Kết nối vùng đông bắc Ấn Độ và ASEAN
Lần đầu tiên, Hội nghị kết nối kinh tế vùng đông bắc Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong ba ngày cuối tuần qua (7 - 9.4) tại thành phố Imphal, thủ phủ bang Manipur thuộc khu vực đông bắc của Ấn Độ được xem là cơ hội hợp tác kinh tế tiềm năng giữa hai bên nói riêng, ASEAN và Ấn Độ nói chung. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, đẩy mạnh hiệu quả hợp tác kinh tế, thu hút khách du lịch cũng như tạo việc làm cho người dân cả hai khu vực. Tham dự hội nghị lần này có lãnh đạo Bộ Phát triển vùng đông bắc, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các chính quyền bang của vùng đông bắc, đại diện một số hiệp hội thương mại dịch vụ và các đối tác liên quan đến các dự án phát triển khu vực này, Đại sứ một số nước ASEAN như Brunei, Philippines, Thái Lan, Việt Nam cùng Tổng lãnh sự Myanmar tại Kolkata (Ấn Độ).
Thành phố Guwahati của vùng đông bắc Ấn Độ. (Ảnh: traveltriangle) |
ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên, hiện có hơn 600 triệu dân với GDP khoảng 2,6 nghìn tỷ USD và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là 126 tỷ USD. ASEAN - trung tâm kinh tế lớn của toàn cầu về sản xuất và thương mại và là một trong những thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Nếu xét dưới góc độ nền kinh tế duy nhất, ASEAN xếp thứ bảy trên thế giới. Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff khẳng định, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu vào năm 2050 nếu khu vực tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động và ổn định như hiện nay, đồng thời phát huy tối đa vai trò của Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong khi đó, Ấn Độ hiện là một trong những đối tác chiến lược của ASEAN. Ấn Độ - ASEAN là thị trường của 1,8 tỷ người và tổng GDP là 3,8 nghìn tỷ USD, trở thành khu vực kết nối kinh tế quan trọng hàng đầu của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, ASEAN trở thành cửa ngõ chính để Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với từng quốc gia thành viên của khu vực. Không phải đến bây giờ mà cách đây 25 năm, “Chính sách nhìn sang hướng Đông” của Ấn Độ (Look East Policy) được ra đời và liên tục được củng cố bởi các thủ tướng nắm quyền lãnh đạo Chính phủ Ấn Độ. Đặc biệt thông qua Diễn đàn đối thoại toàn diện Ấn Độ - ASEAN (từ năm 1995), Diễn đàn An ninh ASEAN (từ năm 1996), Hiệp định về khu vực thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN (FTA) về hàng hóa có hiệu lực từ năm 2011, Ấn Độ và ASEAN chính thức ký kết FTA về dịch vụ và đầu tư vào năm 2014. Đến nay chính sách trên được chuyển sang “Chính sách hành động hướng Đông” (Act East Policy) dưới thời đương kim Thủ tướng Ấn Narendra Modi.
Tại Đối thoại Delhi lần thứ 8 tại Ấn Độ với chủ đề “Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ: Một mô hình mới”, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, ông Anil Wadhwa cho biết, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ và Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN. Trong giai đoạn 2014 - 2015, kim ngạch thương mại giữa hai chiều Ấn Độ - ASEAN đạt hơn 76,5 tỷ USD. Trong giai đoạn 2007 - 2015, Ấn Độ đầu tư vào ASEAN 38,6 tỷ USD, trong khi ASEAN đầu tư vào Ấn Độ khoảng 32,4 tỷ USD. Còn khu vực đông bắc Ấn Độ - vùng địa lý giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng cho nhiều lĩnh vực đầu tư hiện nằm giữa ba vùng kinh tế lớn là khu vực Đông Á, Nam Á và ASEAN.
QUỐC HƯNG