy nhiều công cụ khai thác vàng trái phép thì ngược lại huyện Nam Giang lại thả nổi khi cho rằng, tại địa phương không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong dịp này. Trả lời với báo chí về việc hầm vàng thổ phỉ ngang nhiên tồn tại ở sát thị trấn Thạnh Mỹ gây chết 4 phu vàng vừa qua, ông Alăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nam Giang còn đổ lỗi cho chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ là... không báo cáo. Dư luận thắc mắc, có phải ngành chuyên môn của UBND huyện Nam Giang không nắm thông tin, hay làm ngơ để vàng tặc lộng hành?
Khai thác vàng trái phép tái diễn liên tục. TRONG ẢNH: Lán trại khai thác vàng trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, đoạn qua xã Đăk Pring (Nam Giang). Ảnh: TR.HỮU |
Riêng bảo vệ tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành và cấp chính quyền; thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát khoáng sản liên ngành (gồm các ngành tài nguyên, nông nghiệp, công an, quân đội); vào thời điểm nhạy cảm tỉnh đều triển khai kế hoạch, chiến dịch truy quét. Mặc dù đã có “cây gậy thần” trong cuộc đấu tranh với vàng tặc, song gần như ngành chức năng lẫn chính quyền sở tại vẫn chưa làm hết nhiệm vụ, chức trách được giao. Bãi vàng lậu nằm sát trụ sở chính quyền, đây là cơ sở để khẳng định có tình trạng bao che, dung túng của cán bộ địa phương. Thời điểm trước Tết Bính Thân 2016, trong lần đi công tác ở vùng cao xã La Êê (Nam Giang), phóng viên đã ghi nhận tình trạng tận thu vàng cách trụ sở UBND xã này chưa đầy 1km, lại diễn ra giữa chốn thanh thiên bạch nhật.
Cần giải quyết tận gốc
Từ năm 2013 đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép đã cướp đi sinh mạng 21 người. Trong đó, xảy ra vụ sập hầm lò ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) ngày 5.5.2013 khiến 3 người chết; 3 phu vàng tử vong tại xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) ngày 12.2.2014; xã Tam Lãnh ngày 1.1.2015 xảy ra tai nạn làm 2 người chết; năm 2014 xã Ba (huyện Đông Giang) có 4 người tử nạn; và vừa qua là 4 người tử nạn tại thị trấn Thạch Mỹ, Nam Giang. |
Các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Trong khi tinh thần thì quyết liệt nhưng khâu xử lý cán bộ vi phạm thì chưa nghiêm khắc. Thực tế một số địa phương tái diễn liên tục tình trạng khai thác trái phép, nhưng đến nay vẫn chưa có hình thức kỷ luật nào với lãnh đạo chính quyền. Trong khi đó, đấu tranh với vàng tặc chỉ mới ở giải pháp tình thế. Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, để cắt đứt đường đi của đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo các ngành chức năng cắt đứt 2 tuyến đường thiết yếu. Đó là tuyến đường mòn từ dốc Chữ A, xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến núi Kẽm, xã Trà Kót (Bắc Trà My) do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu mở đường để thăm dò vàng trước đây và tuyến đường đất mới san ủi trái phép dài hơn 1,5km từ xã Tam Trà (Núi Thành) sang xã Trà Kót (Bắc Trà My). Tuy nhiên, bây giờ đối tượng đã chuyển sang đường “tiểu ngạch” vào mỏ vàng Tam Lãnh.
Hiện nay, một số doanh nghiệp khai khoáng dù giấy phép đã hết hiệu lực, nhưng lợi dụng thu hút “vàng tặc” vào hoạt động, rồi chia phần lợi nhuận. Trên địa bàn tỉnh còn 8 điểm vàng gốc phân bố ở các huyện Đông Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh do người dân tự tìm kiếm, phát hiện và tái diễn dai dẳng nạn khai thác trái phép. Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh) cho rằng, vì Bộ Tài nguyên - môi trường chưa đồng ý cho tỉnh cấp phép khai thác các điểm phân tán vàng nhỏ lẻ nên cũng khó kiểm soát khu vực “nhạy cảm” này. Cũng theo ông Ba, dẹp triệt để “vàng tặc” quá nan giải. “Hình thức truy quét của cơ quan chức năng chỉ mới giải quyết phần ngọn, chứ nhìn chung chưa triệt để” - ông Ba nhìn nhận.
Trước vụ 4 phu vàng chết thảm ở Nam Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chỉ đạo kiểm tra toàn bộ các khu vực có biểu hiện khai thác khoáng sản trái phép, truy quét, đẩy đuổi, phá hủy các hầm lò. Đồng thời huy động tối đa phương tiện, nhân lực nhằm đảm bảo phòng ngừa không để xảy ra tai nạn lao động.
TRẦN HỮU