Khan hiếm nguồn nước sạch

NGUYỄN QUANG VIỆT 08/04/2016 08:52

Biến đổi khí hậu ngày biểu hiện rõ nét hơn cộng với hiện tượng El Nino khiến cho tình trạng thiếu nước sạch trở nên trầm trọng ở nhiều địa phương.

Khan hiếm nguồn nước

Những ngày qua, khô hạn kéo dài đã khiến cho sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt. Ông Trần Ký (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết, máy bơm nước của gia đình hoạt động hết công suất cũng không thể hút đủ nước dùng cho sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình. “Gia đình chúng tôi tranh thủ dậy sớm để bơm nước. Thông thường cỡ 4 giờ sáng là thời gian mà mạch nước ngầm trong lòng đất dồi dào nhất, vậy mà nhiều khi không hút được nước” - ông Ký nói. Cạnh nhà ông Ký, chị Lê Thị Tư cũng than phiền: “Gia đình chúng tôi về sống ở khu tái định cư này đã được 3 năm rồi. Mấy năm đầu thì không thiếu nước, vậy mà trong năm nay, hễ cứ nắng nóng kéo dài cỡ 5 - 7 ngày thì không bơm được”. Theo người dân địa phương, ngay cả ở thời điểm mưa kéo dài nhiều ngày người dân vẫn khổ sở vì nguồn nước ngầm đã bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.Theo ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch & tư vấn thủy lợi Quảng Nam, 11 công trình nước sạch do đơn vị đầu tư trong thời gian qua ở các vùng đồng bằng, ven biển và miền núi của tỉnh sẽ gặp khó khăn trong thời gian đến bởi thiếu nguồn cung nước. “Sông suối khô hạn không chỉ ngày một, ngày hai mà kéo dài triền miên trong mùa khô theo dự báo sẽ khiến cho các công trình nước sạch không đủ nguồn nước” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, vào thời điểm này, công trình nước sạch được đơn vị đầu tư ở xã Tam Quang (Núi Thành) hoạt động… nhỏ giọt. “Khi đầu tư công trình nước sạch này, chúng tôi kỳ vọng sẽ cung cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt của người dân. Vậy mà chừ thì thiếu nước nghiêm trọng rồi. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp nước cho người dân trong quãng thời gian 10 giờ 30 - 12 giờ và 16 giờ 30 - 18 giờ. Chỉ khi nào mạch nước ngầm trong lòng đất đầy lên, chúng tôi bơm đủ nước thì người dân mới có thể dùng nước thoải mái” - ông Dũng cho biết.

Nước sạch ngày một khan hiếm ở nhiều địa phương. Ảnh:N.Q.V
Nước sạch ngày một khan hiếm ở nhiều địa phương. Ảnh:N.Q.V

Cố xoay xở

Cần hỗ trợ giá nước cho vùng khó khăn
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mong muốn UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 108/2015/NQ-HĐND ngày 11.12.2015 về cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, cần xã hội hóa đầu tư các công trình nước sạch ở nông thôn, kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư, đồng thời tổ chức lại khâu quản lý sau đầu tư, đào tạo đội ngũ quản lý, tránh hư hỏng liên tục trong thời gian qua. Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ giá nước, áp dụng cho vùng khó khăn để người dân nghèo hòa nhập, từng bước thích nghi với việc sử dụng nước sạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chín - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải thừa nhận nước sạch đang là vấn đề nan giải ở khu tái định cư Duy Hải. Vùng đất xây dựng khu tái định cư vốn là cồn, lạch thuộc hạ lưu sông Thu Bồn. Mạch nước ngầm ở đây đã bị nhiễm mặn, nhiễm phèn lâu nay nhưng do trước đây nguồn nước dồi dào, phần phèn, mặn lắng sâu nên người dân chưa hút phải phần nước bẩn khi bơm nước. Gần đây, khô hạn kéo dài, nguồn nước ít ỏi nên khi bơm nước, người dân hút phải phần nước nhiễm mặn, nhiễm phèn. “Phèn thì có thể lắng lọc, sử dụng được chứ nhiễm mặn thì bó tay. Người dân vẫn phải dùng nguồn nước đó thôi” - ông Chín nói.

Những ngày qua, người dân các thôn sâm Linh Đông, Sâm Linh Tây, An Tây, Thanh Long, An Hải Đông của xã Tam Quang phải đi mua nước ở thôn Trung Toàn thuộc địa bàn xã để về dùng cho các nhu cầu sinh hoạt. Tốn tiền, đi lại khó khăn không khiến người dân nản lòng bằng việc phải chờ chực hàng giờ mới mua được nước vì quá khan hiếm. “Thôn Trung Toàn có địa hình cao nhất xã Tam Quang nên nguồn nước ở đây không bị nhiễm mặn, tương đối đảm bảo vệ sinh khi dùng. Có điều địa hình đồi núi ở đây khan hiếm nguồn nước, phải gian nan lắm người dân mới dành dụm được can nước để bán cho mình. Nhiều khi chờ mỏi mắt mới mua được nước nhưng vất vả vậy cũng phải đành đoạn thôi chứ biết cách nào bây chừ” - bà Huỳnh Thị Kim Chi, ở thôn Sâm Linh Đông nói. Với mỗi khối nước mua được, bà Chi đã phải tốn 10 nghìn đồng. Gian truân như vậy nên tiết kiệm nước trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân. Nhiều hộ dân cho biết, họ phải lấy nước sông Trường Giang về dùng “bước 1” cho các công việc giặt giũ, rửa rau quả, rửa chén... Sau đó, họ mới dùng nước sạch được mua về để vệ sinh lần cuối.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, người dân ở hầu hết địa bàn của huyện từ ven biển đến đồng bằng và miền núi đều phải sống chung với thiếu nước và nước thiếu vệ sinh. Huyện đang kiến nghị với UBND tỉnh, bằng cách huy động các nguồn vốn khác nhau, sẽ đầu tư công trình nước sạch để người dân sử dụng. Khi đã đầu tư, huyện tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ công trình nước để có thể sử dụng lâu dài, bền vững.

    NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT