Bồi thường, giải tỏa đất ở xã Bình Dương: Cần sự thỏa thuận giữa hai bên
Do không thống nhất được phương án giải quyết bồi thường, giải tỏa giữa hai bên nên gia đình ông Lê Ngọc Châu (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) vẫn không thể sửa chữa, cơi nới ngôi nhà của mình đã bị xuống cấp trầm trọng.
Theo trình bày của ông Lê Ngọc Châu, gia đình ông nằm trong diện giải tỏa trắng thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Tuy nhiên, từ khi dự án triển khai đến nay đã hơn 5 năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong việc bồi thường, giải tỏa đất đối với gia đình ông. Trong khi đó, ngôi nhà chính của ông đã bị xuống cấp trầm trọng, không thể ở được nữa nhưng vẫn không được phép sửa chữa. “Nhà của tôi đã bị tốc mái, mối mọt phá hại cách đây 3 năm nhưng vẫn không thể sửa chữa vì nằm trong dự án. Giờ nhà chính không thể ở được, hai vợ chồng tôi phải ở nhà phụ kề bên. Không ai trong gia đình dám lên nhà trên vì nó có thể sập bất cứ lúc nào, nguy hiểm lắm” - ông Châu trình bày.
Gia đình ông Lê Ngọc Châu thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng. Hiện ông Châu đang thờ cúng 2 liệt sĩ là em và anh trai ruột của mình. Bản thân vợ chồng ông cũng là người thuộc diện đã từng bị địch bắt tù đày. Theo tìm hiểu, ông Châu đã nhiều lần làm việc, kiến nghị với các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Theo đó, ông Châu đưa ra 2 phương án để giải quyết: phương án 1 là gia đình đồng ý giải tỏa trắng với giá đền bù là 2,5 tỷ đồng (diện tích nhà ông là 3.449m2). Phương án 2 là phải bố trí lại cho gia đình 1.500m2 đất ở khu tái định cư (có đầy đủ điện, đường, trường, trạm, nước) và số tiền tương ứng với đất và tài sản trên đất cho gia đình ông. Tuy nhiên, Trung tâm Bồi thường hỗ trợ và tái định cư (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư & phát triển Kỳ Hà - Chu Lai) không thống nhất với những phương án gia đình ông Châu đưa ra. Trung tâm chỉ đồng ý với 2 phương án như sau: thứ nhất, theo đề nghị của gia đình, sẽ bố trí vào khu đất tái định cư ven biển Duy Hải giai đoạn 1 (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, Duy Xuyên) với 2 lô đất diện tích 520m2. Giá đất tại vị trí là 690 nghìn đồng/m2. Phương án 2 là ngoài số tiền nhận được về bồi thường tài sản, đất đai và các khoản hỗ trợ khác theo quy định (theo bảng thống kê, gia đình ông Châu sẽ được bồi thường hơn 745 triệu đồng), hộ gia đình ông còn nhận được số tiền Nhà nước hỗ trợ khoản chênh lệch để gia đình tự tìm đất tái định cư là hơn 267 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Phước Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho biết, trung tâm đã cùng với các ngành chức năng của huyện Thăng bình đã nhiều lần làm việc, giải thích, vận động, nhưng gia đình ông Châu vẫn không đồng ý khiến tình trạng kéo dài đến tận hôm nay. “Cái giá mà gia đình ông Châu đòi hỏi là quá cao, vượt khung quy định của Nhà nước nên chúng tôi không thể làm khác. Hồi trước gia đình ông đòi bố trí 2 lô đất, chúng tôi đã đáp ứng, nhưng sau này lại đòi lên 4 lô thì chịu chết. Về việc ông xin phép được sửa chữa nhà để ở thì cái này thuộc quyền của UBND tỉnh…” - ông Thương cho hay.
Ông Đặng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, giá mà gia đình ông Châu đưa ra là quá cao so với quy định nên không thể đáp ứng được. Sau khi tiếp nhận đơn xin sửa chữa nhà của gia đình ông Châu, chính quyền xã đã phối hợp với các bên xuống hiện trường để kiểm tra tình hình và tìm hướng giải quyết. “Chính quyền luôn muốn người dân được hưởng lợi đúng với quy định của pháp luật. Trước mắt, chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động gia đình ông Châu thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, nhận hỗ trợ và sớm ổn định lại cuộc sống của mình. Giờ gia đình ông Châu có sửa chữa nhà ở, thì sau này có áp giá bồi thường cũng không hỗ trợ những gì đã xây mới, như thế sẽ rất thiệt thòi cho gia đình ông” - ông Hùng nói.
NGUYỄN DƯƠNG