Đề án xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Băn khoăn với "chất lượng cao"

XUÂN PHÚ 07/04/2016 09:01

Sở GD-ĐT vừa hoàn thành dự thảo đề án xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh đến năm 2020 thành trường trọng điểm chất lượng cao. Tuy nhiên, có không ít băn khoăn chung quanh khái niệm và tiêu chuẩn “trường chất lượng cao”.

Cơ ngơi của Trường PTDTNT tỉnh cần được đầu tư nâng cấp.Ảnh: X.PHÚ
Cơ ngơi của Trường PTDTNT tỉnh cần được đầu tư nâng cấp.Ảnh: X.PHÚ

Tạo bước phát triển mới

Trường PTDTNT tỉnh được thành lập vào năm 1985 với chức năng, nhiệm vụ nuôi dạy học sinh (HS) các dân tộc miền núi, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh. Trải qua chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, với nỗ lực vươn lên của đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS, nhà trường đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Tính đến nay, từ mái trường này, đã có hơn 2.500 HS được nuôi dạy ra trường, trong đó có hơn 2.000 người được đào tạo, tuyển dụng tham gia công tác ở miền núi. Hiện nay, quy mô đào tạo của trường là 450 HS, được tuyển sinh từ các huyện miền núi thông qua phương thức xét tuyển hàng năm.

Theo dự thảo đề án xây dựng Trường PTDTNT tỉnh đến năm 2020, ngoài đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tỉnh sẽ ban hành cơ chế chính sách đối với cán bộ, giáo viên và HS. Cụ thể, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, HS đạt thành tích giỏi, tiên tiến trong rèn luyện và học tập còn được UBND tỉnh hỗ trợ học bổng học tập với định mức bằng 3 - 4 lần mức lương tối thiểu/năm. Đối với cán bộ, giáo viên, ngoài chính sách theo quy định hiện hành còn được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi bằng 30% lương theo ngạch bậc và thời gian hưởng 10 tháng/năm.

Về nguồn kinh phí và lộ trình thực hiện đề án, giai đoạn 2016 - 2020 mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là 67,5 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm chi hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên và HS là 2 tỷ đồng.

Trong những năm qua, Trường PTDTNT tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng công tác phụ đạo HS yếu. Nhờ đó chất lượng học tập của HS có chuyển biến rõ rệt mà tiêu biểu là kết quả tốt nghiệp THPT hàng năm thuộc tốp cao nhất tỉnh với xấp xỉ 100%, tỷ lệ trúng tuyển vào đại học, cao đẳng mấy năm gần đây đạt gần 45%. Đáng chú ý, nhà trường là đơn vị đầu tiên của bậc THPT cả tỉnh đạt chuẩn quốc gia vào năm 2012, được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian qua, dù nhận được sự quan tâm của tỉnh song chưa đúng mức, kể cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên và các điều kiện phương tiện phục vụ dạy và học. Trường được xây dựng từ năm 1985, sau đó được nâng cấp, sửa chữa nhưng đến nay đã xuống cấp nhiều. Chưa kể, thiếu các hạng mục đặc thù như nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà công vụ giáo viên, sân thể thao. Chất lượng đầu vào còn hạn chế do cơ chế tuyển sinh làm cho chất lượng đầu ra chưa cao như kỳ vọng. Trong khi đó, một thực tế là chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở của miền núi còn hạn chế cần được bổ sung đội ngũ chất lượng. Những năm tới, cùng với việc chăm lo giáo dục mầm non, tiểu học, THCS vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần phải quan tâm đầu tư cho hệ thống các trường THPT ở miền núi và Trường PTDTNT tỉnh. “Chính vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển Trường PTDTNT tỉnh thành trường trọng điểm chất lượng cao, tạo ra bước phát triển mới là rất cần thiết. Đây là yêu cầu vừa trước mắt, vừa mang ý nghĩa chiến lược lâu dài nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn trong việc nuôi dạy con em ưu tú của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tạo nguồn đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức dân tộc thiểu số” - ông Quốc nói.

Nhiều băn khoăn

Thừa nhận hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn như thế nào là “chất lượng cao”, vì thế, theo ông Quốc, đề án dựa trên quy định tại Thông tư 47 (ngày 7.12.2012) của Bộ GD-ĐT về quy chế công nhận trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia để xây dựng tiêu chuẩn trường trọng điểm chất lượng cao theo hướng các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ tiêu đặt ra đều ở mức cao hơn trường chuẩn quốc gia. Cụ thể như đội ngũ cán bộ quản lý 100% có trình độ thạc sĩ và hàng năm đạt loại xuất sắc theo chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; 50% giáo viên có trình độ sau đại học, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong dạy học và có khả năng giao tiếp bằng một thứ tiếng dân tộc thiểu số của tỉnh; 100% giáo viên xếp loại khá trở lên về chuẩn nghề nghiệp; hàng năm 20% HS xếp loại giỏi, 60% xếp loại khá về học lực, 100% đỗ tốt nghiệp THPT và 80% thi đỗ đại học, cao đẳng… Để đạt được mục tiêu này, phương thức tuyển sinh cũng sẽ được thay đổi nhằm tuyển chọn những HS có năng lực học tập tốt nhất. Đó là, thay vì xét tuyển như trước đây, tuyển sinh sắp tới sẽ theo hình thức thi tuyển có phân bổ chỉ tiêu cho từng huyện đối với các em thuộc diện quy hoạch tạo nguồn cán bộ của địa phương. Để góp phần nâng cao chất lượng, bên cạnh chính sách hiện hành sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS.

Theo một số cán bộ quản lý giáo dục, khái niệm trường “chất lượng cao” chưa có quy định cụ thể nào của Bộ GD-ĐT mà chỉ dừng lại ở một số văn bản của Đảng, Nhà nước nên không thể đặt ra rồi lấy đó làm mục tiêu xây dựng. Hơn nữa, các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ tiêu của trường chuẩn quốc gia THPT được nâng lên một ít để trở thành “chất lượng cao” cũng chưa hợp lý. Đó là chưa nói đến việc, với đặc thù của Trường PTDTNT tỉnh thì sẽ rất khó hoàn thành, nhất là tiêu chí về chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, một thực tế hiện nay là ngay cả tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia nhưng một số trường THPT đã gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Do đó, để cho khả thi và hợp lý hơn, nên chăng đề án tập trung vào việc nâng cao chất lượng nhằm giúp Trường PTDTNT tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn đào tạo cán bộ có chất lượng cho miền núi.

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cũng tỏ ra băn khoăn với thuật ngữ “trường chất lượng cao”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, khái niệm “chất lượng cao” có gì đó to tát và thiếu tính thực tiễn bởi trong khi 2 trường THPT chuyên của tỉnh vẫn chưa gọi là trường chất lượng cao. Vậy nên, UBND tỉnh ủng hộ phương án xây dựng Trường PTDTNT tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục còn chất lượng cao hay không thì Sở GD-ĐT phải tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc khi xây dựng đề án tham mưu cho tỉnh.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ