Danh thơm đời đời
Ngày Quốc giỗ Hùng Vương năm nay (10.3), đất và người Tam An, Phú Ninh có thêm niềm vinh dự, tự hào khi được đón nhận Bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh cho mộ tiến sĩ Nguyễn Thích. Dịp này, con cháu trong chi hệ tộc Nguyễn Dục - Nguyễn Thích, tề tựu về cố xứ tế tự tổ tông, tri ân anh linh tiền nhân đã để danh thơm truyền mãi...
Ngôi làng ở gần tháp Chiên Đàn đó đã lưu dấu nhiều giá trị lịch sử văn hóa mà ai qua miền Hà Đông xưa đều nhắc. Bởi ở đó, có nhiều bậc danh sĩ, chí sĩ, không những góp công tạo dựng cơ nghiệp cho con cháu mà còn làm “rường cột” trong các sự kiện một thời vang bóng của đất nước, quê hương.
Nhà của các đại khoa
Dòng tộc Nguyễn ở ấp Gia Thọ xưa, An Thọ nay, còn lưu truyền câu chuyện về cụ Nguyễn Văn Túy, một bậc túc nho, không màng con đường làm quan mà mở trường dạy học. Cụ khuyên con cháu giữ nếp nhà thanh bần mà tôn nghiêm, chuyên tâm làm việc thiện và dốc sức dạy dỗ, nuôi dưỡng những tài năng đức độ. Đời vua Tự Đức, năm thứ 19, cụ Nguyễn Văn Túy được sắc phong “Phụng nghi đại phu Hàn lâm viện thị độc, ban tên Thụy đoan trực”. Phu nhân của cụ Nguyễn Văn Túy là bà Ung Thị Lãng (mẹ phó bảng Nguyễn Dục) là người phụ nữ đức hạnh, một người mẹ mẫu mực “tỏa sáng trong bóng tối”, được ban tặng “Chánh Ngũ phẩm Nghi nhân”. Từ chiếc nôi ấy đã thai sinh danh nhân Nguyễn Dục.
Di tích liên quan các danh nhân, chí sĩ là nơi nhắc nhớ truyền thống cho muôn đời sau. Ảnh: XUÂN NGHĨA |
Nguyễn Dục (1807-1877), năm 1838, 31 tuổi thi hội đỗ phó bảng được bổ quan nhưng ông xin được ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Sau khi mẹ mất, đến năm 1843 mới ra làm quan nhưng chỉ 4 năm sau lại cáo bệnh về quê. Tại quê nhà, suốt 14 năm, ông mở trường dạy học. Năm Tự Đức thứ 14 (1861) lại ra nhận chức giáo thụ, sau làm quan Đốc học, Lang trung bộ Lại... Năm 1866, được Tham tri bộ Lại Phạm Phú Thứ (cũng là người Quảng Nam) tiến cử, nên vua Tự Đức đặc cách Tế tửu Quốc tử giám (tương đương Viện trưởng viện đại học quốc gia). Năm 1877, Nguyễn Dục dâng sớ xin về nghỉ hẳn ở quê nhà.
Có thể nói, sự nghiệp của cụ Nguyễn Dục chính yếu là dạy học, làm thầy dạy cho nhiều lớp học trò, trong đó có cả hoàng tử, vì thế một bản dụ của vua Tự Đức xác tín: “Dục, về đức hạnh thuần khiết và lão luyện, xử việc thận trọng, lại hay xem xét mọi lẽ nghiêm chỉnh nên hoàng tử biết kính sợ...”. Sử sách cũng chép: “(Nguyễn) Dục là người trung hậu, giản dị, văn chương lại thuần nhã... làm quan thời thanh liêm, thân sĩ ở Nam Châu thường suy tôn ông là người có học hạnh” (Đại Nam chính biên liệt truyện). Danh thần nhà Nguyễn là Nguyễn Thuật cũng đã viết: “Thói đời khác xa, người làm quan đau đáu lợi danh, nhưng ông (Nguyễn Dục) thì lặng lẽ sống đời cao khiết thanh bạch, vượt khỏi hạng tầm thường, không màng vàng bạc,... mười lăm năm làm quan thẳng thắn, không lo toan của tiền. Cho nên, một mai ra đi không lưu luyến thứ gì. Sự tiến thoái của ông khớp với nghĩa, ấy là đạo dạy người”.
Dạy người, dạy thiên hạ thì khó kể hết, nhưng trong gia quyến cụ Nguyễn Dục đã là tấm gương sáng cho con cháu. Trần Văn Dư (1839 -1885) là học trò, sau thành con rể cụ, đã noi theo con đường học hành để năm 1875 đỗ tiến sĩ. Và người con trai trưởng của cụ Nguyễn Dục là Nguyễn Thích (1850 - 1885), cũng là em vợ của cụ Trần Văn Dư, đỗ tiến sĩ 1884.
Hai chí sĩ kháng Pháp
Người con rể và con trai của cụ Nguyễn Dục không chỉ giỏi về học vấn mà còn có chí khí ngất trời trên con đường “vị nước vong thân”.
Tiến sĩ Trần Văn Dư ra làm quan nhiều nơi, từng dạy học cho Dục Đức và Đồng Khánh. Tuy nhiên, ông đã sớm bí mật tập hợp lực lượng kháng Pháp. Đặc biệt, khi cuộc phản công của phe chủ chiến ở kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương (13.7.1885), thì tháng 8 năm ấy, Trần Văn Dư cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La Nguyễn Thành... thành lập Nghĩa hội Quảng Nam để hưởng ứng. Nghĩa hội do ông làm thủ hội, đã ra cáo thị kêu gọi toàn dân đứng lên chống Pháp và huy động nghĩa binh khắp vùng. Nghĩa hội đã xây dựng các căn cứ ở Dương Yên, Tân Tỉnh..., tổ chức tấn công gây nhiều tổn thất cho quân Pháp và Nam triều, có lúc chiếm và làm chủ tỉnh thành La Qua. Tuy nhiên, về sau sức cùng lực kiệt. Riêng Trần Văn Dư, bị Tuần phủ Châu Đình Kế bắt giữ và tư thông với giặc Pháp để giết ông tại La Qua vào ngày 13.12.1885.
“Nguyễn Dục vốn giữ Thị Lang, sung làm giáo đạo Dục Đức Đường là hoằng tài trong hàng phụ phát, là rường cột vĩ đại, từng đi lên qua những chức trọng yếu trong nhiều quận, kết giao với những bạn bè tốt đẹp cả trong lúc gian nan ở chốn miếu đường, lắm phen được ca ngợi là bậc mô phạm tốt đẹp hợp với vũ nghi, cố gắng mọi việc đều xong không lười nhác, chăm chăm giữ ý cung kính, xếp đặt vỗ về làm cho những điều đoan chính càng tốt đẹp...”. (Chiếu vua Tự Đức, năm 1877) |
Cùng mang tư tưởng kháng Pháp như người anh rể, tiến sĩ Nguyễn Thích đã sớm đứng về phe chủ chiến, ủng hộ vua Hàm Nghi khi ông ra tham triều nhập chính (được bổ giữ chức Hành tẩu Tư vụ Cơ Mật Viện). Viện Cơ Mật là cơ quan tư vấn cho vua giải quyết các chính sách đối nội, đối ngoại và những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quân sự. Được bổ dụng vào cơ quan trọng yếu này, tiến sĩ Nguyễn Thích có điều kiện nắm rõ tình hình và bộ máy lãnh đạo đất nước. Lúc bấy giờ, tình hình đang nước sôi lửa bỏng. Nhiều sử liệu cho biết, những nỗ lực của phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết dần làm cho triều đình Huế vượt tầm kiểm soát của thực dân Pháp. Rồi việc gì đến tất phải đến, vào nửa đêm 4.7, rạng ngày 5.7.1885, (tức đêm 22 rạng ngày 23 năm Ất Dậu), tiếng súng đánh Pháp nổ ra. Quân triều đình tấn công khu nhượng địa Mang Cá và Tòa Khâm sứ. Quân Pháp cố thủ trong doanh trại đợi trời sáng để phản công. Sau 5 giờ chiến đấu, đạn dược của quân triều đình cạn dần. Quân Pháp tập trung hỏa lực phản kích rồi tràn vào thành. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời kinh thành lên phía bắc để tiếp tục cuộc kháng chiến. Trong trận đại chiến ấy, Nguyễn Thích cùng các quan viên thuộc hạ đốc binh chiến đấu rất ngoan cường để bảo vệ kinh thành Huế. Dù trong thế cùng lực kiệt, tiến sĩ Nguyễn Thích cùng các quan viên vẫn quyết chiến đến cùng, nhất định không đầu hàng giặc. Kinh thành thất thủ, ông cùng các quan viên hy sinh oanh liệt trước cổng thành Huế. Kinh thành Huế chìm trong khói lửa, chết chóc thê lương với hàng chục ngàn người. Đó là sự kiện bi thương được các sử gia ghi lại dưới tên gọi Ngày Thất thủ kinh đô.
Và một lối về cố hương
Hai cha con Nguyễn Dục - Nguyễn Thích, và người con rể Trần Văn Dư, đã trở về nằm giữa cố hương. Họ vĩnh viễn ra đi nhưng danh thơm vẫn còn truyền hậu thế. Nơi làng xưa, vẫn còn lưu dấu phần mộ, nhà thờ, nhà lưu niệm để con cháu mỗi năm về vọng bái, nhắc lại truyền thống khoa bảng và lòng yêu nước nồng nàn. Trên quê hương Phú Ninh, Quảng Nam, và các thành phố trong cả nước, nhiều con đường, trường học đã mang tên các vị danh nhân, chí sĩ ấy, như nhắc nhớ về sự tri ân mãi mãi với những đóng góp cho lịch sử, dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Kim Châu, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn Dục, người suốt nhiều năm tháng góp sức để dựng nhà lưu niệm và tu bổ di tích của các bậc tiền nhân trong dòng họ này, nói rằng, truyền thống giáo dục và lòng yêu nước thương dân của cha ông chính là “báu vật” truyền đời. Di tích lịch sử văn hóa liên quan đến cụ Nguyễn Dục, Trần Văn Dư đã sớm được công nhận và giờ đây thêm mộ tiến sĩ Nguyễn Thích được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh, càng khẳng định điều đó.
Một lối về cố hương với cổ tháp và ngôi làng đậm đặc di tích, thấm đẫm lòng người bao hồi quang ký ức lịch sử để yêu thêm mảnh đất quê nhà.
NGUYỄN ĐIỆN NAM