Siết chặt quản lý kinh doanh dịch vụ cầm đồ

HOÀNG BIN 12/04/2016 09:50

Những năm gần đây, dịch vụ cầm đồ (DVCĐ) tại TP.Tam Kỳ có chiều hướng phát triển mạnh. Với đặc thù của loại hình tín dụng ngắn hạn, lãi suất cao, DVCĐ tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật, nhất là việc hợp thức hóa các tài sản trôi nổi, do phạm tội mà có.

Nhiều vi phạm

Vừa qua, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH) Công an TP.Tam Kỳ đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh DVCĐ trên đường Trần Cao Vân, phường An Xuân, phát hiện các sai phạm: cầm xe máy không có giấy ủy quyền của chủ tài sản và bảo quản tài sản không đúng nơi đăng ký với cơ quan công an, tổng mức phạt 7 triệu đồng. Đại úy Mai Văn Hiển, Đội trưởng Đội CSQLHC về TTXH Công an Tam Kỳ cho biết, đây là lỗi vi phạm phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh của 50 cơ sở kinh doanh DVCĐ đang hoạt động trên địa bàn hiện nay. Trung bình mỗi năm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội CSQLHC về TTXH, Công an Tam Kỳ đã xác minh nguồn gốc, tính hợp pháp của các tài sản đang cầm cố tại tiệm cầm đồ và đã thu hồi 3 - 5 mô tô. Riêng trong năm 2015, qua kiểm tra định kỳ, đột xuất đã phát hiện 27 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 96 triệu đồng.

Công an Tam Kỳ thường xuyên tập huấn pháp luật cho hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ảnh: H.B
Công an Tam Kỳ thường xuyên tập huấn pháp luật cho hộ kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ảnh: H.B

Theo quy định, để thực hiện hợp đồng cầm cố tài sản thì đầu tiên người đến cầm đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Sau đó hai bên tiến hành các bước: định giá tài sản; xác định mức vay dựa trên định giá; quy định lãi suất và thời hạn thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Trình tự thủ tục trên được ghi rõ trong hợp đồng cầm cố, mỗi bên giữ 1 bản. Tuy nhiên, hầu hết người đi cầm đồ đều ít quan tâm đến các nội dung này và nhiều cơ sở kinh doanh DVCĐ cũng tìm cách lách luật. Để bảo đảm lợi ích của mình, các chủ hiệu cầm đồ định giá hàng hóa rất thấp, nếu khách không có khả năng chuộc lại họ vẫn không ảnh hưởng đến quyền lợi mà còn bán được giá.

Để tìm hiểu thực tế, tôi mang chiếc máy laptop hiệu Asus mới mua đến một hiệu cầm đồ ở đường Hùng Vương, phường An Mỹ. Sau khi xem xét, chủ cửa hàng đồng ý cầm tài sản với giá 5 triệu đồng (giá trị thực tế hơn 15 triệu đồng). Thời hạn cầm trong vòng 1 tháng, lãi suất 15 nghìn đồng/ngày. Sau 1 tháng nếu không kịp gia hạn hoặc không trả đủ vốn lẫn lãi, thì sẽ bị thanh lý tài sản. Như vậy, tôi sẽ phải trả 450 nghìn đồng tiền lãi cho khoản vay 5 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Bên cạnh lãi suất cao thì lợi nhuận chủ yếu của DVCĐ là từ bán phát mãi tài sản. Tuy nhiên, theo Đại úy Mai Văn Hiển, hành vi này cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, như trường hợp trên, theo giao dịch dân sự, khi bán thanh lý tài sản, chủ tiệm cầm đồ chỉ được thu hồi 5 triệu đồng tiền cho vay, cộng với tổng số tiền lãi suất 15 nghìn đồng/ngày. Khoản tiền còn lại phải trả lại cho tôi (tức người đi thế chấp tài sản). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết tiền đều đổ vào túi chủ tiệm cầm đồ và chưa có trường hợp nào khiếu kiện về vấn đề này.

Siết chặt quản lý

Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: quy định cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định thì bị phạt tiền 2 đến 5 triệu đồng. Hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng. Hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng...

Trước thực trạng trên, thời gian qua, cơ quan chức năng TP.Tam Kỳ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật và tổ chức cho các cơ sở DVCĐ ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về ANTT. Đồng thời thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, củng cố mạng lưới cộng tác viên, phát động quần chúng tố giác tội phạm, vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý triệt để. Nhờ đó, đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các vụ gian lận, trộm cắp tài sản tiêu thụ thông qua DVCĐ. Điển hình như vụ trộm xe máy Attila, BKS 92D1-13058, do đối tượng Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1985) thực hiện tại thị xã Điện Bàn vào ngày 20.6.2015. Sau khi trộm tài sản, Chung mang vào Tam Kỳ cầm cố tại một hiệu cầm đồ trên đường Trần Cao Vân với giá 10 triệu đồng. Quan sát đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn, chủ tiệm cầm đồ đã thông báo cho cơ quan Công an Tam Kỳ kịp thời thẩm tra, xác minh và khởi tố đối tượng. Tuy nhiên có một thực tế là những trường hợp tố cáo đối tượng tiêu thụ của gian, thì chủ cơ sở cầm đồ có rất ít khả năng thu hồi vốn vì nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần tự giác của họ. Một khó khăn nữa đó là đối với các tài sản như mô tô, giấy tờ tùy thân... có thể chứng minh việc sử dụng chính chủ qua giấy đăng ký, còn vàng bạc, máy tính, điện thoại... rất khó để làm được việc này. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan khiến DVCĐ dễ bị lợi dụng làm nơi tẩu tán của gian.

Để giải quyết bài toán trên, Đại úy Mai Văn Hiển đề xuất: ngành chức năng cần nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với việc cấp giấy phép kinh doanh DVCĐ. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa công an, quản lý thị trường và ngành thuế trong việc quản lý DVCĐ, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, kịp thời khắc phục và xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, giám sát hoạt động thanh lý tài sản, kiến nghị hình thức đấu giá công khai. Cuối cùng là tăng biện pháp chế tài xử phạt đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh DVCĐ bởi mức phạt hiện nay vẫn còn thấp so với lợi nhuận mà DVCĐ mang lại.

HOÀNG BIN

HOÀNG BIN