Tích cực chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia
Trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, thầy và trò ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có những phương án tích cực, chủ động đảm bảo kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
Sớm định hướng các môn tự chọn
Từ đầu tháng 4, học sinh (HS) ở khối lớp 12 bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký các môn dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Trước đó, để đảm bảo công tác đăng ký, một số trường THPT trong tỉnh đã có định hướng cho HS đăng ký môn tự chọn. Công tác truyền thông, tư vấn chọn môn thi, ngành thi được các trường liên tục thực hiện từ đầu năm học thông qua các buổi chào cờ, họp khối lớp 12, họp phụ huynh… Hoạt động này giúp các em xác định môn thi phù hợp và các thầy cô giáo cũng có kế hoạch sắp xếp, bố trí lịch ôn tập kỹ càng.
Các trường đều lên phương án ôn tập kỹ càng, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: B.T.T.M |
Theo ghi nhận tại một số trường THPT, ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ thì tỷ lệ HS đăng ký ban đầu có mức chênh lệch tương đối cao ở các môn tự chọn. Trong đó, ở các môn tự nhiên số lượng HS đăng ký thi môn Vật lý nhiều hơn môn Hóa học, Sinh học. Cùng là môn xã hội nhưng môn Địa lý được HS lựa chọn nhiều hơn môn Lịch sử. Tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Lịch sử ở mức thấp nhất, có trường không có HS nào lựa chọn thi môn Lịch sử. Như Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh) có 459 HS dự thi thì tỷ lệ lựa chọn môn là: Lý 31,4%; Hóa 7,6%; Sinh 5,4%; Địa 55,3%; Sử 0%. Hay tại trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thành) tỷ lệ thi các môn là: Lý 29,3%; Hóa: 27,7%, Sinh: 4,1%, Địa: 37,8%; Sử: 1,1%. Còn tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) có 219 em lựa chọn thi môn Lý, 30 em lựa chọn thi môn Hóa, 27 em lựa chọn môn Sinh, 78 em lựa chọn thi môn Địa lý và 1 em lựa chọn thi môn Lịch sử.
Theo thầy Phạm Viết Sĩ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thành), việc đăng ký môn thi chủ yếu dựa vào lực học, định hướng nghề nghiệp và điều kiện gia đình của các em. Nhà trường sớm tư vấn, định hướng để các em có sự lựa chọn phù hợp, nghiêm túc chứ không can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn môn thi nào. Nhìn chung, có sự chênh lệch lớn giữa chọn môn thi là do với môn Lý, HS có sự lựa chọn ở cả 2 khối thi là Toán - Lý - Hóa và Toán - Lý - Anh. Cơ hội vào các trường đại học và ngành nghề cho các em cũng cao hơn so với môn Hóa, Sinh. Ở môn Địa, các em có thể mang Atlat vào phòng thi, nhìn vào các bản đồ, biểu đồ, đồ thị thì có thể phân tích và ghi điểm ở phần thực hành. Trong khi đó, ở môn Sử thì lại có các sự kiện, số liệu cần HS phải vất vả ghi nhớ nhiều hơn.
Phụ đạo và khảo sát chất lượng HS
Cùng với việc dạy học theo quy định, các tổ bộ môn cũng đã có kế hoạch củng cố kiến thức, bám sát phương thức ra đề và chú trọng công tác phân luồng, chọn thi xét tốt nghiệp hay xét vào đại học, cao đẳng cho các em. Khác với năm trước, trong năm học này kiểm tra học kỳ 2 có thể kéo dài đến đầu tháng 5 tới để các em có thời gian ôn tập kiến thức thường xuyên. Năm học 2014 - 2015, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của Trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thanh) đạt 92% và cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Để tiếp tục duy trì và có thể nâng cao kết quả đó, trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho từng đối tượng cụ thể, chi tiết theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Trường có kế hoạch họp để lấy ý kiến phụ huynh tổ chức các lớp học phụ đạo trái buổi cho HS. Trong giờ phụ đạo, giáo viên tập trung ôn tập nghiêm túc và giúp HS luyện cách trình bày bài viết để đảm bảo các câu HS làm được phải đạt điểm tối đa. Theo kế hoạch, các em sẽ bắt đầu học phụ đạo đến khoảng cuối tháng 6 thì kết thúc để chuẩn bị cho kỳ thi chính thức vào đầu tháng 7 tới. Ở Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh), cô Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, việc ôn tập, phụ đạo là cả một quá trình dài được thực hiện từ sớm. Nhà trường tiến hành phân loại HS theo khối thi, điểm tổng kết học kỳ 1, nguyện vọng học để phân công giáo viên đứng lớp.
Sở GD&ĐT vừa ban hành công văn về việc tổ chức thi khảo sát chất lượng HS lớp 12 trong toàn tỉnh để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Theo đó, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành giao đề đến từng đơn vị. Đề thi đánh giá HS ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao và đáp ứng yêu cầu cơ bản, nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ HS. Theo kế hoạch, kỳ khảo sát sẽ tổ chức trong vòng 2 ngày 19&20.4 ở 4 môn thi để xét tốt nghiệp THPT. Đối với HS không được học môn Anh văn hoặc học trong điều kiện không đảm bảo thì sẽ được chọn môn thay thế trong số các môn tự chọn. Các môn tự chọn thay thế Anh văn được nhà trường tự ra đề theo hình thức, cấu trúc, nội dung đề thi. Theo thầy Trần Hữu Giã - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ), trường tổ chức kỳ thi khảo sát chất lượng nghiêm túc theo đúng trình tự của kỳ thi quốc gia. Nhà trường chuẩn bị phòng ốc, cơ sở vật chất đầy đủ, bố trí cho 24 em/phòng thi và cử 2 giám thị coi thi từng phòng. Kỳ khảo sát như một đợt tập dợt để HS được tiếp cận gần với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài và giúp các cán bộ quản lý, giáo viên cũng được làm quen với quy trình tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia.
Bộ GD-ĐT quy định từ ngày 1 đến 30.4, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ tại các điểm đăng ký dự thi. Để giúp HS đã nắm vững các quy định, hướng dẫn do Bộ và Sở ban hành, các trường học có phương án phân công 2 cán bộ chuyên trách phụ trách hướng dẫn cặn kẽ về thủ tục, quy định làm hồ sơ, đảm bảo giúp các em hoàn thành hồ sơ kịp thời, chính xác.
BÙI THỊ THANH MINH