Phố cổ là phố... khổ

PHÙNG TẤN ĐÔNG 09/04/2016 09:02

Dân phố cổ hằng hai chục năm hơn thường than “phố cổ là phố khổ”! Đúng thôi. Chưa có danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đã khổ vì chính quyền buộc phải giữ nguyên hiện trạng - nói như chuyện tiếu lâm về bảo tồn, đó là: cấm sờ vào hiện vật, nên đừng có nói chuyện cơi nới, sửa chửa, chống xuống cấp… mà bỏ qua quy trình, quy chế về bảo tồn của chính quyền. Sau 1999 sự thể còn khổ hơn khi phố đã thành Di sản thế giới. Nhà là nhà của mình mà nhà cũng là của cả… nhơn loại -nghe rất chung chung mà sự thực hiển nhiên là vậy.

Ông cha mình nói chí lý: “Nhứt sợ vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Thực ra trong thời đại “nữ quyền” thì nữ đâu có “dại” như cái nhìn “nam quyền” đã nhận định theo thói quen vị kỷ “chồng chúa vợ tôi”. Nam hay nữ thì cũng có thể khôn dại như nhau cho nên tạm miễn bàn. Thứ nhì sợ nhà dột thì quá đúng với cư dân phố cổ. Nhà cổ lợp ngói móc khi ngói bể, xộc xệch mưa dột đã khổ, nhà lợp ngói âm dương còn khổ hơn vì ngói đã được trát vữa, tô vôi nguyên cả khối, lớp ngửa, lớp úp, khi thấm dột phải dở ra cả lớp - mà đã làm thì phải kêu thợ “dọi” rành nghề, rồi phải làm đơn báo trình các cấp khi thực hiện quy chế nhà phố cổ… Khổ thêm nữa, khổ còn hơn “nợ đòi” là sửa chữa, mua bán chi mà ngôi nhà có nhiều sở hữu như nhà của ông bà, cha mẹ thừa kế theo luật, nhà thờ tộc… nhất nhất phải được sự đồng ý của các đồng sở hữu đang ở khắp nơi cả trong và ngoài nước. Thật sự là nhiêu khê, nhiều di tích đang xuống cấp, nhà nước hỗ trợ 25 đến 30% kinh phí nhưng các đồng sở hữu vẫn chưa góp đủ kinh phí còn lại hoặc vẫn chưa đồng ý sửa chữa thì sự việc vẫn cứ “cù nhầy” năm này sang năm nọ… Rồi vật liệu cổ - gỗ nhóm 1, vôi trộn bời lời, đường mật, ngói âm dương, ngói móc, gạch vồ, trụ đá…, nên cả anh chị em làm công tác trùng tu cũng đồng ý: phố cổ là phố… khổ.

Vậy mà, mọi sự cũng dần dà đâu ra đó, cũng vạn sự hanh thông. Quan trọng nhất là dân tình thuần hậu. Người đô thị sớm nhận ra những giá trị văn hóa của di sản, thành thử, người dân đã kìm hãm biết bao nhu cầu “đương đại” của cư dân đô thị như xây nhà vệ sinh hiện đại - có bồn tắm, vòi sen, lắp hệ thống điều hòa, đèn chiếu sáng đủ kiểu… Thì cả trăm năm trước dưới thời Pháp thuộc, đâu có nhà nào có cầu tiêu - chính vì vậy ở các con đường trong mỗi khu đều có trạm đổ thùng (cầu) để nhân viên vệ sinh đến lấy… Nay để giữ nguyên trạng thì phải tuân thủ thôi, thành phố cần có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng cho du khách chứ dân phố cổ sống quen rồi, xí bệt hay xí xổm cũng rứa thôi…

Cứ thế, những dự án mà bà con đồng thuận đều được triển khai, phố đi bộ, phố không tiếng động cơ đều đi vào nền nếp. Hội An - như nhiều nhà nghiên cứu đã nói - dân phố cổ đã biết “bán” sự yên tĩnh cho du khách dù biết mình sẽ khổ và với “đặc thù sinh hoạt vật chất” của mình thì thử hỏi có cư dân đô thị nào biết “đồng hành với di sản” như cư dân Faifoo(!).

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG