Chợ điện tử cho nông dân

QUỐC HƯNG 19/04/2016 08:20

Chính phủ Ấn Độ và Indonesia vừa khai trương cổng thương mại điện tử nông nghiệp để giúp cải thiện thu nhập của nông dân.

Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố khai trương cổng thương mại điện tử dành cho nông dân có tên gọi e-NAM (National Agriculture Market: Chợ nông nghiệp quốc gia) nhằm giúp nông dân có thể tiến hành giao dịch buôn bán nông sản trong phạm vi toàn quốc. Thủ tướng Ấn Độ cho biết, e-NAM lần đầu tiên được đưa vào ứng dụng xem như một bước đột phá quan trọng cho nền nông nghiệp Ấn Độ trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Theo thống kê, hiện có đến 60% tổng số lao động tại Ấn Độ tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Một khu chợ nông sản ở Indonesia. (Ảnh: dawn)
Một khu chợ nông sản ở Indonesia. (Ảnh: dawn)

Trong giai đoạn đầu, e-NAM cho phép kết nối nông dân tại 21 khu chợ nông sản ở 8 bang với 23 mặt hàng được giới thiệu như hành, tỏi, bột mì, bột bắp, lúa… Với cổng thương mại điện tử e-NAM, người nông dân có thể quản lý chi phí, nắm bắt nhu cầu của khách hàng và dễ dàng tiếp cận các thị trường ở các vùng khác nhau. Phát biểu tại buổi lễ khai trương e-NAM tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Modi khẳng định: “Việc sử dụng cổng thương mại điện tử giúp nông dân có thể quyết định họ có thể bán nông sản tại đâu, khi nào, giá cả bao nhiêu, đồng thời mang lại cả lợi ích cho người tiêu dùng hay kinh doanh”. Theo kế hoạch, e-NAM tiếp tục được triển khai tại 400 chợ nông sản ở Ấn Độ vào tháng 3.2017 và lên 518 chợ vào một năm sau đó.

Như vậy, e-NAM giúp minh bạch hóa thông tin về giá cả và thị trường nông sản tại Ấn Độ, qua đó hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân. E-NAM được kỳ vọng sẽ góp phần giúp chính phủ đạt được mục tiêu tăng thu nhập của nông dân lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Cũng vào tháng Hai vừa qua, Chính phủ Ấn Độ cam kết chi hàng tỷ USD trợ giúp người nông dân, thông qua nhiều giải pháp khác nhau như chương trình bảo hiểm mùa màng và tăng khả năng tiếp cận thị trường trong bối cảnh nhiều nông dân Ấn Độ gặp khó khăn, mất mùa do hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tương tự, Indonesia vừa khai trương hệ thống thương mại điện tử dành cho nông sản với nỗ lực cắt giảm chi phí dây chuyền phân phối nông sản từ người nông dân đến người tiêu dùng mà cả hai đối tượng này luôn bị áp lực về giá cả. Để đạt được kết quả như mong đợi, chính phủ Indonesia cho biết thực hiện các chính sách hỗ trợ để nông dân có thể tiếp cận được các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số như qua công cụ điện thoại thông minh, các ứng dụng di động, công nghệ thông tin… Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong cho biết, cổng thương mại điện tử giúp thu nhập của người nông dân tăng thêm 15% sau các vụ màu, trong khi người tiêu dùng hưởng lợi giá rẻ hơn khoảng 15% tương đương từ các mặt hàng.

Indonesia là nước đông dân lớn thứ 4 thế giới và là nước sản xuất nông nghiệp đứng thứ 10 trên thế giới. Nền nông nghiệp chiếm 42% dân số tại Indonesia (khoảng 49 triệu người). Dù vậy, nông dân Indonesia vẫn thường xuyên gặp khó khăn về đầu ra cho nông sản vì nhiều lý do khác nhau, trong đó do không bắt đúng nhu cầu thị trường, thông tin giá cả. Ngoài ra, cũng giống như nhiều nước khác, chính phủ Indonesia thường xuyên tiến hành thu mua lúa của nông dân nhằm cắt giảm các khâu trong chuỗi phân phối cũng như giảm sự ép giá của thương lái. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích gieo cấy, tăng năng suất để Indonesia có thể đạt được mức tự cung tự cấp, đặc biệt với mặt hàng lúa gạo.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG