Kinh doanh giải phóng mặt bằng

SÁU CÒI 12/04/2016 08:20

Trên thương trường, chuyện kinh doanh nhà đất đã trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa, dân số ngày càng tăng cao. Thế nhưng thời buổi mở đường, làm cầu lại “đẻ” ra chuyện kinh doanh giải phóng mặt bằng. Có dự án nào đó triển khai, nhà cửa, đất đai, cây cối của người dân bị ảnh hưởng cần phải di dời thì câu chuyện chuyển nhượng, mua bán cũng nhộn nhịp theo. Đơn cử nhà một hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng, thay vì được bố trí tái định cư nơi khu tập trung, họ đề nghị nhận suất đầu tư hạ tầng và tự đi tìm mua một mảnh đất nào đó để xen cư. Người dân lựa chọn được địa điểm an cư, còn nhà chức trách chẳng phải đau đầu lo chỗ ở sau giải tỏa. Chưa kể khi hoàn thành, khâu phân định vị trí ưu tiên bốc thăm nhận lô đất lại có lời ra tiếng vào. Nhưng đâu chỉ có thế, do chờ đợi quá lâu, tâm lý của người dân sẽ có sự dao động, rồi nảy sinh so sánh thiệt hơn giá trị vật chất, nhân công thời điểm áp giá, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ so với lúc chính thức xây dựng nhà mới. Khi đó, người có trách nhiệm phải giải thích, nếu không xuôi buộc thay đổi chính sách “cá biệt” mà thấp thỏm “hiệu ứng lan truyền”.

“Bây giờ, người ta “kinh doanh” ngay cả khâu giải phóng mặt bằng nữa mới sợ chứ” - một vị cán bộ lãnh đạo lắc đầu. Thực tế, câu chuyện người dân nghe thông tin một dự án lớn chuẩn bị triển khai là tất bật trồng cây “gây vườn, gây rừng”, mò mẫm xây nhà “siêu tốc” ngay trong đêm khuya không còn chuyện lạ, kể cả lập mộ giả. Đáng buồn thay, không ít người dân chân chất cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Vị cán bộ kia chứng minh thêm, ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dù đã nhận đủ, nhận đúng thực tế giá trị bị ảnh hưởng, hộ nào càng chây ỳ chưa chịu bàn giao mặt bằng khiến nhà đầu tư sốt ruột chi thêm chút kinh phí hỗ trợ để sớm có mặt bằng. Chưa kể cò kè trả giá kiểu “Cây ổi nhà tôi trồng cách đây 3 năm, còn nhà kia mới xuống giống hơn 2 năm nhưng tại sao đền bù giá như nhau?”.
Từ chuyện rộn ràng kinh doanh mặt bằng lại nghĩ đến vấn nạn tai nạn giao thông luôn rình rập. Mở đường tưởng là chuyện của nhà nước nhưng sâu xa là chuyện của dân, quay về phục vụ dân. Đơn giản đường to đẹp cho con cái họ đến trường, cho buôn bán thông thương, xe cộ lưu thông có chỗ né nhau khi gặp nguy hiểm… Trong khi đó, một số hộ dân bị ảnh hưởng cứ chây ỳ đặng để nhà thầu sốt ruột. Chưa kể, trường hợp bắt tay nhau “ăn chia” lợi nhuận kinh doanh giải phóng mặt bằng giữa người có trách nhiệm với người dân đã từng xảy ra hoặc chưa bị phát hiện.

SÁU CÒI

SÁU CÒI