Đi bụi cùng easyrider

SONG ANH 10/04/2016 08:31

Họ gọi chính mình là đội ngũ “xe ôm cao cấp”. Người nước ngoài gọi họ là “easyrider”. Dù bằng tên gọi gì, với họ, sau những cung đường từ Nam chí Bắc, là những trải nghiệm vừa hiểm nguy vừa hạnh phúc…

Du khách thích thú với loại hình du lịch easyrider cùng phong cảnh của Việt Nam.  Ảnh: S.ANH
Du khách thích thú với loại hình du lịch easyrider cùng phong cảnh của Việt Nam. Ảnh: S.ANH

 “Phượt” cùng easyrider

Trang du lịch uy tín thế giới TripAdvisor có khá nhiều ý kiến ngợi khen của du khách dành cho dịch vụ trải nghiệm “easyrider tour” của Hội An. “Một dịch vụ tuyệt vời” hay “nhiều hơn cả chuyện đi du lịch, đó là trải nghiệm mạo hiểm với niềm vui”… Và đa số sau những ý kiến ấy là trang web, địa chỉ của những easyrider như Mr. Thống, Mr. Sơn – những người đã có thâm niên hơn 10 năm chọn dịch vụ du lịch này làm kế mưu sinh. Khi đọc những ý kiến từ du khách khắp nơi phản hồi cho dịch vụ du lịch của mình, những “easyrider” Hội An chia sẻ, họ càng cần phải làm sao để ấn tượng và trách nhiệm hơn với khách của mình. “Easyrider” với nghĩa nôm na là người cầm lái trên những cung đường dài. Riêng với ông Đỗ Văn Thống – được trong giới xem như người đầu tiên khởi phát dịch vụ du lịch này tại Hội An, lại cho rằng “nghề của mình, không đơn thuần là cầm lái, mà phải hiểu biết về văn hóa, vùng đất trên những cung đường”. Chọn du lịch mạo hiểm nghĩa là khách phải tự chịu mọi vấn đề xảy ra. Mọi thỏa thuận đã được ghi rõ trong hợp đồng trước mỗi chuyến đi. Nhưng những “easyrider” lại buộc mình phải có trách nhiệm với sự an toàn và đảm bảo sự thú vị trên mỗi vùng đất họ qua, bởi chính những hiểu biết họ có được.

“Easyrider” người Úc

Mark Wyndham và Simone quyết định ở lại Việt Nam và làm du lịch. Hama tour viết tắt của Hoian Motobikes Adventure thành lập khoảng năm 2009.  Mark từ bỏ công việc tại một công ty du lịch quốc tế để tới Hội An. Simone là một nhà thiết kế website. Trên chiếc xe Minsk phiên bản Nga, nhiều du khách đã thích thú bởi được sự dẫn dắt tài tình của easyrider người Úc này. CNN không tiếc lời khen ngợi “Hama tour” và Mark bởi sự chuyên nghiệp của anh. “Đặt tour của Hama mặc dù giá sẽ hơi cao nhưng bạn sẽ được cung cấp dịch vụ trọn gói với chất lượng châu Âu cùng cơ hội “ngao du sơn thủy”, CNN viết. Còn Mark thì nói, tôi thích những chuyến đi đường dài trên motor, thích đọc sách về những cuộc chiến ở Việt Nam, và muốn tìm đến những địa danh được nhắc đến trong các cuốn sách về chiến tranh.

Nghiệp “easyrider” của ông Thống bắt đầu từ một trang sách. Năm 2003, Hội An bắt đầu đông đảo du khách châu Âu. Ngoại ngữ trở thành yếu tố chính của câu chuyện lập nghiệp và làm giàu với cư dân Hội An. Ông Thống mày mò tự học tiếng Anh, bằng cuốn “Lonely Planet” – được coi như kim từ điển của giới ưa đi. Và chính trong bộ sách này, một loại hình du lịch trải nghiệm mang tên “easyrider” được nhắc nhiều tại các quốc gia châu Âu, hay ngay cả Lào và Campuchia cũng đã hình thành. Và ông Thống học theo. Những chuyến xe nối dài đam mê xê dịch thời trẻ tuổi. Từ vài người khách cho những chuyến đi mùa hè, rồi đến ngay cả khi mùa mưa tới, khi cái tên “Mr. Thong” được nhắc nhiều trong các diễn đàn du lịch, website quốc tế, thì cũng vừa kịp lúc ông Thống khơi mở thêm cho bạn bè mình một nghề nghiệp mới. Những chuyến đi đường dài bắt đầu.

Những “easyrider” chuyên nghiệp

Cũng với tinh thần làm việc như ông Đỗ Văn Thống, những người ra nghề sau ông Thống, như ông Nguyễn Hồng Sơn, hay “Hama tour”, của cặp vợ chồng Mark Wyndham và Simone, đều được du khách các nước “rỉ tai” nhau tìm đến. Ông Nguyễn Hồng Sơn nêu ra quan điểm làm du lịch của mình, là phải tìm đến những chỗ tiện nghi cho khách, và đảm bảo phù hợp với giá tiền họ bỏ ra. “Nếu mình ham lợi bằng cách đưa khách đến những chỗ tạp nham, giá rẻ, vì nghĩ họ không biết gì hết, là sai hoàn toàn. Tour của mình cũng đã được khách biết nhiều, thì phải làm ăn cho đường hoàng”, ông Sơn nói. Còn Hama tour của Mark và Simone không chỉ đưa du khách đến các vùng đất ở khắp Việt Nam. Cặp vợ chồng này đã mở rộng “motorbikes tour” sang tận Sri lanka.

Bây giờ, “motobikes tour” dường như trở thành một “trào lưu” của người châu Âu khi tìm đến Việt Nam. Điều này buộc những “easyrider” phải tự trang bị cho mình những điều kiện làm việc hiện đại và tối ưu. Ông Đỗ Văn Thống với website du lịch “easyrider-hoian.com”, hay việc kết nối từ chính trang du lịch Tripadvisor như cách của ông Sơn… đã trở nên hiệu quả. Ông Thống nói, lượt khách tìm đến tour của ông bây giờ đa số đều “book” tại trang web và chính họ sau khi trải nghiệm sẽ phản hồi và tương tác ngay trên chính website này. Bản thân mỗi easyrider cũng phải từng ngày trang bị và bổ trợ cho mình những kiến thức về văn hóa vùng miền, khả năng sinh tồn khi khó khăn và trau dồi thêm ngoại ngữ. Ông Thống nói lợi thế của easyrider người Việt chính là câu chuyện về bản sắc và văn hóa. Những am hiểu của họ sẽ sâu sắc hơn người nước ngoài. Nhưng ngược lại, nếu là một “easyrider” nước ngoài thì độ tin cậy của khách lại cao hơn. Nên những người Việt dấn thân vào công việc này buộc phải nỗ lực gấp đôi.

Ông Nguyễn Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam nói: “Theo báo cáo du lịch của các huyện miền núi thì easyrider là một bộ phận đưa khách lẻ đến khám phá và thường thì người quản lý du lịch ở vùng cao không quản hết số khách đi kiểu này. Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn khuyến khích kiểu du lịch như vậy, thì ít ra tiếng tăm của địa phương sẽ được biết đến nhiều hơn, về lâu dài sẽ có cách để khiến họ phải sử dụng dịch vụ ở địa phương. Nhưng bây giờ thì nên tạo điều kiện cho các easyrider”.

Bản thân mỗi “easyrider” – trước khi là một nghề, đã là niềm đam mê những chặng đường.

SONG ANH

SONG ANH