Tre giữ làng

ĐÌNH QUÂN 16/04/2016 10:34

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng…

Trên đường ra Đà Nẵng tôi ngồi cạnh giáo sư Mai Ngọc Chừ - Chủ nhiệm Khoa Đông phương học Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Có phải vì thoáng nghe câu hát Làng tôi của Chung Quân mà khi xe vừa vào địa phận thị xã Điện Bàn thầy Chừ liền cảm thán: tỉnh Quảng Nam của các anh rất hay là còn giữ được nhiều cây cau và tre. Sao thầy lại nói như vậy? Tôi gốc người Thái Bình nhưng sống rất lâu ở Hà Nội, cứ mỗi bận đi về thăm nhà tôi thường chứng kiến bao tre, hàng tre, lũy tre.. bị chặt phá. Bây giờ những vùng duyên hải Bắc Bộ khó mà tìm thấy cây tre. Sự thay đổi nhanh chóng ấy là do tốc độ của  đô thị hóa; là khi các địa phương mở ra quá nhiều xưởng máy; là khi các khu công nghiệp phát triển ồ ạt; là khi cha mẹ phân chia đất đai cho con cái vô tình đã triệt hạ những loại cây truyền thống… Mà anh biết đấy, hễ khi nhắc đến làng quê Việt, cây cau luôn gợi cho ta bao nét hiền hòa. Đặc biệt, cây tre mang ý nghĩa lớn lao hơn là để giữ đất, giữ làng. Giữ ở đây là vì tre có sức sống lâu bền ngăn chặn được sự tàn phá của thiên tai và hơn hết tre như “trận đồ” che chắn, bảo vệ sự bình yên cho bờ cõi giang sơn đất nước…

Đường làng. Ảnh: MINH HẢI
Đường làng. Ảnh: MINH HẢI

Tôi chợt nhớ bài học đầu tiên cây tre cũng chính là vũ khí chống giặc ngoại xâm của sử Việt. Tráng sĩ Phù Đổng mặc áo giáp, cầm roi sắt, nhảy lên ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa lao vào thiên binh vạn mã toát lên cái bá khí cường liệt dị thường, thây giặc phơi như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre ven đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ… Nhớ nỏ liên châu do tướng quân Cao Lỗ chế tạo thời Thục phán An Dương Vương,  tương truyền mỗi lần bắn ra được nhiều mũi tên. Ắt hẳn sẽ có hàng  vạn tên tre đã bịt sắt, bịt đồng làm cho quân giặc tan tác. Nhớ bãi chông tre Ngô Vương Quyền bài binh bố trận cắm dày đặc trên sông Bạch Đằng làm máu giặc nhuộm đỏ… Và như tự rất lâu cây tre như cốt cách của người Việt thể hiện trong Tre Việt Nam của Nguyễn Duy: Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù. Dân tộc ta vốn sống đời thuần hậu, siêng năng cần mẫn nhưng cũng rất can trường khí phách không bao giờ chịu lom khom làm kẻ cúi đầu: Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường….

Lần giở giai đoạn chính quyền Mỹ - Diệm lập ấp chiến lược được xem là một “kế sách”. Đến năm 1966 chuyển thành ấp đời mới hay ấp tân sinh. Chương trình này lập ra hòng loại lực lượng du kích ra khỏi làng quê để dễ bề tiêu diệt; nhất là gây khó khăn cho những người cộng sản hoạt động. Chúng thiết lập hàng rào vi. Chúng bắt mỗi nhà đóng góp ít nhất khoảng mười cây tre trở lên. Tre pheo làng quê hồi đó chặt hạ với khối lượng rất lớn. Hàng rào vi chúng cắm thành 2 hàng tre cao vút chạy dài. Ban ngày chúng mở cửa cho dân  ra ngoài để làm đồng. Chiều về chúng báo động lùa hết dân vào trong rồi đóng chặt. Hàng rào vi một thời gây bao thất tán nhân tâm: Dòng đời năm tháng không về/ Từ ngày giặc tới bờ tre tơi bời/ Vườn khoai rẫy sắn thôi tươi/ Và cô thôn nữ không cười trong nương… (Làng tôi – Vũ Quỳnh Bang).

Cũng có lần tôi theo chân ông Phạm Lộc về quê chơi ở Tam Thăng. Lúc vui chuyện ông nói: Hồi ấy quê làng ở đây thường bị ca nông từ Tuần Dưỡng, tỉnh đường Quảng Tín bắn tới. Để tránh trú đạn pháo người dân bèn nghĩ cách phải đào hầm. Khi đào hầm phần lớn gặp tầng đất cát nên có được một căn hầm cũng không khó. Sau này người dân mới nghĩ thêm việc đào hầm từ trong nhà thông ra dọc bờ tre. Làm thử thấy có hiệu quả, nên người dân truyền tai với nhau mà hình thành một địa đạo liên hoàn phục vụ trong việc tiếp nhận mật lệnh, chỉ thị của trên,… cũng như bền gan trong chiến đấu… Bờ tre, rễ tre… ngẫu nhiên bám chặt vào địa đạo Kỳ Anh chạy dài, hình thành thế trận lòng dân vượt qua năm tháng.

Nói về cây tre trong thời bình, chợt nhớ một thời ở xứ Quảng ai cũng cho kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc là người “không bình thường” khi ông quyết định rời bỏ cuộc sống sung túc ở bên Pháp mà trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Vùng đất đầu tiên mà ông đến thuê lâu dài là vùng trũng thấp, dân phải dời đi vì đất ven sông mỗi ngày sạt lở nghiêm trọng. Bắt tay vào cuộc - dải đất  ven sông Thu Bồn - ông Quốc cho trồng tre ngay. Thế rồi hàng hàng lớp lớp bờ tre bao bọc chạy dài. Khi nhận ra việc chống xói lở có hiệu quả ông Quốc  tiến hành gầy dựng Khu du lịch nhà vườn sinh thái Triêm Tây. Có thể nói, dự án du lịch của ông Quốc thành công là nhờ biết vận dụng vào cây tre.

Số phận cây tre có những bước thăng trầm.  Vì vật dụng làm ra từ cây tre mỗi ngày mỗi ít đi kể cả mất hẳn. Rổ rá, giần sàng, nong nia, cót liếp, cột kèo, thuyền mủng, giẻ ghe… trong đời sống dần dà được thay thế bằng những chất liệu gỗ, nhựa, nhôm, inox... Tưởng như cây tre chẳng còn ích dụng gì. Nhưng theo Hiệp hội Mây tre lá Quảng Nam, mỗi năm tỉnh phải nhập khoảng 800 tấn tre phục vụ cho sản xuất các sản phẩm từ tre như: tăm, chổi, tranh mỹ nghệ,  tấm ép công nghệ… Kỹ sư Võ Tấn Tân ở xã Cẩm Thanh, Hội An chế tạo khung sườn xe đạp bằng tre được khách quốc tế ưa chuộng. Còn họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - chủ nhân ngôi nhà lá mái ở Mỹ Sơn cũng tiết lộ sang năm các tỉnh phía nam đặt hàng thì anh sẽ thực hiện một số nhà lá mái bằng tranh tre cho họ v.v.

Cây tre vẫn là câu chuyện dài. Mong sao khi xây dựng nông thôn mới hay phát triển khu, cụm công nghiệp các nhà hoạch định cần tính toán kỹ lưỡng: cái nào cần phá bỏ, cái nào cần gìn giữ để tránh những hệ quả đáng tiếc như thầy Chừ vừa cảm nhận về cây tre khi ghé qua Quảng Nam.

Trong Truyện Kiều, ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya ta nghe Kiều than thở: Tái sinh chưa dứt hương thề/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. Vâng, trúc mai chính là cây trúc và cây bương. Trúc là loại tre nhỏ. Bương là giống tre to ở rừng. Cây bương già ra hoa thường gọi bông mai. Trúc mai chính là biểu tượng nghìn đời với những tâm hồn thẳng ngay thủy chung của dân tộc Việt dẫu ai đó có lúc đi xa vẫn thường nhớ về: Tôi đi từ bấy đến giờ/  Đêm đêm tôi ngủ thường mơ thấy làng… Thấy làng cũng là thấy tre đấy thôi!

ĐÌNH QUÂN

ĐÌNH QUÂN