Lay lắt ở Biển Hồ

Phóng sự của SONG ANH 16/04/2016 08:35

Biển Hồ (Tonlé Sap, Campuchia), những ngày cơ cực nhất là nguồn nước cạn kiệt. Hàng ngàn người Việt sinh sống tại đây loay hoay như thuyền mắc cạn.

Chưa bao giờ Tonlé Sap - tên gọi quốc tế của Biển Hồ, lại khô tận đáy như vậy. Vùng sông nước mênh mông giờ nhìn toàn đồng bãi. Nhà bè và ghe mắc kẹt… trên đất. Nước rút cạn trơ một vùng đất rộng. Trong lòng Biển Hồ, có thể đi bộ từ phía này qua phía kia. Nguồn nước xuống mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử. Sông Mekong đoạn qua Biển Hồ từ đầu mùa khô đến nay đổ nước về tính bằng từng mét khối lẻ. Không đủ nước cho tỉnh Kampong Chhnang - nơi Biển Hồ chiếm diện tích lớn nhất, và càng không thể làm nhiệm vụ điều tiết cho những vùng lân cận, Campuchia nâng mức cảnh báo khô hạn lên đỉnh điểm.

Nhà người Việt mùa cạn ở Biển Hồ.
Nhà người Việt mùa cạn ở Biển Hồ.

Mắc cạn ở Tonlé Sap

Quay lại với đời sống của Tonlé Sap hiện tại, những người dân Campuchia tại đây nói rằng, những năm trước, mùa này nước sâu nên cá theo về khá nhiều. Hiện tại nước quá cạn, cá không có, thiếu nước sinh hoạt đã đành, nguồn nước còn ô nhiễm khiến dịch bệnh càng dễ bùng phát. Lao Poly, một người dân Campuchia khu vực này nói đang tìm cách đưa cả gia đình lên Phnom Pênh, khô hạn quá không thể nào sống được. Trong khi đó, dọc theo Biển Hồ, hàng ngàn hộ người Campuchia gốc Việt đang lay lắt bám trụ. Người gốc Việt ở đây chủ yếu sống trên các nhà bè, lấy xuồng ghe làm nhà. Mỗi năm, người Việt đều hai lần di cư. Khi nước lên, họ dời nhà vào bờ, mùa nước rút, họ lại dời nhà ra hướng Biển Hồ. Năm nay, nhiều xóm người Việt ven Biển Hồ đã dời nhà ra vùng nước sâu trước đây. Tuy nhiên, chẳng có vùng nước nào sâu hơn 1,5m. Nước rút cạn gần tới đáy. Ghe thuyền muốn đi lại khu vực Biển Hồ đều phải sắm thêm các chân vịt răng cưa, rẽ bùn mà chạy. Hàng ngàn căn nhà nổi của người Campuchia và người Việt giờ trở thành nhà cạn. Họ như bị “mắc kẹt” ở Biển Hồ, đi lại khó khăn, đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.

Trẻ con Biển Hồ.
Trẻ con Biển Hồ.

Trên vùng đất di sản Siem Reap, người Campuchia luôn miệng giới thiệu với du khách Việt những đặc sản được đánh bắt từ Biển Hồ, và không quên kèm theo lời dẫn đó là “sản phẩm của người gốc Việt”. Nhưng sự thực, từ khi Biển Hồ được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 1997), việc đánh bắt cá của người Việt ở khu vực này đã bị nhà chức trách Campuchia hạn chế. Mỗi năm họ chỉ được đánh bắt khoảng 6 tháng, khi nước lũ về. Mùa khô, tuyệt đối không được làm nghề sông. Hành trình chúng tôi đến với Biển Hồ đúng vào lúc nước ở hạ nguồn Mekong cạn kiệt. Cũng ngay thời điểm người Việt nơi này rơi vào cảnh đói kém nhất trong vòng mấy năm trở lại đây. Gió từ đồng bãi thổi vụt qua sông, thông thốc, trống hoang và trụi lủi. Những căn nhà dành cho mùa nước nổi ở Biển Hồ giờ trơ trọi giữa bạt ngàn đất cạn.

Ông Trần Văn Tư và lớp học tại Biển Hồ.Ảnh: SONG ANH
Ông Trần Văn Tư và lớp học tại Biển Hồ.Ảnh: SONG ANH

Đánh cá và ăn xin

Những đôi mắt tha hương, buồn còn hơn cảm giác mênh mông và cô độc giữa vùng đất khách. Hai nghề người Việt tại Tonlé Sap thường làm: đánh cá và ăn xin. Rất nhiều đứa trẻ được rèn luyện từ thuở lên ba, ngồi trong lòng những chiếc thau nhôm, hoặc ghe nan, hai tay thoăn thoắt chèo, quấn quanh cổ một con trăn cỡ lớn, và miệng liến thoắng: “Cho con xin mấy đồng chú ơi!”. Mr. Tùng - một hướng dẫn viên người Campuchia khá sõi tiếng Việt, nói với chúng tôi, có rất nhiều lý do nên nhà chức trách của Campuchia không thể “dọn dẹp” khu vực này. Cũng chính vị hướng dẫn này chia sẻ, những người Việt sống tại đây nhưng không chịu nói tiếng Campuchia, nên nước sở tại không nhập quốc tịch cho họ. Về Việt Nam, tại những “xóm Việt kiều” mọc lên ở Vĩnh Hưng (Long An), ngay chính trên đất nước mình, họ cũng không được thừa nhận. Chỉ biết duy nhất tiếng nói, còn chữ viết họ mù. Và biết gốc là người Việt, còn quê hương đâu, họ không rành. Họ sống như một tộc người biệt lập, và không ai thừa nhận. Nổi trôi bất tận.

Người già, phụ nữ và trẻ con, chen nhau trên sóng nước mỗi khi có đoàn khách du lịch cập bến. Xòe bàn tay trước mặt du khách, ngước đôi mắt buồn thăm thẳm, họ nói tiếng Việt thuần thục bằng giọng của người miền Tây: “Cho con xin mấy đồng mua gạo nuôi con”. Mạnh ai nấy nói. Mạnh người nào người nấy chen chân áp sát mặt vào thành tàu du lịch, với mong mỏi du khách động lòng. Những đứa trẻ gầy guộc, đen nhẻm giống nhau. Áo quần cũ nhàu. Tóc khét nắng vàng hoe. Trẻ con dễ khiến người khác mủi lòng. Nên trẻ con ở Biển Hồ như được giao nhiệm vụ “đi xin” về cho gia đình. Cũng có nhiều người mẹ trẻ thoăn thoắt tay chèo với chiếc ghe nan, con nhỏ thì nằm ngửa giữa ghe, con lớn khoảng chừng 3 - 4 tuổi thì cầm sẵn mấy cái thau, chìa ra các phía để kêu gọi lòng thương.

Người Việt sống ở Biển Hồ cũng không hiểu tại sao mình lại lưu lạc đến nay, có người đã 30 tuổi, được sinh ra trên một chiếc ghe, chưa một lần về Việt Nam, nhưng vẫn nói tiếng Việt. Nguyễn Văn Lượng nói, anh ở đây từ khi sinh ra đến bây giờ đã 4 đứa con, cũng ưng người Việt ở Biển Hồ, không giấy tờ tùy thân, con sinh ra cha mẹ tự gọi bằng tên nào nghĩ được. Anh đánh bắt cá trên Biển Hồ, vợ và con chèo ghe ăn xin. Nhà người Việt nào ở đây cũng 4 - 5 đứa con, bắt cá đổi gạo và đi xin để mua gạo mỗi khi mùa khô tới. Đàn ông ở đây rất hiếm người chỉ có một vợ như anh. Phụ nữ người Việt ở Biển Hồ đa số bị chồng bỏ để lấy vợ khác, sau khi đã có 4 - 5 mặt con, hoặc tự bỏ chồng nuôi con sau khi bị đánh đập nhiều lần…

Cư dân không quốc tịch

Họ mất cảm giác đất, xuôi ngược vật vờ. Họ sống đời tạm bợ, không quốc tịch, không được thừa nhận trên đất khách, cặm tạm mình, rồi con cái mình, giữa vùng mênh mông này. Họ bị đẩy đến cảnh phải lay lắt từng bữa ăn, phải đói nghèo và giựt giành với cộng đồng mình, nhưng cúi đầu nín nhịn với người bản xứ.

Hơn 10 năm trở lại đây, một ngôi trường dạy chữ cho trẻ con gốc Việt với tên gọi “Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ” mọc lên trên sông, từ tấm lòng của người đàn ông tên Trần Văn Tư. Đã hơn 80 tuổi, hai tháng một lần ông theo các đoàn du khách xin xe về thăm quê, rồi trở ngược lại Biển Hồ. Bây giờ ngôi trường đã tiếp nhận hơn 300 trẻ em, với 4 giáo viên thay phiên nhau dạy các em đọc chữ, làm toán. Muốn các em đi học, phải cho các em ăn sáng, ăn trưa. Tiền trả lương cho giáo viên, tiền mua thức ăn, mua thêm gạo, ông Tư tích cóp từ các đoàn cứu trợ. Vợ chồng người con trai của “thầy Tư” cũng theo cha sang đây nối nghiệp dạy cho trẻ ở Biển Hồ. Nhưng chỉ xóa được mù chữ, chứ không xóa được cái nghèo. Ông Tư kể, nhiều bữa trưa dòm qua khe cửa, có mấy chiếc ghe thập thò, cha mẹ tụi nhỏ chìa tay nói “thầy ơi đói quá, cho nhà con ít gạo”… Gần đất xa trời, ông nói chắc cũng không thể nào bỏ “ngôi trường” này.

Tháng 10.2015, Chính phủ Campuchia phát ra thông tin di dời hơn 1.500 người gốc Việt ở Biển Hồ ra khỏi khu vực này, nhằm cải thiện cảnh quan và phát triển lại thành phố Kaompong Chhnang. Và những “Việt kiều” nghèo ở Biển Hồ đối mặt với nguy cơ không có chỗ ở lâu dài. Chính quyền Campuchia muốn tích cực thay đổi hình ảnh và thúc đẩy du lịch tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tonlé Sap Lake, và buộc lòng phải dời các gia đình người Việt đến nơi ở mới. Nơi ở mới theo lời chính quyền Campuchia là một nơi cách khu vực Biển Hồ hơn 3km, trên bờ và dĩ nhiên không phải là nơi định cư lâu dài. “Chỉ là một nơi ở tạm, trong khi chờ chính quyền tìm một khu đất mới để ổn định lâu dài” - ông Nguyen Yon Mas nói, và không quên cho rằng người Việt ở Biển Hồ từ năm 1979 đến giờ, chỉ có nghề làm sông, đi khỏi sông nước thì không sống được. Nơi ở mới không có điện và nước sạch, dễ bị bão quét, không có kế sinh nhai, người Việt ở đây không chịu đi. Và họ đang cố trụ lại Biển Hồ bằng nhiều cách.

Không được thừa nhận như một công dân của nước bạn, nên tương lai với họ thật vô định. Nghe “thầy Tư” kể, người sống cực vậy, nhưng đến chết còn cực hơn. Đời người có sống đôi ngày hay đến đoạn trăm năm, đi tới vạch cuối của cuộc tiễn đưa, thì công bình như nhau. Lẽ đời là vậy. Nhưng ở Biển Hồ, phải gắng thở cho qua mùa nước nổi, thì mới cho phép mình lìa đời. Bởi lúc đó, mới được chôn cất đàng hoàng. Là chôn, nhưng sau một mùa nước, chẳng biết có còn nguyên ở đó. Còn không, thì quấn xác nằm dọc trên ghe, rày đây mai đó, thối rữa đến mức không chịu được; hoặc nữa thì trôi theo Mekong…

Kiếp người dằng dặc. Còn Biển Hồ thì mênh mông!

Phóng sự của SONG ANH

Phóng sự của SONG ANH