"Điểm đen" cầu Ri

CÔNG TÚ 07/04/2016 10:01

Cầu Ri (ở thôn Mỹ An, Đại Quang, Đại Lộc) lâu nay trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông, “điểm nghẽn” về lưu thông mùa mưa bão... do công trình này đang tồn tại nhiều bất cập.

Theo người dân địa phương, nguyên thủy cầu Ri có từ thời thực dân Pháp xâm lược. Đến năm 2009, đồng thời với việc kiên cố hóa bề mặt tuyến ĐH4.ĐL, cầu Ri cũng được sửa chữa lại nhưng công trình này vẫn tồn tại nhiều bất cập, gây nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT). Cụ thể, lòng tuyến ĐH4.ĐL nối ĐT609 với quốc lộ 14B rộng 4m, song chiều rộng mặt cầu chỉ 3m nên hình thành “nút thắt cổ chai” rất nguy hiểm. Chưa kể, bề mặt cầu lại thấp hơn bề mặt đường đến hơn 1m, tạo ra độ võng lớn, gây khó khăn cho phương tiện lưu thông. Trong khi đó, đoạn đường dẫn vào cầu ở phía bắc gần một ngã tư, còn phía nam là một ngã ba. Do vậy, người tham gia giao thông trên đường chính khi đổ xuống “lòng chảo” qua cầu rất dễ xảy ra xung đột với chiều đi xuất phát nơi ngã ba, ngã tư. Hàng chục vụ TNGT đã xảy ra, biến cầu Ri trở thành “điểm đen” TNGT.

Mặt cầu nhỏ hẹp không đảm bảo phương tiện lưu thông trên trục đường huyện. Ảnh: C.T
Mặt cầu nhỏ hẹp không đảm bảo phương tiện lưu thông trên trục đường huyện. Ảnh: C.T

Ông Nguyễn Bốn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Nhân dân thôn Mỹ An cho hay, cầu Ri còn là “điểm nghẽn” cho lưu thông mỗi khi mùa mưa bão về. “Lụt mới vừa trên báo động 1 thì cầu đã bị ngập, nước chảy xiết. Học sinh đi học không thể trở về nhà. Một vài trường hợp người dân cố ý lội qua liền bị nước cuốn trôi, rất may họ bám được vào cây mai dương trong lúc chờ cứu” - ông Nguyễn Bốn kể. Thôn Mỹ An có khoảng 380 hộ dân với 1.500 nhân khẩu. Vị trí cầu Ri trên tuyến ĐH4.ĐL nằm giữa thôn, “chia” Mỹ An thành 2 cụm dân cư rõ rệt. Thực trạng của cây cầu ảnh hưởng lớn đến quá trình đi lại của nhân dân và cán bộ địa phương, cũng như một số thôn thuộc xã lân cận. Vào mùa mưa lũ, cầu Ri ngập (năm 2009, mặt cầu ngập sâu hơn 3,5m), cho nên học sinh phải nghỉ học nhiều ngày, gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn. Bà Lê Thị Ba (người dân thôn Mỹ An) chia sẻ, bà không thể yên tâm khi mỗi lần nhìn cháu con qua lại cầu Ri. Bà mong các cấp quan tâm làm lại cây cầu để địa phương có điều kiện phát triển.

Trao đổi về thực trạng cầu Ri và giải pháp của địa phương, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho rằng, cây cầu nằm trên tuyến huyết mạch, còn phục vụ cho một lượng lớn công nhân đi vào làm việc tại các cụm công nghiệp ven quốc lộ 14B. Trước thực trạng của cầu Ri, xã nhiều lần kiến nghị và chính quyền huyện Đại Lộc tiến hành nhiều biện pháp khắc phục nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Còn nhớ tháng 5.2015, chúng tôi có mặt tại cầu Ri sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân thôn Mỹ An về những hiểm họa TNGT, tai nạn chết đuối đang rình rập. Lúc đó, lãnh đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cũng đã đến hiện trường để khảo sát tình hình, nắm bắt tâm tư người dân và tham mưu UBND huyện nhiều vấn đề. Theo ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, qua nhiều cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, cử tri thôn Mỹ An đã kiến nghị về vấn đề này nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư. “Do kinh phí của Đại Lộc hạn hẹp, tháng 7.2015, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí để tổ chức sửa chữa khẩn cấp cầu Ri. Có như vậy, công trình mới đảm bảo an toàn phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân, đặc biệt trước mùa mưa lũ năm 2015” - ông Đoàn Ngọc Quang thông tin.

Sau khi nhận tờ trình của UBND huyện Đại Lộc, ngày 6.8.2015, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 3465/UBND-KTTH về việc sửa chữa khẩn cấp công trình cầu Ri gửi Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh và UBND huyện Đại Lộc. Văn bản có đoạn: “Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu có ý kiến như sau: Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh xem xét, đưa công trình vào danh mục đề nghị bố trí vốn từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ để được xem xét, giải quyết”. Nhưng đến cuối tháng 3.2016, dự án khẩn cấp này vẫn chưa động đậy. Trong khi theo quy hoạch, tuyến ĐH4.ĐL sẽ kết nối tuyến ĐH3.ĐL (đường xuyên vùng B, nối ĐT609B -  quốc lộ 14B) với ĐT609 và quốc lộ 14B, là trục ngang huyết mạch của Đại Lộc nói riêng, vùng tây Quảng Nam nói chung.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ