"Sống" nhờ ngoại binh

ANH SẮC 15/04/2016 10:27

Mùa giải V-League 2016 chỉ trôi qua 5 lượt trận nhưng có thể thấy các đội bóng dựa khá nhiều vào sức mạnh từ các ngoại binh, nhất là khâu ghi bàn.

Điển hình nhất cho việc “sống” nhờ ngoại binh là đội đầu bảng Hải Phòng. Cuối tuần qua, cặp ngoại binh trên hàng công Stevens - Fagan tiếp tục gây khốn khổ cho hàng phòng ngự Hoàng Anh Gia Lai như đã từng làm trong các cuộc đối đầu với những đội bóng trước đó. Nói không quá khi cho rằng, chính sự tỏa sáng của 2 ngoại binh này đã góp công lớn cho đoàn quân của HLV Trương Việt Hoàng lập nên chiến tích toàn thắng cả 5 trận đầu mùa để chễm chệ trên ngôi đầu bảng xếp hạng, trong đó Stevens đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới với 5 bàn còn Fagan là “ngòi nổ” lợi hại nhất, nhì V-League hiện nay. Ở trận làm khách trên sân QNK Quảng Nam tại lượt trận thứ 4, chính Fagan lập công với bàn thắng duy nhất, đem về 3 điểm quý giá cho đội bóng đất cảng. Trong khi đó, vừa trở lại sau 2 mùa giải vắng mặt vì chấn thương, Merlo lập tức trở thành “linh hồn” của SHB Đà Nẵng. Trận đấu cuối tuần qua là lần hiếm hoi cầu thủ người Argentina không ghi bàn nhưng trước đó cả 5 bàn thắng của đội bóng sông Hàn đều in dấu giày của anh.

Sự xuất sắc của Omar (bên phải) giúp anh được chọn làm đội trưởng FLC Thanh Hóa.
Sự xuất sắc của Omar (bên phải) giúp anh được chọn làm đội trưởng FLC Thanh Hóa.

Không chỉ 2 đội bóng vừa kể, nhiều đội bóng khác cũng đang tận dụng triệt để lợi thế ngoại binh và cầu thủ ngoại nhập tịch. Chẳng hạn như FLC Thanh Hóa, dù sở hữu “dàn sao” nội trong đội hình như Đình Tùng, Hoàng Thịnh, Quý Sửu, Tiến Thành … nhưng vẫn phải trông cậy vào sức công phá của 2 ngoại binh Ivan, Omar cùng trung vệ nhập tịch Van Bakel. Nếu như ở mùa giải 2015 có cặp song sát Patiyo - Suleiman của QNK Quảng Nam thì qua 5 lượt trận ở mùa giải năm nay xuất hiện cặp song sát mới Ivan - Omar. Minh chứng cho điều này chính là 7/9 bàn thắng mà đội bóng của HLV Lê Thụy Hải có được đến nay là của 2 chân sút này. Tương tự, Becamex Bình Dương với những ngoại binh thuộc hàng tinh nhuệ V-League như Moses, Nsi, Đặng Văn Robert. Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai - đội bóng dựa vào nội binh do câu lạc bộ đào tạo và có thời điểm ở mùa giải 2015 chỉ sử dụng toàn cầu thủ nội nhưng sau đó cũng buộc phải thay đổi quan điểm “xài hàng ngoại” để có kết quả tốt.

Cầu thủ ngoại bắt đầu xuất hiện khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp. Và từ đó đến nay, vai trò lúc đậm lúc nhạt nhưng nhìn chung các cầu thủ đến từ các nền bóng đá phát triển hơn vẫn giữ vị trí chủ lực trong đội bóng mà họ đầu quân. Phần lớn đội bóng sử dụng ngoại binh đều ưu tiên cho tuyến tiền đạo và hàng phòng ngự. Điều này không ngạc nhiên bởi đầu tư ngoại tệ mua sắm tiền đạo với mục tiêu ghi bàn thắng còn ở vị trí trung vệ để chống ngoại binh của đối phương. Thế nên, có cảm giác không ít đội bóng chơi chỉ với 2 tuyến: chủ động phòng ngự chặt chẽ và khi có bóng lập tức chuyền dài cho các ngoại binh tuyến trên dùng thể hình và thể lực đua sức với đối phương. QNK Quảng Nam chẳng hạn, nhiều mùa giải qua, nhiệm vụ ghi bàn được “giao khoán” cho 2 tiền đạo ngoại binh, trong đó hiện nay là Suleiman và Felix. Suleiman vừa lập cú đúp giúp đội nhà có chiến thắng quan trọng cuối tuần qua còn Felix có bàn thắng đầu tiên trong màu áo mới khi đội nhà cầm hòa Sông Lam Nghệ An ở lượt trận thứ 3.

Rõ ràng, việc giảm số lượng ngoại binh tại V-League đã giúp cho cầu thủ nội có nhiều “đất” hơn để “diễn”. Tuy nhiên, thực tế nội binh đủ tài để cạnh tranh với ngoại binh về tầm ảnh hưởng đến đội bóng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Thanh Trung (QNK Quảng Nam), Anh Đức (Becamex Bình Dương), Văn Quyết (Hà Nội T&T). Vì vậy, muốn có được kết quả thi đấu tốt, hầu hết đội bóng đều mong muốn sở hữu đủ suất ngoại binh theo quy định, thậm chí cầu thủ nhập tịch.

ANH SẮC

ANH SẮC